Tiêu chí xác định tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập có giá trị đặc biệt

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, trong đó quy định chi tiết về tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt.

 Tài liệu về lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh.

Tài liệu về lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự thảo Nghị định dành 04 điều quy định về tiêu chí xác định tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm, Bộ sưu tập có giá trị đặc biệt và nội dung về xây dựng, quản lý và sử dụng tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập có giá trị đặc biệt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Thư viện.

Theo dự thảo, tài liệu cổ phải là tài liệu có từ 100 năm tuổi trở lên và được tạo ra trong khoảng thời gian hoặc tại nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam hoặc liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước.

Về tiêu chí xác định tài liệu quý hiếm, dự thảo đề xuất 2 phương án.

Theo phương án 1, tài liệu quý hiếm phải là bản chính, bản gốc bản thảo viết tay hoặc có bút tích của anh hùng dân tộc, cá nhân, danh nhân tiêu biểu, các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Đồng thời, phải là tài liệu chứa thông tin về các sự kiện, biến cố và hiện tượng đặc biệt của tự nhiên, đời sống xã hội và tư duy, có ý nghĩa nền tảng đối với quản lý nhà nước, kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quan hệ đối ngoại, nghiên cứu khoa học lịch sử và không thể bổ khuyết được nếu như bị mất hoặc hư hỏng; và đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí: a) Được thể hiện trên vật mang tin độc đáo tiêu biểu của thời kỳ lịch sử; b) Chỉ có duy nhất một bản, không thể được bổ khuyết nếu bị mất hoặc hư hỏng; c) Có tính độc đáo về ngôn ngữ thể hiện, hình thức trình bày, kỹ thuật chế tác hoặc tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại.

Còn phương án 2 lại đề ra tiêu chí riêng đối với tài liệu quý, tài liệu hiếm và tài liệu quý hiếm. Theo đó, tài liệu quý là tài liệu không thể bổ khuyết nếu bị mất hoặc hư hỏng, phải đáp ứng 01 trong các tiêu chuẩn về nội dung.

Tài liệu hiếm là tài liệu chỉ có duy nhất một bản, không có bản thứ hai tương tự và phải đáp ứng 01 trong các tiêu chuẩn về không gian, thời gian, địa điểm, tác giả, vật mang tin và kỹ thuật chế tác.

Tài liệu quý hiếm là tài liệu có ít nhất 01 tiêu chuẩn tài liệu quý và ít nhất 01 tiêu chuẩn của tài liệu hiếm.

3 tiêu chí xác định bộ sưu tập có giá trị đặc biệt

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, bộ sưu tập có giá trị đặc biệt phải đáp ứng các tiêu chí sau: a- Bộ sưu tập tài liệu đặc sắc và có ý nghĩa đặc biệt về tư tưởng, chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học, lịch sử và có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia, địa phương, xã hội; b- Bộ sưu tập tài liệu được hình thành trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt về thời gian, không gian; c- Bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc sắc về tinh thần, thẩm mỹ hoặc về phương pháp tài liệu hóa; có ý nghĩa văn hóa đặc biệt và nền tảng đối với quản lý nhà nước, kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ngoại giao, nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn học.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện có trách nhiệm xây dựng danh mục và quy chế sưu tầm, quản lý, bảo quản, sử dụng và phát huy giá trị của tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập có giá trị đặc biệt.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/tieu-chi-xac-dinh-tai-lieu-co-quy-hiem-bo-suu-tap-co-gia-tri-dac-biet/387500.vgp