Tiêu chí 'Vườn hộ' trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao: Thay đổi tư duy, khơi dậy tiềm năng quỹ đất

Những vườn tạp rậm rạp với nhiều cây trồng giá trị kinh tế thấp đã được thay thế bằng những vườn chuyên canh cây ăn quả. Nhiều loại cây trồng hỗn tạp để lưu cữu cũng được chính quyền các xã vận động chủ vườn mạnh dạn chặt bỏ để trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đó cũng chính là nội dung tinh thần xây dựng tiêu chí Vườn hộ trong xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao đang đi vào thực tiễn ở nhiều vùng quê.

Vườn hộ gia đình ông Hoàng Văn Phong, thôn Mậu Đông, xã Quảng Lưu (Quảng Xương).

Từ tháng 8-2018, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng (XD) NTM tỉnh đã triển khai cho nhiều xã đã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, tiến hành XD xã NTM nâng cao. Theo đó, 15 tiêu chí của xã NTM nâng cao đồng loạt được triển khai ở nhiều địa phương, trong đó có tiêu chí Vườn hộ là tiêu chí thứ 9. Việc triển khai được thực hiện ngay trong vườn nhà dân nhằm cải tạo vườn tạp, trồng các cây trồng có giá trị kinh tế, khơi dậy tiềm năng quỹ đất... Tiêu chí số 9 này cũng yêu cầu các xã phải bảo đảm được 3 chỉ tiêu trong quá trình thực hiện. Thứ nhất, phải có ít nhất 30% vườn hộ có hệ thống tưới tiêu khoa học hoặc có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Thứ hai, vườn hộ phải được quy hoạch khoa học, hiệu quả, có sản phẩm hàng hóa. Thứ ba, giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, cho biết: Để các xã trong tỉnh triển khai hiệu quả tiêu chí số 9 này, chúng tôi đã có nhiều cách tiếp cận. Đầu tiên là tuyên truyền cho các xã và người dân thấy đây là việc làm cần thiết nên cần phải vào cuộc thực hiện. Văn phòng đã yêu cầu và phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức cho nhiều lượt người dân đi tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh để họ tận mắt thấy hiệu quả, học tập cách làm và sẵn sàng thay đổi tư duy để về thực hiện. Trong quá trình xây dựng các vườn hộ, chúng tôi còn hướng cho chính quyền địa phương tạo ra các phong trào thi đua giữa các hộ, giữa các thôn nhằm tạo sự lan tỏa...

Thăm vườn hộ gia đình ông Hoàng Văn Phong ở thôn Mậu Đông, xã Quảng Lưu (Quảng Xương), chúng tôi đã thấy được phần nào tư duy sản xuất của chủ vườn đang có sự thay đổi theo hướng hiện đại. Chỉ trước đây hơn 2 năm, khu vườn rộng 730 m2 này có nhiều cây lớn nhưng hầu như không cho thu nhập gì đáng kể mỗi năm. Dưới những tán cây um tùm, gia đình trồng cây rau chua mà địa phương gọi là rau vông vang để hái bán, nhưng tổng thu nhập cộng dồn mỗi năm cũng chỉ được vài ba triệu đồng. Khi được địa phương, mà cụ thể là UBND và hội làm vườn và trang trại xã vận động, ông Phong đã mạnh dạn chặt bỏ nhiều cây trồng hỗn tạp, xây tường bao, cải tạo đất rồi đồng loạt trồng cây bưởi Diễn. Để phát huy hiệu quả, ông còn bỏ ra 6 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động. Do trồng cây ghép, nên vườn bưởi đã cho ra quả bói vụ đầu, mang theo nhiều kỳ vọng về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm trên chính mảnh đất mà trước kia chỉ cho thu nhập vài triệu đồng.

Cùng thôn Mậu Đông, do có diện tích vườn rộng cả héc-ta, gia đình ông Lê Đình Nghĩa lại xây dựng vườn hộ với quy hoạch nhiều khu trồng cây ăn quả khác nhau, trồng cây cảnh và đào ao thả cá. Nào bưởi Diễn, bưởi da xanh, hồng xiêm... đang đua nhau vươn cành hướng sáng, phủ màu xanh lên từng phần vườn đã được ông quy hoạch cụ thể. Hệ thống ống dẫn nước tưới ra tận vườn để phun tự động đã giúp chủ vườn không phải đưa vòi bơm đến từng gốc cây mà chỉ cần một động tác mở khóa vòi nước. Được biết, vườn hộ gia đình ông Nghĩa là một trong những vườn lớn nhất xã đã được cải tạo. Có thể nói, phong trào cải tạo vườn tạp để thực hiện tiêu chí Vườn hộ đang tạo được sự lan tỏa trên địa bàn xã Quảng Lưu. “Quảng Lưu đang XD xã NTM nâng cao. Thực hiện tiêu chí số 9, toàn xã chúng tôi đã XD được 30 vườn hộ, 11 vườn mẫu và cải tạo 120 vườn nhà có diện tích hơn 500 m2. Với những tiêu chí theo yêu cầu chung, tư duy sản xuất của người dân đã và đang thay đổi theo đúng xu thế phát triển” – ông Mai Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, chia sẻ.

Tại huyện Nga Sơn, phong trào XD vườn hộ đã và đang diễn ra ở hầu khắp các xã. Tại xã Nga Thanh, nhiều vườn hộ đã cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phá bỏ các cây cổ thụ kém hiệu quả để trồng chuyên canh cây ăn quả. Thăm vườn hộ gia đình ông Trần Văn Thăng ở thôn 4 trong xã, những chùm bưởi Diễn lúc lỉu, vàng óng. Phủ khắp 6 sào đất vườn, hơn 200 cây bưởi đã cho quả, trung bình mỗi cây bưởi cho thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi năm. Ông Hoàng Minh Tuấn, chủ tịch hội nông dân xã, cho biết: Từ thực hiện tiêu chí Vườn hộ, nhiều loại cây ăn quả như bưởi, ổi, hồng xiêm... đã được trồng đại trà tại các vườn của từng gia đình. Riêng cây bưởi Diễn, toàn xã đã phát triển được khoảng 7.000 cây, đa phần trong số đó đã cho thu hoạch quả. Sản phẩm bưởi trong xã chất lượng tốt, được canh tác theo phương pháp an toàn nên đều có thương lái đến tận vườn thu mua. Ngoài vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, hằng năm xã đều tổ chức các lớp tập huấn trồng và chăm sóc bưởi Diễn và các cây ăn quả khác cho các chủ vườn.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện tiêu chí Vườn hộ này cũng chính là cải tạo vườn tạp để trồng cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và có sự áp dụng khoa học kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây vừa là yêu cầu nhưng cũng vừa là nhu cầu phát triển kinh tế các hộ nên được nhiều chủ vườn hào hứng tham gia và bước đầu đạt được nhiều hiệu quả. Nhiều vườn hộ có diện tích hơn 500 m2, có 75% sản phẩm thu hoạch trở lên là sản phẩm hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao... sẽ trở thành “vườn mẫu”, có thể tổ chức cho các đoàn đến tham quan. Hiện nay, nhiều hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội cũng vào cuộc, cùng chính quyền các địa phương xây dựng các vườn mẫu. Trong năm 2019 vừa qua, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh đã vận động hội viên cải tạo được 248 vườn mẫu. Hội Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ hội viên triển khai 50 vườn mẫu với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/vườn mẫu. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt tiêu chí số 9 của XD xã NTM nâng cao này. Trong số đó phải kể đến các xã: Thành Tâm (Thạch Thành), Ngọc Phụng (Thường Xuân), Trường Sơn (Nông Cống), nhiều xã của các huyện Như Thanh, Như Xuân...

Nói về vấn đề thay đổi tư duy sản xuất qua tiêu chí Vườn hộ, ông Trần Đức Năng cho rằng: Mỗi gia đình thường có một mảnh vườn, ngoài phát triển kinh tế, nó còn đóng vai trò như một “tiểu sinh thái” tạo cảnh quan. Nhìn vào khu vườn bỏ rậm rạp hay có quy hoạch cải tạo, cũng có thể đánh giá gia đình này tư duy làm ăn như thế nào. Mặt khác, hiện nay, cách làm vườn tự phát, tùy hứng cũng không còn hợp nữa, mà phải có tư duy, có thiết kế, làm theo xu thế. Cái cuối cùng là cho giá trị kinh tế, nên chủ vườn phải nung nấu trồng cây gì phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Vấn đề đặt ra là các hộ phải mạnh dạn, không nên tiếc những cây cũ kém hiệu quả kinh tế và không nên trồng nhiều loại cây. Cây gì cũng muốn có một ít, dễ trở thành vườn tạp, rối và hiệu quả kinh tế sẽ thấp.

Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tieu-chi-vuon-ho-trong-xay-dung-xa-nong-thon-moi-nang-cao-thay-doi-tu-duy-khoi-day-tiem-nang-quy-dat/113155.htm