'Tiêu chí tinh thần' trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Hoằng Hóa

Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Hoằng Hóa tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng xã, thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa.

Người cao tuổi xã Hoằng Phú luyện tập dưỡng sinh. Ảnh: Việt Hương

Xuyên suốt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chương trình xây dựng NTM ở huyện Hoằng Hóa không chỉ là câu chuyện của xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình, nâng cao thu nhập... mà còn là hành trình bền bỉ, nhằm khơi gợi, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và trong từng thôn xóm của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng.

Phong phú đời sống tinh thần

8h sáng ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hội vật truyền thống xã Hoằng Phong được diễn ra. Phải có mặt ở đây, mới cảm nhận thấy rõ không khí náo nhiệt, sôi động mà hội vật mang lại. Tiếng trống rộn rã, tiếng hò reo cổ vũ nồng nhiệt, đông đảo người dân làng trên, xóm dưới, không phân biệt già trẻ, nam, nữ đều đổ về cổ vũ, tham gia thi đấu, đề cao tinh thần thượng võ. Các trận đấu luôn tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi trong tiếng hò reo hòa cùng tiếng trống thúc giòn giã. Trên sới vật, từng cặp đô vật thân hình khỏe mạnh với thế đòn đánh, đòn thủ khiến khán giả vỗ tay tán thưởng, thích thú. Diễn ra trong thời gian 1 ngày, hội vật đã thu hút rất nhiều đô vật đăng ký tham gia thử sức. Nhiều đô vật trẻ là người Hoằng Phong đang theo học các trường thể dục - thể thao (TDTT), hay các đô vật nữ cũng nhiệt tình có mặt, góp phần tăng sự hấp dẫn của giải đấu.

Ông Trương Tiến Lên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong cho biết: Hoằng Phong là địa phương phát triển mạnh các phong trào TDTT trong huyện, trong đó, hội vật là một hoạt động thường niên được địa phương duy trì tổ chức mỗi dịp tết đến, xuân về nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh, không khí vui vẻ, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, cổ vũ, động viên tinh thần cho nhân dân trong xã. Đây cũng là một trong những môn thể thao truyền thống được người dân địa phương yêu thích bởi không chỉ rèn luyện để có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai mà còn tôi luyện lòng dũng cảm, ý chí quyết thắng và tinh thần thượng võ.

Không chỉ ở xã Hoằng Phong, ở các địa phương khác của huyện Hoằng Hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ (VHVN), TDTT cũng diễn ra sôi động và hấp dẫn.

Về khu dân cư làng Quỳ Chử, xã NTM Hoằng Quỳ một buổi chiều nắng ráo. Sân vận động của làng nhộn nhịp tiếng reo hò, cổ vũ các bác, các cô, các chị thi đấu bóng chuyền hơi. Ông Lê Văn Song, trưởng làng Quỳ Chử cho biết: Bây giờ, các hoạt động TDTT ở làng nhộn nhịp lắm, nhất là vào buổi chiều. Cứ sau giờ tan học, tan làm là nhà văn hóa các thôn, sân vận động của làng lại đông đúc, sôi nổi. Người trung tuổi thì tập dưỡng sinh, chơi bóng chuyền hơi; thanh niên, trẻ em đá bóng, đánh cầu lông...

Vừa dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng Quỳ Chử - vốn là nơi sáng tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần của nền văn hóa Quỳ Chử đặc sắc - ông Song giới thiệu: Làng Quỳ Chử có trên 3.000 nhân khẩu, chiếm một nửa dân số của cả xã. Ở làng, từ xưa tới nay luôn có nhiều hoạt động đặc sắc. Cứ thường lệ vào các năm chẵn theo quy định của làng, dịp lễ hội truyền thống từ mùng 6-2 đến 8-2 âm lịch sẽ diễn ra hội làng với nhiều trò chơi, trò diễn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Có năm phải tổ chức đến 12 trò chơi, trò diễn, trong đó đặc sắc như: Chèo chải, tú huần, cờ tướng hay náo nhiệt là trò cơm thi, cá giải. Trên ao làng, mỗi đội thi gồm 1 cặp nam nữ vừa chèo thuyền, vừa đánh chài, kéo vó, câu cá, thổi cơm, giữ lửa trên thuyền. Mâm cơm sẽ được chấm thi và dâng lên để cúng Thành Hoàng làng...

Ông Song nhấn mạnh thêm: “Tinh thần đoàn kết, gắn bó là nét đẹp truyền thống của làng Quỳ Chử từ xa xưa. Trong thực hiện chương trình xây dựng NTM hiện nay, tình đoàn kết lại càng được phát huy cao hơn khi mọi người, mọi nhà đều đồng lòng, góp sức, góp công cùng làm cho làng quê tươi đẹp. Đơn giản, dễ nhận thấy nhất là làng nào, thôn nào cũng có nhà văn hóa, sân chơi thể thao để tổ chức các hoạt động cộng đồng lành mạnh, góp phần tăng sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó giữa người dân, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của quê hương. Hiện nay, cùng với việc kêu gọi xã hội hóa để khôi phục lại Chùa Hưng Viên ở làng Quỳ Chử, một số con em xa quê đã hỗ trợ để phục dựng lại giếng làng Chùa và giếng làng Đình Đông, trả lại vẻ đẹp cổ kính của những ngôi làng xưa.

Ông Lê Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ, cho biết thêm: Phong trào VHVN, TDTT ở xã Hoằng Quỳ phát triển sâu rộng. Địa phương chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể thực hiện tốt nghị quyết của cấp trên về thực hiện nếp sống văn hóa. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Năm 2018, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn xã đạt 85,1%. Năm làng: Phúc Tiên, Trọng Hậu, Quỳ Chử, Ích Hạ, Đông Khê đã được công nhận là làng văn hóa. Thực hiện xây dựng NTM, xã đã đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho các thôn, làng. 7/7 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn, 5 làng có sân thể thao riêng với khuôn viên rộng rãi, khang trang, phục vụ cho các hoạt động VHVN, TDTT của nhân dân. Phong trào thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi được chú trọng, phong trào VHVN tiếp tục phát triển, các hoạt động hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên.

Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM

Phát huy truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, bằng sự nỗ lực vượt bậc của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chương trình xây dựng NTM ở huyện Hoằng Hóa đã thực sự khởi sắc. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện đã được công nhận 781 tiêu chí; bình quân 18,6 tiêu chí/xã. Riêng trong năm 2018, huyện đã quyết tâm chỉ đạo được 15 xã hoàn thành các tiêu chí NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 40 xã, bằng 95,24%. Thực hiện tiêu chí thứ 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí thứ 16 (về văn hóa) gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, huyện Hoằng Hóa đã tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí về văn hóa, giúp các địa phương hoàn thiện các yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, cũng như nâng cao giá trị tinh thần trong đời sống nông thôn – giá trị cốt lõi trong xây dựng văn hóa NTM. Qua thực hiện tiêu chí văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Các thiết chế văn hóa cấp xã, cấp thôn được quan tâm, xây dựng, các hoạt động VHVN, TDTT quần chúng ngày càng sinh động, phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bức tranh NTM ở Hoằng Hóa ngày càng phong phú và nhiều màu sắc khi những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được khôi phục, giữ gìn từ đền, chùa, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đến cây đa, giếng nước, ao làng, hồ sen và những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Nhiều di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo, như: Cồn Mả Nhón (Hoằng Đạo), cồn Ba Cây (Hoằng Thắng) đền thờ Tô Hiến Thành (Hoằng Tiến), chùa Hồi Long (Hoằng Thanh)... phát huy các giá trị tốt đẹp. Tại các xã Hoằng Phượng, Hoằng Đạo, Hoằng Thái, thị trấn Bút Sơn... vẫn duy trì các đội hát chèo truyền thống. Nhân dân xã Hoằng Quỳ vẫn còn lưu giữ điệu múa tú huần cổ độc đáo; nhân dân xã Hoằng Thắng có điệu múa sanh ngô; phụ nữ xã Hoằng Trạch nổi tiếng với điệu múa đội đèn – hát trống quân đặc sắc. Trò nấu cơm thi, cá giải ở làng Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ... vẫn còn lưu truyền và luôn tạo không khí náo nhiệt trong các lễ hội. Cơ sở hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng, hầu hết các xã, thôn đã có nhà văn hóa, sân vận động – nơi diễn ra các hoạt động VHVN, TDTT sôi động ở mỗi làng quê...

Theo báo cáo đánh giá của UBND huyện Hoằng Hóa, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trong đó, các hoạt động văn nghệ quần chúng, trò chơi, trò diễn tiếp tục được duy trì. Riêng trong năm 2018, toàn huyện có thêm 8 xã đạt chuẩn văn hóa NTM và 28 thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa giai đoạn 2016-2018.

Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, huyện Hoằng Hóa tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng xã, thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, đồng thời duy trì quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa bảo đảm thiết thực, tiết kiệm và an toàn; quản lý di tích lịch sử, văn hóa, kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa; chất lượng hoạt động của làng, xã, cơ quan văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động TDTT, quan tâm phát triển phong trào TDTT quần chúng, phấn đấu đến năm 2020 có 40% người dân tham gia luyện tập thể dục thường xuyên; 20% gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao, hình thành thêm các câu lạc bộ và nhóm tập luyện thể thao cơ sở.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tieu-chi-tinh-than-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-huyen-hoang-hoa/97477.htm