Tiêu chí lựa chọn ngẫu nhiên các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập

Ngày 1/3, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức tọa đàm sinh hoạt khoa học với chủ đề 'Tiêu chí lựa chọn ngẫu nhiên các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hàng năm'. TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện CL&KHTT chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TH

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TH

Nhiều vấn đề lựa chọn

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Đinh Văn Minh đã đặt vấn đề về căn cứ pháp lý để xây dựng tiêu chí lựa chọn ngẫu nhiên các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hàng năm.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên là một trong những căn cứ để cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.

Do đó, cần quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp này.

Liên quan đến tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi lựa chọn các trường hợp xác minh hàng năm như: trường hợp kê khai tài sản lần đầu; kê khai hàng năm hoặc kê khai bổ sung; kê khai phục vụ công tác cán bộ.

Phương pháp lựa chọn các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập hàng năm bằng phần mềm máy tính hoặc được thực hiện bằng phương pháp bốc thăm, hoặc phương pháp khác... cũng là nội dung được thảo luận.

Nhóm vấn đề được các đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi nhất đó là các nguyên tắc lựa chọn các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập hàng năm.

Nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với việc lựa chọn các trường hợp xác minh thực hiện một cách hoàn toàn ngẫu nhiên hay việc lựa chọn các trường hợp xác minh phải đảm bảo tính đại diện.

Ngoài ra, một số vấn đề như: Việc xác định số trường hợp xác minh của mỗi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập hàng năm và việc xác minh hay không xác minh liên tiếp đối với một đối tượng, hoặc việc đảm bảo trong 5 năm, mọi trường hợp có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều được kiểm tra, xác minh tải sản, thu nhập cũng được nhiều đại biểu đặt ra.

Các hình thức, trình tự lựa chọn đối tượng để thực hiện xác minh tài sản, thu nhập hàng năm cũng là vấn đề được đưa ra để bàn luận.

Cụ thể, về các cấp độ lựa chọn đối tượng xác minh tài sản, thu nhập của mỗi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải như thế nào? Sự tham gia của các cơ quan như Nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Viện Kiểm sát nhân dân... trong quá trình lựa chọn.

Không có vùng cấm

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng cho biết, khi xây dựng Dự thảo Luật, Tổ Biên tập luôn cố gắng dựa vào 3 nguyên tắc đó là, bất cứ ai cũng có thể là đối tượng bị xác minh.

Tỷ lệ lãnh đạo cấp cao thấp, trong khi đó, công chức, viên chức mới chiếm phần đông. Vì vậy, Tổ Biên tập dự định hướng tới việc phân tầng để lựa chọn đối tượng xác minh. Ngoài ra, sẽ đảm bảo tỷ lệ xác minh không được thấp.

Tham gia đóng góp ý kiến tại tọa đàm, bà Đỗ Tâm Diệu Quỳnh, Thanh tra Hà Nội chia sẻ, số lượng hàng năm mà Hà Nội tổng hợp được khoảng 35 nghìn bản kê khai. Tuy nhiên, theo Luật mới ban hành thì chắc chắn sẽ có một số biến động về số lượng. Vì trong số 35 nghìn bản kê khai đó không bao gồm lực lượng công an, quốc phòng…

Bà Quỳnh cho biết thêm, không tính những năm đặc thù, trung bình hàng năm, Thanh tra Hà Nội triển khai 50 tới 60 đoàn thanh tra; xác minh từ 400 đến 500 vụ việc khiếu nại, tố cáo; thực hiện rà soát các vụ việc tồn đọng khoảng 1.000 vụ việc.

Với khối lượng công việc khá lớn nhưng nhân lực, nguồn lực còn mỏng, như vậy, xác định trách nhiệm của thanh tra các tỉnh là khá nặng nề. Qua đây, bà Quỳnh cũng mong rằng, các cơ quan có chức năng cho cơ chế, biện pháp để cán bộ ở địa phương đi xác minh không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trả lời ngay băn khoăn bà Quỳnh, ông Hùng khẳng định, sẽ có cơ chế để thanh tra các tỉnh, địa phương trưng tập đối tượng xác minh.

Ông Minh nhấn mạnh thêm, “hiện nay Thanh tra Chính phủ cũng đang tính tới giải quyết những việc đó”.

Đại diện Viện Toán học nói, có những vị trí nhạy cảm, ít hoặc không bao giờ xảy ra tham nhũng, chúng ta có thể làm phần mềm, đưa trọng số cao hơn. Riêng vấn đề liên quan tới việc tổ chức thanh tra, chọn mẫu theo cách phân tầng, băn khoăn là kém công bằng. Vị này cho rằng, chọn bao nhiêu, chọn như thế nào còn phụ thuộc vào năng lực của đoàn thanh tra, kiểm tra.

Đưa ví dụ cụ thể, một đợt thanh tra, kiểm tra, đoàn xác định làm 10 hồ sơ, sau đó lên kế hoạch và chọn ngẫu nhiên ở đơn vị đấy. Bộ phận nào có nhiều người cần điều tra hơn thì lấy trọng số ở đó nhiều hơn.

“Song song với việc thực hiện là sẽ tiếp tục nghiên cứu thực tế để xem làm như vậy đã ổn chưa, xem yếu tố nào hay xảy ra tham nhũng, sai phạm để tiếp tục hoàn thiện quy trình điều tra", đại diện Viện Toán học nhấn mạnh.

Đại diện Thanh tra Bộ Tài chính thì cho rằng, vị trí dễ tham nhũng là những vị trí tiếp xúc nhiều với người dân. Vì vậy, có thể xây dựng phần mềm cảnh báo, phân tích, cảnh báo rủi ro như ngành Thuế đã áp dụng.

Đồng tình với tiêu chí lựa chọn ngẫu nhiên các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hàng năm, ông Nguyễn Tuấn Minh, Viện Khoa học Xã hội cho rằng, một khi đã lựa chọn tiêu chí ngẫu nhiên, không có vùng cấm thì không có vùng nào gọi là nhạy cảm cả. Cách lựa chọn ngẫu nhiên, xét về mặt kỹ thuật là hoàn toàn có thể làm được.

Theo đó, lựa chọn theo tiêu chí phân tầng là dạng đơn giản nhất. “Vấn đề quan trọng nhất ở đây là xác định đối tượng cần xác minh là ai, xác minh gì, xác minh như thế nào, xác minh ở đâu và quan trọng xác minh có khả thi hay không mới cần bàn sâu tới”, ông Minh nói.

Đưa ra một ý kiến nhỏ tại tòa đàm, đại diện Viện Kiểm sát tâm tư, hiện nay, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, vậy chúng ta cứ bám vào đấy để làm. Bên cạnh đó, cần tham khảo các cách làm hay của một số bộ ngành để học hỏi; lấy ý kiến văn bản liên ngành để có kết quả hoàn thiện nhất.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/tieu-chi-lua-chon-ngau-nhien-cac-truong-hop-xac-minh-tai-san-thu-nhap_t114c1059n145324