Tiêu chí công nhận danh hiệu

Đã đến lúc cần xem lại các tiêu chí công nhận các danh hiệu. - Gớm, hôm nay bác lại bàn đến cái chuyện to tát thế.

- Sao lại to tát. Tớ thấy toàn những chuyện rất gần gũi quanh ta thôi.

- Bác nói thế nào chứ việc công nhận các danh hiệu là cả vấn đề đấy nhé.

- Tớ hỏi chú, chú có biết tại sao lại nhiều hình thức kỷ luật bằng “rút kinh nghiệm” không?

- Chuyện này rõ là có bao che, có dung túng, có …

- Tất cả những cái “có” mà chú nói đều đúng, nhưng còn một cái nữa. Đó là “danh hiệu”.

- Bác nói gì em chả hiểu.

-Ồ, bác có một góc nhìn lạ nhỉ. Mà cũng đúng. Em nhớ có lần xét danh hiệu ở một công đoàn cơ sở, ở đó có một đoàn viên sinh con thứ ba, vậy là nhất định không được “trong sạch vững mạnh” rồi, mặc dù công đoàn ấy có rất nhiều hoạt động thiết thực, được người lao động tín nhiệm, suy tôn.

-Đơn vị mà có người sinh con thứ ba thì chả cứ công đoàn mà cả đơn vị cùng các tổ chức đoàn thể khác đều mất tất tật ấy chứ.

-Đúng là vậy. Hẳn nào mấy tháng trước rộ chuyện một bà hiệu trưởng “ra lệnh” nhân viên của mình bằng mọi giá phải phá thai, khi biết người này mang thai con thứ ba. Không phá sẽ bị thôi việc.

-Thật bất nhẫn. Chả nhẽ cũng chỉ vì danh hiệu. Nguy cơ duy ý chí của nhiều tiêu chí “trong sạch, vững mạnh” khiến cho nó rời xa ý nghĩa tốt đẹp mang tính thực chất, mà trở thành những kết quả mang tính hình thức. Để rồi nhất nhất thực hiện những quy định, cho dù những quy định ấy có thể đã đến thời điểm lỗi thời.

-Đúng vậy, nhiều quy định được kéo dài trong thời gian dài, không được điều chỉnh so thực tế của cuộc sống. Song đã là quy định, là các tiêu chí để xét thi đua thì bắt buộc phải thực hiện.

-Rõ là thế, cái quy định “sinh con thứ ba” cũng đang được xem lại một cách tổng quát tầm vĩ mô, xét trên cả mặt được và chưa được trong quá trình thực hiện cùng với quy luật cung cầu của cuộc sống, song nếu cứ không rạch ròi nó sẽ còn tạo nên nhiều “bi hài”.

- Và thay vì “vững mạnh” với một chủ thể thực sự “vững mạnh”, thì buộc phải gò ép “vững mạnh” trong những tiêu chí. Trong khi nhiều tiêu chí được quy định hằng năm, thậm chí từng giai đoạn 5 năm, 10 năm không còn phù hợp với thực tiễn trong cuộc sống.

-Hay như chuyện công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới cũng vậy.

-Bác đề cập đến vấn đề này thì em không đồng ý. Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất nhân văn. Có thực hiện thì đời sống vật chất, tinh thần của nông dân mới nâng cao được. Thế mới rút ngắn được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

-Những điều chú nói đúng hết, nhưng còn sách vở lắm. Chủ trương là hoàn toàn đúng và trúng, chả thế mà từ khi thực hiện chủ trương này, bộ mặt nông thôn khởi sắc hẳn. Song những tiêu chí để xét đạt “nông thôn mới”, tớ thấy còn nhiều bất cập.

-Bác muốn nói đến chuyện nợ xây dựng cơ bản rồi kêu gọi dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới phải không? Những chuyện này đã được phát hiện và đã, đang uốn nắn rồi bác ơi.

-Chuyện ấy thì đã đành, mới đây trong một bản tin trên VTV, xem xong ngực tớ nhói đau. Học sinh tại một lớp học nội trú miền núi cứ vơi dần…

-Chuyện học sinh vùng sâu, vùng xa bỏ học vẫn là vấn đề nan giải nhiều năm nay, có gì liên quan đến “nông thôn mới” hả bác.

-Chú có biết vì sao chúng lại bỏ học không? Vì không được hỗ trợ kinh phí nữa nên cha mẹ chúng không đủ điều kiện cho chúng theo học tiếp.

-Nhưng vì sao bỗng nhưng lại không được hỗ trợ, chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo vẫn có mà bác.

-Đấy vấn đề là ở chỗ đó. Năm học này gia đình các học sinh này không còn là hộ nghèo nên bị cắt hỗ trợ cũng là đúng quy định, nhưng…

-Còn nhưng gì nữa bác. Thoát được hộ nghèo là phấn khởi rồi, đã đủ điều kiện thì phải vận động họ cho con đi học, không nên cứ ỷ vào chính sách.

-Nếu quả thực như thế thì bàn làm gì, đằng này vẫn nghèo lại không phải hộ nghèo.

-Sao có chuyện lạ vậy.

-Có đấy, chả hiểu có đúng không, nhưng theo những gì mà giáo viên trả lời nhà đài thì việc học sinh không đến trường, có nguyên nhân từ cái danh hiệu “nông thôn mới”.

-Em thấy nó mâu thuẫn thế nào ấy, nông thôn mới mà lại bỏ học.

-Thì quy định thôn, xã được công nhận “nông thôn mới” tỷ lệ hộ nghèo phải giảm, thế là để được công nhận “nông thôn mới”, nhiều hộ nghèo đã “được thoát nghèo”, mặc dù cuộc sống chưa có gì cải thiện.

-Hóa ra cũng vì những quy định xét công nhận “nông thôn mới”, thế sao không có quy định tỷ lệ học sinh đến trường phải tăng nhỉ. Như thế có phải các em sẽ “bị ép” phải đến trường không.

-Thế tớ mới nói đã đến lúc cần xem lại các tiêu chí “công nhận các danh hiệu”.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tieu-chi-cong-nhan-danh-hieu-82606.html