Tiêu chảy cấp, dùng thuốc thế nào cho an toàn?

Những ngày tết là thời gian quây quần bên mâm cơm gia đình, với lượng thực phẩm giàu dinh dưỡng quá nhiều. Điều này khiến cho hệ tiêu hóa bị quá tải, có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp…

1. Vì sao ngày lễ Tết dễ bị tiêu chảy?

BS. Đặng Xuân Thắng (Đại học y dược - Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) cho hay, tiêu chảy cấp là một bệnh thuộc đường tiêu hóa. Bệnh do virus hoặc vi khuẩn gây nên (thường gặp là vi khuẩn E.Coli hoặc phẩy khuẩn tả). Bệnh thường gặp ở trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch hay hệ tiêu hóa kém. Tết là thời điểm mà bệnh tiêu chảy cấp dễ bùng phát thành dịch. Nguyên nhân là do:

- Dự trữ thức ăn lâu ngày: Ngày Tết các gia đình thường mua, chế biến và dữ trữ thực phẩm dùng trong nhiều ngày. Việc dự trữ thức ăn lâu cho dù đã được nấu chín là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.

- Ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cùng một lúc...

- Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

- Khâu chế biến thực phẩm chưa được cẩn thận, thực phẩm chưa được chế biến kỹ, người chế biến thực phẩm không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn.

- Nguồn nước, môi trường sống bị ô nhiễm…

Những ngày tết thường là thời gian quây quần bên mâm cơm gia đình với lượng thực phẩm giàu dinh dưỡng quá nhiều.

2. Triệu chứng của tiêu chảy cấp

Khi bị tiêu chảy, người bệnh thường có các triệu chứng như: Đau bụng, tiêu chảy liên tục (phân lỏng, có thể toàn nước), nôn, mệt mỏi…

Với những trường hợp đi ngoài nhiều, nôn nhiều, người bệnh có thể bị rối loạn điện giải do mất nước với các triệu chứng: Khát nước, da khô, mặt hốc hác, mắt trũng, hạ huyết áp, tiểu ít, thậm chí vô niệu… Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể suy gan, suy thận, thậm chí tử vong.

3. Xử trí tiêu chảy cấp

3.1. Bù nước và điện giải

Trong điều trị tiêu chảy cấp, quan trọng nhất là bù nước và điện giải. Nếu không được bù nước đủ, kịp thời có thể khiến người bệnh bị mất nước, rối loạn điện giải, suy kiệt, thậm chí tử vong.

Có thể sử dụng dung dịch oresol để bù lượng nước mất đi. Tuy nhiên, cần pha đúng liều lượng quy định để đảm bảo tận dụng tối ưu tác dụng của oresol. Có thể thay thế oresol bằng viên hydrit, mỗi lần uống 1 viên pha vào 200ml nước. Cần chú ý pha thuốc đúng tỷ lệ, nếu quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết, nếu quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải. Ngoài ra, có thể bù nước bằng các loại nước như: Nước lọc, nước cháo muối loãng, nước dừa…

3.2. Thuốc chống nôn

Nếu người bệnh nôn nhiều, có thể dùng thuốc chống nôn odansetron, domperidone (motilium), metochlopramide (primperan)… Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc chống nôn cần được sự chỉ định của bác sĩ.

Tiêu chảy khiến người bệnh đau bụng, tiêu chảy liên tục, mệt mỏi...

3.3 Thuốc chống tiêu chảy

Có thể dùng thuốc chống tiêu chảy không kê đơn: Berberin, diphenoxylate, loperamide, racecadotril, smecta… Tuy nhiên, cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng và đặc biệt thận trọng khi dùng cho trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai.

3.4 Kẽm

Việc bổ sung kẽm có thể giúp giảm thời gian bị tiêu chảy, đồng thời giảm mức độ nặng của bệnh. Không những thế, kẽm có thể giúp tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ tái phát bệnh…

3.5 Men vi sinh

Nghiên cứu cho thấy, men vi sinh chỉ giúp rút ngắn thời gian bệnh tiêu chảy khoảng 1 ngày. Ngoài ra, không phải chủng men vi sinh nào cũng có hiệu quả điều trị tiêu chảy cấp.

4. Lưu ý khi sử dụng

Trong việc dùng thuốc trị tiêu chảy cấp, BS. Đặng Xuân Thắng khuyến cáo:

- Tuyệt đối không được sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, men tiêu hóa, men vi sinh khi không có ý kiến của bác sĩ.

- Chỉ dùng kháng sinh khi tiêu chảy cấp do vi khuẩn. Một số thuốc kháng sinh thường được dùng trong tiêu chảy cấp do vi khuẩn là: Trimazol, biseptol, bactrim...

- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú.

- Không được sử dụng hơn một loại thuốc trị tiêu chảy có cùng tác dụng một lúc, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Việc có cùng thành phần thuốc có thể dẫn đến quá liều thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để chủ động phòng chống tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

2. Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

4. Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.

5. Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Nguyễn Hạnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tieu-chay-cap-dung-thuoc-the-nao-cho-an-toan-169230118095021264.htm