Tiết Thanh minh thời Covid-19: Không nhất thiết phải tảo mộ

Đối với người Việt, tiết Thanh minh (tháng 3 Âm lịch) là dịp để con cháu hướng về gia đình, tổ tiên. Dù đi đâu, mọi người đều cố gắng thu xếp công việc về quê tảo mộ, thắp nén nhang. Do dịch Covid-19, năm nay, hầu hết các gia đình đều thay đổi kế hoạch vì sự an toàn của toàn thể cộng đồng. Nhưng không vì thế, tiết Thanh minh mất đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có.

Lễ vọng, lễ online

Thông thường, vào tháng 3 Âm lịch, anh Hữu Đỉnh (Đống Đa, Hà Nội) là con cả trong gia đình thường thu xếp công việc về quê (Trực Ninh, Nam Định) tảo mộ. Năm nay, đồ lễ đã sắm sửa nhưng do điều kiện đặc biệt như hiện nay, anh Đỉnh phải thay đổi kế hoạch, quyết định ở lại Hà Nội vì không muốn để người nhà lo lắng. Thay đổi phong tục, thói quen nhiều năm, trong lòng không khỏi tâm tư. Do vậy, anh Đỉnh đã tự chuẩn bị một mâm cỗ để dâng lên tổ tiên, thắp nén tâm hương bái vọng.

Anh Hữu Đỉnh chia sẻ: “Theo truyền thống của người Việt, việc cúng bái ở nhà cũng thể hiện lòng thành kính. Việc chuẩn bị cũng không cần cầu kỳ, chỉ cần có tâm, tổ tiên sẽ luôn dõi theo và phù hộ gia đình. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là tâm của mình hướng về cội nguồn, ông bà tổ tiên”.

Dịch vụ online phục vụ nhu cầu lễ Tiết Thanh minh. Ảnh: Minh An.

Dịch vụ online phục vụ nhu cầu lễ Tiết Thanh minh. Ảnh: Minh An.

Còn đối với anh Đỗ Quang Hùng (Thái Bình), việc tảo mộ trong tiết Thanh minh được thực hiện ngắn gọn hơn mọi năm. Anh Hùng cùng 2 anh em trai lái xe riêng về mộ của dòng họ để dọn dẹp, thắp hương, dâng lễ. Sau đó, họ ăn bữa cơm thân mật cùng người nhà ở quê rồi lái xe về TP. “Năm nay, gia đình tôi không làm cơm mời họ hàng. Do dịch Covid-19 nên mình chủ động làm riêng, mời người khác họ lại phải suy nghĩ” - anh Hùng nói.

Trong khi đó, do các khu nghĩa trang đóng cửa nên theo chị Diệu Linh (Cầu Giấy, Hà Nội): “Để đợi tình hình dịch bệnh qua đi rồi tôi tranh thủ tiện ngày nào sẽ đi vào ngày đó”. Cũng theo chị Linh, tại nghĩa trang Văn Điển hay cả khu nghĩa trang khác không sợ mộ phần không có người thắp hương vì hiện nay đều có dịch vụ. Bản thân các nghĩa trang cũng có thông báo dịch vụ online để mọi người biết để đăng ký.

Là một người sử dụng dịch vụ này, ông Phạm Xuân Lợi (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Hàng năm, vào tiết Thanh minh, tôi cùng các con đều đến Lạc Hồng Viên ở Hòa Bình để thăm mộ phần của ông bà. Nhưng do năm nay có dịch Covid-19 nên tôi nhờ con cháu đặt lễ trên hệ thống online để làm lễ, cũng có đầy đủ xôi, gà, hoa quả và dịch vụ vệ sinh, dọn dẹp”.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, người dân dù không về quê nhưng qua những cách làm và chia sẻ của họ có thể thấy thương nhớ không vì thế mà vơi đi. Bàn thờ gia tiên được thăm nom cũng là cách nối nhịp cầu tâm linh với người đã khuất. Trong muôn vạn lời cầu mong, chắc hẳn gia đình nào cũng muốn dịch bệnh sẽ qua, cuộc sống trở lại bình thường.

Lựa chọn phù hợp

Mỗi dịp Thanh minh, người Việt Nam thường tụ tập cả họ hàng để thăm mộ Tổ tiên. Đây là phong tục tốt nhưng không phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay. Người dân có thể đi thăm trong các thời điểm khác nhau, trong bất cứ ngày nào của tháng 3. Các nghi lễ ở bàn thờ Tổ tiên vẫn thực hiện bình thường tại gia đình để thể hiện lòng thành kính với ông bà.

TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chia sẻ: “Phong tục tiết Thanh minh không chỉ là chuyện chăm sóc mộ phần mà còn là mời tổ tiên về. Người Việt thường làm cả hai việc này trước Tết Nguyên đán. Do dịch Covid-19 người ta không muốn đi lại nữa thì việc này có ảnh hưởng nhưng không nhiều”.

Chuyên gia văn hóa Phạm Việt Long cũng cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một xã hội thật, trước hết phải tôn trọng những cái thực, quy chế của xã hội. Nếu không tôn trọng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cả cộng đồng. Việc này còn nguy hiểm hơn với việc có lỗi với ông bà. Tôi tin rằng, tổ tiên, ông bà cũng phù hộ cho mình để cả xã hội bình an".

Tiết Thanh minh, theo quan niệm của người Việt là dịp để báo đáp, trả nghĩa với những người đã mất bằng cách thắp hương, dọn dẹp phần mộ. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, việc tỏ lòng thành kính không nhất thiết phải đến tận nơi mà có thể linh động bằng cách thắp hương, hoa tại nhà.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tiet-thanh-minh-thoi-covid-19-khong-nhat-thiet-phai-tao-mo-379960.html