Tiết lộ thú vị về giống rùa biển vừa mắc lưới ngư dân Quảng Nam

Con rùa biển nặng 80kg bị chết nghi do vướng vào lưới của ngư dân ở vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) thuộc giống rùa xanh, có ở các vùng biển của Việt Nam.

Mới đây, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa tiếp nhận một cá thể rùa biển đã chết và đưa về làm tiêu bản tại Phòng trưng bày sinh vật tại xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An).

Cá thể là một con rùa biển xanh nặng khoảng 80kg bị chết nghi do vướng vào lưới của ngư dân ở vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam).

Rùa biển xanh nằm trong danh sách động vật quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chúng có tên khoa học là Chelonia mydas.

Rùa biển nặng 80kg mắc lưới ngư dân. Ảnh: Dân Việt

Chúng có mai rất cứng, hình ôvan, viền ngoài mai có các khía nhưng không nhọn, chiều dài thẳng của mai khoảng 120cm. Mai nhẵn, mỗi bên mai có 4 tấm vẩy. Đầu nhọn, rộng khoảng 15cm, phần trước đầu có một đôi vảy, phần sau có 4 đôi.

Trên mỗi chân bơi có 1 móng vuốt sắc nhọn, hiếm khi có 2 móng vuốt (thường ở rùa con mới nở). Màu sắc biến đổi theo sự phát triển của cơ thể rùa con thường có màu xanh đen sau đó nhạt dần, rùa trưởng thành có màu xanh, và trọng lượng khoảng 230kg.

Loài rùa biển này có đặc tính thở bằng phổi, theo chu kỳ hô hấp bình thường khoảng 2 tiếng bơi dưới nước, rùa xanh phải ngoi đầu lên trên mặt nước để thở.

Mời quý vị xem video: Những hình ảnh đáng yêu của động vật

Từ tháng 2-9 là thời gian cao điểm rùa biển lên bờ đẻ trứng. Trung bình, mỗi rùa mẹ thường đẻ 70 – 200 trứng/lần. Mỗi con có thể đẻ 3 -10 lần mỗi mùa. Trứng tròn, vỏ mềm, đường kính khoảng 5cm. Thời gian trứng ủ (ấp) trong cát từ 55 - 60 ngày sẽ nở thành rùa con.

Trước năm 1975, nguồnrùa xanh ở nước ta rất phong phú, và là loài có kích thước lớn nhất trong họ Vích Cheloniidae nhưng do bị săn bắt ráo riết, bằng nhiều hình thức mang tính hủy diệt và còn do tình trạng ô nhiễm ở một số vùng nước ven bờ tăng lên nên từ năm 1975 đến nay, nguồn lợi này bị suy giảm nghiêm trọng. Dự đoán số lượng giảm ít nhất 50%, số lượng quần thể <2500 cá thể trưởng thành.

Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và bãi biển. Trong các đại dương, các loại rùa biển, đặc biệt là rùa biển xanh, là một trong số ít các loài động vật ăn cỏ biển (còn có lợn biển) mọc ở các vùng đáy biển.

Lưu Thoa (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi-dong-vat/tiet-lo-thu-vi-ve-giong-rua-bien-vua-mac-luoi-ngu-dan-quang-nam-1077075.html