Tiết lộ sốc về 'quý cô' cầm đầu đường dây tín dụng đen lớn nhất Bắc Kạn

Đang là cán bộ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng 'quý cô' Lê Thị Hồng Điệp (trú TP. Bắc Kạn) lại cùng Lê Cao Huân (quê Thái Nguyên) tham gia cầm đầu đường dây tín dụng đen lớn nhất tỉnh Bắc Kạn.

Lê Thị Hồng Điệp- mắt xích quan trọng trong đường dây.

Lê Thị Hồng Điệp- mắt xích quan trọng trong đường dây.

Ông trùm có dáng thư sinh

Qua thời gian trinh sát, thu chứng cứ, phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện đường dây tín dụng đen (cho vay nặng lãi) do Lê Cao Huân (SN 1988, quê xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cầm đầu.

Để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng địa phương do từng là đối tượng có tiền án, tiền sự nên Huân quyết định bỏ Thái Nguyên lên Bắc Kạn “khởi nghiệp”. Năm 2017, Huân bắt đầu tiến hành hoạt động cho vay nặng lãi, với hệ thống tiệm cầm đồ hoạt động trên nhiều địa bàn của tỉnh Bắc Kạn. Trong quá trình hoạt động, để thuận tiện cho việc quản lý, phô trương thanh thế và mở rộng địa bàn, Huân chiêu mộ thêm nhiều đệ tử cộm cán vào làm.

Tính đến đầu năm 2019, Huân đã nhận lần lượt: Dương Minh Hiếu, Trần Thanh Tú, Vũ Hoài Nam, Đinh Quang Tấn (đều cùng quê Thái Nguyên) lên Bắc Kạn để hỗ trợ hoạt động cho vay nặng lãi. Trong đó Vũ Hoài Nam (SN 1993, quê Võ Nhai, Thái Nguyên), Lê Thị Hồng Điệp (SN 1978, trú phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn) và Nông Minh Tuân (SN 1972, TP. Bắc Kạn) cùng tham gia góp vốn.

Qua thời gian trinh sát, tháng 5/2019, PC02 phối hợp với các đơn vị chức năng bắt quả tang Trần Thanh Tú (SN 1995, trú huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) đang có hành vi nhận tiền từ Nguyễn Tiến Kh. (SN 1981, trú xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Đây là số tiền ông Kh. phải trả lãi cho Huân và Tú được giao đi thu tiền.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của Lê Cao Huân (phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn), phát hiện và thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng.

“Không giống như nhiều ông trùm tỏ ra “hổ báo”, Huân là kẻ rất điềm tĩnh với vẻ thư sinh. Khi tiếp xúc với bất kỳ ai, hắn đều tỏ ra rất lịch lãm, đàng hoàng. Trên trang facebook cá nhân, hắn cũng luôn xuất hiện với hình ảnh trau chuốt, lịch sự. Khác hẳn so với khi Huân dằn mặt con nợ”, lãnh đạo PC02 cho hay.

Chân dung “quý cô” cầm đầu đường dây

Trong các đối tượng chủ chốt của đường dây, ngoài Lê Cao Huân thì còn nổi bật lên vai trò quan trọng của Lê Thị Hồng Điệp. Không giống các đối tượng khác, Điệp xuất thân là người có trình độ, thời điểm bị bắt “quý cô” này đang là cán bộ công tác tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Khi Huân lên Bắc Kạn mở địa bàn làm ăn, Điệp đã tham gia góp vốn và nắm vai trò cầm đầu điều hành đường dây.

“Lê Thị Hồng Điệp là mắt xích rất quan trọng của đường dây, nhiều khi Điệp trực tiếp chỉ đạo Huân trong các phi vụ làm ăn. Khi khám xét nhà ở của đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ rất nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến đường dây”, vị lãnh đạo tiết lộ thêm.

Như vậy, sau khi thiết lập đầy đủ các "chân rết", nhóm của Huấn bắt đầu tiến hành cho vay lãi. Cách thức hoạt động của loại tội phạm này rất tinh vi với thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp nên có nhiều người dân tìm đến dịch vụ này khi cần tiền, mặc dù phải vay với lãi suất cắt cổ. Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến 5/2019, Lê Cao Huân cùng đồng bọn đã cho 53 cá nhân trên địa bàn TP. Bắc Kạn, huyện Ngân Sơn, huyện Ba Bể vay tiền với lãi suất từ 3.000đ đến 11.000đ/triệu/ngày tương đương với lãi suất từ 109,5%/năm đến 401,5%/năm.

Tổng số tiền các đối tượng cho vay là gần 1,5 tỷ đồng, thu tổng số tiền lãi hơn 627 triệu đồng, trong đó số tiền thu lợi bất chính là hơn 558 triệu đồng. Trong vụ án này, Lê Cao Huân là người có vai trò chính nên phải chịu trách nhiệm đối với việc cho 75 cá nhân trên địa bàn TP. Bắc Kạn, huyện Ba Bể, huyện Ngân Sơn vay lãi nặng với số tiền thu lợi bất chính hơn 615 triệu đồng.

Ngoài ra, Lê Cao Huân cùng với Vũ Hoài Nam góp mỗi người 100 triệu đồng để hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn huyện Ba Bể và Nam là người trực tiếp cho các cá nhân vay và thu tiền lãi, nên Nam phải chịu trách nhiệm đối với việc cho 22 cá nhân trên địa bàn huyện Ba Bể vay với tổng số tiền là 341 triệu đồng, thu lợi bất chính số tiền gần 57 triệu đồng.

Kiệt quệ vì tiền lãi

"Đây là vụ tín dụng đen lớn nhất bị triệt phá trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đồng thời là vụ đơn vị khởi tố Hình sự nhiều bị can nhất. Với tính chất manh động, ổ nhóm này gây nhiều bức xúc trong quần chúng. Trong đó có trường hợp con nợ phải trả lãi đến kiệt quệ", lãnh đạo PC02 nhấn mạnh.

Đơn cử trường hợp ông Cà Xuân T. (SN 1966, trú tổ 16, phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Bắc Kạn). Vào tháng 1/2017, ông T. vay của Nông Minh Tuấn 100 triệu đồng, với lãi suất thỏa thuận là 3.000 đồng/1 triệu/ngày. Số tiền gốc cho vay này là do Tuấn vay của Lê Thị Hồng Điệp. Số tiền vay trên ông T., đã trả lãi cho Tuấn được 3 tháng với số tiền 24 triệu đồng.

Đến tháng 4/2017, ông T., vay tiếp của Tuấn số tiền 150 triệu đồng, nâng số tiền vay của Tuân lên 250 triệu đồng và cũng tính lãi 3.000đồng/triệu/ngày. Sau khi vay thêm số tiền này thì ông T., không còn khả năng trả tiền lãi, từ đó số tiền lãi được Tuấn cộng dồn vào gốc theo từng tháng thành tiền gốc mới rồi tính lãi tiếp.

Từ khoảng tháng 7/2017 đến 12/2017, Tuấn nhờ Lương Ngọc Phương (SN 1980 trú tại phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn) mỗi tháng một lần trực tiếp sang phòng ông Tuyên để cho ông Tuyên viết và ký lại giấy vay mới đã cộng dồn lãi vào gốc và tính lãi mới với lãi suất là 5.000đồng/triệu/ngày.

Đến tháng 1/2018, ông T., vay của Triệu Văn Hoài 100 triệu đồng để trả cho ông Tuấn. Số tiền này đã được Tuấn đưa trả lại cho Lê Thị Hồng Điệp. Sau đó ông Tuyên không còn khả năng trả tiền cho Huân nên bị Huân nhiều lần đưa người vào nhà, lên cơ quan ông Tuyên để đòi tiền.

Một cán bộ trinh sát cho biết: “Để gây áp lực cho con nợ chúng dùng thủ đoạn nói xấu con nợ trên facebook, đến cơ quan để bôi xấu cho con nợ bẽ mặt. Có trường hợp Huân cho đàn em bắt con nợ về tiệm cầm đồ của mình rồi cho người đánh đập khiến con nợ kinh hãi”. Tổng số tiền mà ông Cà Xuân Tuyên đã trả cho Nông Minh Tuấn là 724 triệu đồng với lãi suất từ 3.000 đồng/1 triệu/ ngày = 108%/năm đến 5.000 đồng/1triệu/ ngày = 180%/năm (gấp trên 5 lần của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự).

Đặng Thủy

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật số 40

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/tiet-lo-soc-ve-quy-co-cam-dau-duong-day-tin-dung-den-lon-nhat-bac-kan-a315296.html