Tiết lộ ngỡ ngàng về vụ nổ thảm họa tại Lebanon

Số hàng gồm 2.750 tấn amoni nitrat bị giữ lại cảng Beirut và không được giải quyết trong suốt 6 năm.

Cuộc điều tra xung quanh vụ nổ "thảm họa quốc gia" tại Beirut (Lebanon) vẫn đang tiếp tục. Mới đây, các nhà chức trách đã chỉ ra được một tác nhân hoàn toàn có thể là lý do gây ra thảm họa trên. Đó là một con tàu khổng lồ chất đầy phân bón nông nghiệp, đã được giữ lại cảng Beirut hàng năm trời, bất chấp cảnh báo từ chính quyền địa phương.

CNN cho biết, lô hàng gồm 2.750 tấn amoni nitrat (chất thường được dùng trong phân bón và thuốc nổ) đã cập cảng Beirut trên một con tàu từ Nga năm 2013. Con tàu có tên MV Rhosus, vốn có lộ trình tới Mozambique đã phải dừng lại ở Beirut do các khó khăn về tài chính. Và kể từ thời điểm ấy, nó chưa từng rời đi, trở thành một "quả bom nổi" ngay tại khu cảng này theo lời Badri Baher - Cục trưởng Cục Hải quan Lebanon.

Trực thăng quân đội cũng được huy động để dập lửa.

"Do sự nguy hiểm cực độ khi phải cất giữ một lượng hàng hóa dễ cháy nổ trong điều kiện thời tiết không thích hợp, chúng tôi đã liên tục yêu cầu nhà quản lý cảng chuyển số hàng này đi nhằm đảm bảo an toàn" - trích lá thư của Chafic Merhi, người tiền nhiệm của Baher gửi đến tòa án vào năm 2016.

Nhà chức trách Lebanon không trực tiếp khẳng định tàu MV Rhosus là nguyên nhân gây ra thảm họa khiến ít nhất 135 người chết và hơn 5.000 người bị thương. Tuy nhiên, Thủ tướng Hassan Diab đã thông báo vụ nổ tới từ 2.750 tấn amoni nitrat, đồng thời cho biết số hàng này đã được giữ tại cảng trong 6 năm mà không có bất kỳ phương pháp bảo vệ nào. Trong khi đó, Tổng giám đốc an ninh Lebanon cũng nhận định thứ gây tai nạn là "một loại vật liệu có tính cháy nổ cao" được lưu lại trong nhiều năm.

Cảng Beirut trước và sau vụ nổ

Quả bom nổ chậm

Năm 2013, con tàu MV Rhosus rời cảng Batumi (Georgia), hướng về Mozambique - theo hải trình của thuyền trưởng Boris Prokoshev. Chuyến tàu mang theo 2.750 tấn amoni nitrat - loại hóa chất có tính nổ cực mạnh, sử dụng trong phân bón và chế tạo thuốc nổ.

Con tàu dừng lại ở Hy Lạp để nạp nhiên liệu. Tuy nhiên, đây là lúc chủ tàu gặp biến cố lớn về tài chính, khiến họ hết sạch tiền và yêu cầu con tàu phải đi lấy thêm hàng để đảm bảo chi phí di chuyển. Đó là lý do tàu phải tới Beirut - thủ đô Lebanon.

Tuy nhiên tại Beirut, con tàu bị cản lại bởi quản lý cảng, vì những vi phạm trong quá trình vận hành, không trả phí cho cảng, cùng nhiều nguyên nhân khác. Và kể từ đó, nó không rời đi nữa.

Con tàu MV Rhosus.

Thủy thủ trên tàu mắc kẹt tại Beirut trong 11 tháng, có rất ít nhu yếu phẩm - theo lời thuyền trưởng Prokoshev. "Cuối cùng chúng tôi phải bán nhiên liệu, sử dụng tiền thu được để thuê luật sư vì không có sự trợ giúp. Chủ tàu thậm chí còn không cung cấp thức ăn, nước uống cho thủy thủ" - Prokoshev chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với tờ Echo Moscow.

Cuối cùng, họ phải từ bỏ con tàu, trở về quê và không được trả lương.

"Ở thời điểm ấy, con tàu chứa một lượng lớn hàng hóa nguy hiểm - chính là amoni nitrat. Quản lý cảng không cho phép dỡ hàng và chuyển sang một con tàu khác".

Năm 2014, Mikhail Voytenko - người điều hành ấn phẩm theo dõi hoạt động hàng hải trực tuyến - đã mô tả con tàu giống như một quả bom nổi tại cảng.

Những lời cảnh báo bị bỏ ngoài tai

Trong các email trao đổi giữa Prokoshev và luật sư Charbel Dagher tại Beirut, số hàng amoni nitrat đã được dỡ khỏi tàu vào tháng 11/2014 và cất giữ trong kho cảng. Nó được giữ ở đó suốt 6 năm, bất chấp những lời cảnh báo từ Cục trưởng Hải quan Badri Daher.

Theo CNN, một tài liệu do Wadih Al-Asmar - nhà hoạt động nhân quyền tại Lebanon tiết lộ rằng Daher và người tiền nhiệm là Merhi đã đệ đơn lên tòa án nhiều lần về câu chuyện này kể từ năm 2014. Họ mong muốn được trợ giúp giải phóng số hàng, hoặc bán lại cho quân đội Lebanon, nhưng không được đáp ứng.

Daher xác nhận rằng họ đã gửi tổng cộng 6 lá thư, nhưng không có bất kỳ phản hồi nào.

Ngày 5/8, Tổng Giám đốc cảng Beirut Hassan Kraytem trả lời phỏng vấn: "Chúng tôi giữ số hàng ấy tại nhà kho số 12 theo yêu cầu của tòa án. Chúng tôi biết đó là hàng hóa nguy hiểm, nhưng không lường được quy mô cỡ đó." Ông cũng cho biết vấn đề di dời số hàng này đã được đưa ra bởi Cục An ninh nhà nước và Hải quan, nhưng chưa được giải quyết.

Theo thông tin ghi nhận, đã có yêu cầu sửa chữa cửa nhà kho được thực hiện chỉ vài giờ trước khi vụ nổ xảy ra. "Chúng tôi được yêu cầu sửa chữa cửa nhà kho và đã hoàn thành nó vào buổi trưa, còn những gì xảy ra vào buổi chiều hôm ấy thì thực sự không rõ."

Nhiều tòa nhà bị hư hại nặng nề sau vụ nổ.

Amoni nitrat - chất nổ từng gây nhiều bi kịch

Amoni nitrat đã từng là nguyên nhân gây ra nhiều thảm họa cháy nổ công nghiệp trong quá khứ. Bởi vậy, nó được xếp vào loại hàng hóa cần quản lý cẩn thận.

"Việc giữ amoni nitrat trong điều kiện không đảm bảo có thể gây ra những vụ nổ đáng sợ, như tại Oppau - Đức; Vịnh Galveston - Texas (Hoa Kỳ); hay gần nhất là ở Waco - cũng Texas, Hoa Kỳ; và cảng Thiên Tân, Trung Quốc," - theo Andrea Sella, Giáo sư hóa tại ĐH College London.

Nạn nhân trong vụ nổ tại Beirut hôm 4/8.

"Đây là một thất bại nghiêm trọng, bởi quy định về việc lưu trữ amoni nitrat vốn rất rõ ràng. Một khối hàng lớn như thế bị giữ lại trong 6 năm, chỉ chờ tai nạn xảy ra".

Có lẽ, thảm họa có thể sánh với vụ nổ tại Beirut về quy mô là vụ tai nạn ở Texas City (1947). Khi đó, gần 2.100 tấn amoni nitrat đã phát nổ, làm hư hại hơn 1.000 tòa nhà và khiến 400 người tử vong.

J.D (Nguồn: CNN)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tiet-lo-ngo-ngang-ve-vu-no-tham-hoa-tai-lebanon-2202068201200.htm