Tiết lộ kinh hoàng về một chương trình chống thánh chiến

Mới đây, 2 nhân viên an ninh và 4 người lính quân đội Chính phủ Nigeria đã tiết lộ một sự thật kinh hoàng bị che giấu suốt nhiều năm. Đó là từ 2013 đến nay, quân đội Nigeria đã tiến hành một chương trình bí mật, ép buộc tất cả những phụ nữ từng bị tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram bắt cóc phải phá thai nếu họ mang thai nhằm tránh để những đứa trẻ ra đời sau này trở thành chiến binh thánh chiến. Theo tiết lộ, ít nhất 10.000 phụ nữ Nigeria là nạn nhân của chương trình này…

Con của “thánh chiến” thì không thể ra đời

Khi quân đội Nigeria bao vây ngôi làng Moguno trên đảo Lake Chad rồi sau cuộc chạm súng khốc liệt, những tay súng Hồi giáo cực đoan Boko Haram bỏ chạy. Hơn 60 phụ nữ, người trẻ nhất là 13 tuổi còn lớn nhất là 40, bị Boko Haram bắt cóc từ 1 đến 2 năm trước được giải thoát, trong đó có Fati, 21 tuổi. Họ được đưa về một doanh trại “để kiểm tra sức khỏe và ổn định tinh thần”.

Phụ nữ Nigeria sau khi thoát khỏi Boko Haram, nhiều người trong số này bị buộc phải phá thai.

Phụ nữ Nigeria sau khi thoát khỏi Boko Haram, nhiều người trong số này bị buộc phải phá thai.

Sau này, lúc trả lời phỏng vấn của trang tin Inside Politics, Fati nói: “Tôi bị Boko Haram bắt khi họ tấn công vào làng tôi ở bang Borno, Đông Bắc Nigeria. Gần 1 năm trong trại giam, tôi bị cưỡng hiếp rất nhiều lần và cuối cùng, tôi bị buộc phải lấy một tay súng. Lúc quân đội chính phủ tiến vào làng, tôi rất vui mừng dù tôi đã có thai 4 tháng…”.

Khoảng một tuần sau, Fati cùng 33 phụ nữ cũng đang mang thai như cô được đưa về một doanh trại quân đội ở Maiduguri, thủ phủ bang Borno rồi được dồn vào một căn phòng tối tăm, gián bò lổm ngổm. Fati kể tiếp: “Chỗ ngủ của chúng tôi là những chiếc giường sắt trải chiếu. Đến sáng, có mấy người bước vào với những chiếc hộp kim loại trên tay. Họ yêu cầu chúng tôi nằm lên giường để họ tiêm thuốc. Tiêm xong, chúng tôi mỗi người phải uống thêm 1 viên thuốc nữa mà chẳng ai giải thích gì”.

Gần trưa, Fati và những phụ nữ nói trên bắt đầu đau bụng, nhiều người đau đến mức phải lết xuống đất, nằm quằn quại trên sàn nhà. Giây lát, máu từ bộ phận sinh dục họ chảy ra. Khi ấy tất cả mới biết loại thuốc mà họ được tiêm và uống là thuốc phá thai. Lúc nghe tiếng la hét vì đau đớn, hai người lính mở cửa bước vào và chỉ đứng nhìn.

Bà Yagana, người lớn tuổi nhất trong nhóm phụ nữ thều thào: “Tại sao các ông lại tiêm thuốc phá thai cho chúng tôi. Tại sao không cho chúng tôi biết”. Đáp lại, một người lính quát lớn: “Im đi. Chúng mày mà kể chuyện này ra cho bất kỳ ai thì chúng mày sẽ bị trả về cho bọn Boko Haram. Nigeria không để cho con của bọn thánh chiến ra đời vì lớn lên nó sẽ cầm súng chống lại đất nước”.

Fati và 33 phụ nữ vừa nói chỉ là một phần rất nhỏ trong số 10.000 phụ nữ Nigeria mang thai khi bị Boko Haram cầm tù rồi bị phá thai lúc được quân đội chính phủ giải thoát. Theo lời tố cáo của 2 nhân viên an ninh và 4 người lính - là những người trực tiếp chứng kiến những vụ tiêm thuốc phá thai thì từ 2013, quân đội Nigeria đã tiến hành một chương trình bí mật, có hệ thống ở vùng đông bắc đất nước, chấm dứt ít nhất 10.000 thai kỳ ở phụ nữ và trẻ em gái, nhiều trẻ mới chỉ 12 tuổi và độ tuổi của thai nhi là từ 4 tuần đến 8 tháng.

Một trong hai nhân viên an ninh nói: “Đôi khi những người thực hiện tiêm thuốc cũng giải thích nếu gặp phải phụ nữ nào đó không chịu tiêm, rằng sau một thời gian bị Boko Haram giam giữ, cơ thể của họ đã suy nhược, việc tiêm, uống thuốc là để phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa bệnh sốt rét và bệnh viêm gan siêu vi… Nếu đã giải thích mà họ vẫn không chịu tiêm, họ sẽ bị đưa sang một phòng khác rồi bị đánh. Cuối cùng rồi họ cũng phải tiêm…”.

Tại bệnh viện dân sự Special State Hospital đặt ở Maiduguri, bang Borno, một số hồ sơ bệnh án do Inside Politis thu thập được cho thấy đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong do phá thai. Một binh sĩ trong số 6 nhân chứng làm nhiệm vụ bảo vệ tại bệnh viện này nói rằng anh đã từng nhiều lần chứng kiến những tử thi chết vì phá thai được đưa ra khỏi phòng thủ thuật rồi được chôn lấp vội vã ở một sườn đồi cách bệnh viện khoảng 2km. Anh nói: “Không tang lễ, không bia mộ, thậm chí còn không có cả một nắm đất để chứng minh đó là nơi an nghỉ của một con người”.

Bà Bintu Ibrahim cũng là một nạn nhân kể lại: “Aisi, cô bé nằm cạnh tôi có thai 7 tháng. Trong thời gian bị Boko Haram bắt, gần 20 thằng thay phiên nhau hiếp nó mỗi đêm nên không biết cái thai trong bụng nó là của thằng nào. Khi được quân đội giải thoát rồi bị tiêm thuốc, nó vật vã, lăn lộn, la hét vì đau đớn. Sau cùng nó xuôi dần, mắt mở trừng trừng rồi tắt thở”.

Theo Inside Politic, trọng tâm của chương trình phá thai được phổ biến rộng rãi trong quân đội, rằng con cái của những kẻ nổi dậy đã được định sẵn bởi dòng máu trong huyết quản chúng, một ngày nào đó chúng sẽ cầm vũ khí chống lại chính phủ và xã hội Nigeria.Vì thế cần phải tiêu diệt những kẻ khủng bố tương lai trước khi chúng ra đời.

Bệnh viện dân sự Special State Hospital, nơi được cho là đã thực hiện những vụ phá thai cưỡng bức.

Phản ứng của quân đội Nigeria

Khi những vụ cưỡng bách phá thai được hãng tin Reuters đưa ra trước công luận, các nhà lãnh đạo quân sự Nigeria phủ nhận chương trình này đã từng tồn tại và cho biết báo cáo của Reuters là “một phần trong nỗ lực nước ngoài nhằm phá hoại cuộc chiến chống khủng bố của Nigeria”. Thiếu tướng Christopher Musa, người đứng đầu chiến dịch truy quét Boko Haram ở vùng đông bắc Nigeria khi trả lời cuộc phỏng vấn ngày 24/11/2021 của Reuters đã nói: “Không phải ở Nigeria. Không phải! Mọi người đều tôn trọng cuộc sống. Chúng tôi tôn trọng gia đình. Chúng tôi tôn trọng phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi tôn trọng mọi linh hồn sống”.

Tướng Lucky Irabor, Tham mưu trưởng quân đội Nigeria, không trả lời các yêu cầu từ hãng tin Reuters nhưng ngày 2/12, một tuần sau khi Reuters đề nghị được phỏng vấn, Thiếu tướng Jimmy Akpor, Giám đốc trung tâm thông tin quốc phòng, đưa ra một tuyên bố dài 5 trang cho các phóng viên rồi sau đó đăng lên Facebook, Twitter, nội dung “Reuters được thúc đẩy bởi sự xấu xa và tâm lý bắt nạt”.

Vẫn theo tướng Akpor: “Loạt thông tin hư cấu đã tạo thành một tập hợp những lời xúc phạm đối với người dân và nền văn hóa Nigeria. Các quân nhân Nigeria được nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo để bảo vệ dân chúng, thậm chí bản thân họ phải chịu rủi ro, đặc biệt khi liên quan đến trẻ em, phụ nữ và người già”. Thế nhưng một nhân viên y tế dân sự, là một trong bảy người thừa nhận đã thực hiện phá thai theo lệnh của quân đội cho biết: “Tôi được giải thích rằng việc này giống như dọn dẹp vệ sinh xã hội”.

Bốn nhân viên y tế khác được Reuters phỏng vấn cũng nói rằng chương trình này là vì lợi ích của phụ nữ bởi lẽ bất kỳ đứa trẻ nào do họ sinh ra, sẽ phải đối mặt với sự kỳ thị khi mang trong mình dòng máu của người cha khủng bố nhưng một số quan chức Nigeria biện luận rằng nếu chương trình phá thai bí mật tồn tại, sẽ không thể che giấu trước con mắt của các nhóm viện trợ quốc tế, bao gồm cả các cơ quan của Liên hợp quốc, Thiếu tướng Christopher Musa nói: “Mọi người đều có quyền tự do tìm hiểu những gì chúng tôi đang làm. Không có gì ẩn giấu dưới ánh mặt trời. Chưa ai từng buộc tội chúng tôi về việc phá thai.Chúng tôi đã không làm điều đó.Chúng tôi cũng sẽ không làm điều đó. Đó không phải là tính cách của chúng tôi”.

Tuy nhiên kết quả điều tra của hãng tin Reuters lại cho thấy việc phá thai đã diễn ra tại ít nhất năm cơ sở quân sự và năm bệnh viện dân sự ở Maiduguri, thành phố lớn nhất vùng đông bắc Nigeria và là trung tâm chỉ huy chống lại Boko Haram. Nó bao gồm nhà giam nằm trong doanh trại Giwa, nơi Fati nói rằng cô bị buộc phải phá thai.Các địa điểm khác là doanh trại Maimalari, căn cứ quân sự chính của thành phố và hai bệnh viện dân sự Special State Hospital và Umaru Shehu nhưng cả hai bệnh viện đều từ chối trả lời về cáo buộc này.

Phiến quân Boko Haram.

Và phản ứng của thế giới

Khi được hỏi liệu các vụ cưỡng bức phá thai có thể xảy ra mà các nhóm viện trợ không hề biết hay không? Ông Matthias Schmale, quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc tại Nigeria dè dặt: “Tại thời điểm này, tôi không có tư cách để đưa ra bình luận công khai với giới truyền thông về vấn đề nhạy cảm và quan trọng ấy”; nhưng với Alice Kearns, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vương quốc Anh, bà mô tả những câu chuyện này là “đau lòng”. Bà nói: “Các nhà chức trách Vương quốc Anh có trách nhiệm bảo đảm rằng sự hỗ trợ của họ đối với quân đội Nigeria không có nghĩa là cũng sẽ hỗ trợ cho các hành vi vi phạm nhân quyền. Chúng tôi mong Chính phủ Anh sẽ xem xét những cáo buộc này một cách nghiêm túc”.

Chris Smith, thành viên đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói: “Các báo cáo đáng tin cậy làm chấn động lương tâm loài người và các biện pháp trừng phạt nên được áp dụng với những cá nhân chịu trách nhiệm”, còn với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, đã gọi báo cáo của Reuters là “đáng kinh ngạc”.

Theo ông Ned Price: “Phản ứng đầu tiên của tôi là khi đọc báo cáo, tôi vô cùng băn khoăn về nó. Đó là một báo cáo đau lòng, đáng lo ngại và vì lý do đó, chúng tôi đang tìm kiếm thêm thông tin”. Melanie O'Brien, Phó giáo sư Luật quốc tế tại Đại học West Australia gọi việc ép buộc phá thai ở Nigeria là “tội ác cực kỳ nghiêm trọng” còn với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì “đây là một sự vi phạm nhân quyền không thể tha thứ”.

Từ trước đến nay, Nigeria là quốc gia bảo thủ về văn hóa ở cả miền Nam, nơi những người theo đạo Cơ đốc chiếm ưu thế và miền Bắc đa số theo đạo Hồi nên phá thai bị phản đối rộng rãi. Nó cũng cũng được xem là bất hợp pháp ngoại trừ trường hợp cần thiết để cứu mạng người mẹ.Ở miền Bắc, bất kỳ người nào bị kết tội tham gia phá thai, kể cả phụ nữ, đều có thể bị buộc tội nghiêm trọng và bị phạt tù 14 năm. Gây ra cái chết cho một phụ nữ bằng cách thực hiện phá thai mà không nhằm mục đích y tế thì tù chung thân. Ở miền Nam, người nào trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia phá thai sẽ bị truy tố hình sự và mức án dành cho họ nhẹ nhất cũng là 10 năm.

Nhưng theo Reuters, chương trình phá thai bí mật bắt đầu dưới thời Tổng thống Jonathan (2010-2015) rồi tiếp tục thực hiện dưới thời Tổng thống Buhari (từ 2015 đến nay).Ông Thomas Hayden, công tố viên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) cho biết theo một nguyên tắc trong luật pháp quốc tế, gọi là “trách nhiệm chỉ huy”, nếu chứng minh được chương trình phá thai bí mật là có thật, các chỉ huy quân sự hàng đầu của Nigeria phải chịu trách nhiệm về những tội ác do quân đội dưới sự giám sát của họ gây ra. Ngay cả khi chương trình này không có thật và việc phá thai là do những người lính tự ý tiến hành thì các chỉ huy hàng đầu của Nigeria vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới…

Vũ Cao (Theo Inside Politics)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tiet-lo-kinh-hoang-ve-mot-chuong-trinh-chong-thanh-chien-i677855/