Tiết lộ kinh hoàng trong bài báo đầu tiên gửi về từ 'vùng đất chết' của Khmer Đỏ (1)

Phải mất hơn 40 năm để rồi tuần qua, hai người đàn ông cuối cùng đã bị kết tội về hành động của họ trong cuộc diệt chủng khiến hai triệu người thiệt mạng ở Campuchia. Sự kinh hoàng của chế độ Khmer Đỏ lần đầu tiên được toàn thế giới chú ý vào năm 1979 qua bài viết gây sốc của phóng viên The Mirror Anhm John Pilger và nhiếp ảnh gia Eric Piper.

Bài báo đăng trên The Mirror năm 1979 gây sốc toàn thế giới

Bài báo đăng trên The Mirror năm 1979 gây sốc toàn thế giới

Máy bay bay thấp theo dọc con sông Mekong từ Việt Nam. Khi vào tới địa phận Campuchia, tất cả những gì bên dưới khiến chúng tôi không ai nói được một lời.

Không có một bóng người, không có sự di chuyển nào, thậm chí không có lấy một con vật, dường như dân số châu Á đã dừng lại ở biên giới.

Toàn bộ thị trấn và làng mạc bên bờ sông trống rỗng: những cánh cửa sổ mở ra đập vào, những chiếc xe hơi im lìm, những chiếc xe đạp chất thành đống, ghế và giường bị vứt chỏng trơ trên đường phố.

Bên dưới đường dây tải điện có duy nhất bóng một đứa trẻ nửa nằm nửa ngồi. Nó không động đậy.

Những cánh đồng lúa và hoa màu không còn nữa. Không có sự sống trừ rừng và cỏ dại. Cỏ mọc cao ngất vì được bón bởi chính các phần thi thể của hàng chục nghìn người, gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Họ đã bị sát hại.

Campuchia, vùng đất yên bình nhất châu Á như tôi từng biết, một vùng đất không có chiến tranh đã biến mất khỏi các bản tin từ 4 năm rưỡi trước; và những gì xảy ra ở đây không còn song hành với cuộc sống hiện đại.

Điều đó có thể khó chấp nhận, nhưng nó là sự thật. Thứ xảy ra ở đây nằm ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai: một thảm họa và tội ác của con người không đo đếm được.

Trong số 500 vũ công hoàng gia, chỉ còn vài người sống sót.

Trước năm 1975, Campuchia có 550 bác sĩ, bây giờ không tới 48 người.

Dân số Campuchia năm 1975 là gần 7 triệu, giờ đây, khoảng 1,5 triệu người trong số 3 triệu người “mất tích” được tuyên bố là đã chết.

Khi cuối cùng cũng đến sân bay hoang vắng ở Phnom Penh, chúng tôi trông thấy một kim tự tháp xe hơi thậm chí còn cao hơn cả cánh rừng. Một vài trong số chúng là những thương hiệu xe hơi đời mới 4 năm về trước. Vài chiếc xe cứu thương và xe cứu hỏa, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, máy phát điện, máy chữ… được chất đống.

Sau ngày 17/4/1975, những ai sở hữu những món đồ này, những ai sống ở thành phố hay thị trấn, đều bị kết án tử hình.

Bất kỳ ai có trình độ hay kỹ năng hiện đại đều bị giết khi nhân thân của họ bị tiết lộ: bác sĩ, giáo viên, kỹ thuật viên, công nhân lành nghề, thậm chí là học sinh; và bất cứ ai quen biết người nước ngoài.

Một đứa trẻ hốc hác đi một mình xuống trung tâm của một đại lộ chính từng ken kín với phương tiện giao thông ở thủ đô vốn có 2,5 triệu người. Các nhóm trẻ em vục mình vào thùng rác.

Phần lớn bọn chúng là trẻ mồ côi, những đứa trẻ chừng hơn 5 tuổi. Một số trong bọn chúng được sinh trong thời kỳ khủng bố tàn bạo và may mắn sống sót.

Rất khó tìm được một đứa trẻ lớn hơn. Một thế hệ đã biến mất. Đây đã trở thành một quốc gia với chủ yếu là trẻ em, bị cô lập khỏi thế giới và đối mặt với nạn đói kinh hoàng.

Ai đã làm điều này? Tại sao nó có thể xảy ra?

Khmer Đỏ - được truyền cảm hứng bởi Hồng vệ binh ở Trung Quốc - đã trỗi dậy làm “cách mạng”

Vào mùa xuân năm 1970, sự yên bình của Campuchia đã chấm dứt bởi một vụ đánh bom lớn nhất trong lịch sử.

Đây là một phần của cuộc chiến tranh do Tổng thống Mỹ Nixon và Ngoại trưởng của ông ta, Henry Kissinger tiến hành, vi phạm Hiến pháp Mỹ và bất chấp Quốc hội nước này.

Trong 3 năm sau đó, công chúng Mỹ không hề hay biết về nó. Đến năm 1973, lượng bom tương đương 5 quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima năm 1945 đã được thả xuống đất nước trung lập Campuchia.

Mục đích của người Mỹ là phá hủy căn cứ của quân đội Việt Nam ở Campuchia, nhằm giành lợi thế trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nixon gọi nó là thuyết chiến tranh “Người điên”.

“Người điên” đã gây nên tình trạng hỗn loạn ở Campuchia. Hoàng tử Sihanouk bị lật đổ. Ở trong rừng, một nhóm nhỏ những người cuồng tín, được gọi là Khmer Đỏ - được truyền cảm hứng bởi Hồng vệ binh ở Trung Quốc - đã trỗi dậy làm “cách mạng”.

Họ tuyên bố 1975 là “Năm Zero” - sự khởi đầu của sự kết thúc thế giới hiện đại. Mục đích của những người này là tái tạo một xã hội nông thôn “thuần khiết” tương tự như đế chế Khmer thế kỷ thứ 10.

Bởi vì có rất ít người như vậy, không quá 10% dân số Campuchia, nên biện pháp kiểm soát dân số là nô dịch nó và làm nó giảm một nửa.

Ban đầu các nhà lãnh đạo được ẩn danh. Sau đó, một người đàn ông tự xưng là Pol Pot đã nổi lên với vai trò lãnh đạo.

(Còn tiếp)

Hà Châu (Theo Mirror)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tiet-lo-kinh-hoang-trong-bai-bao-dau-tien-gui-ve-tu-vung-dat-chet-cua-khmer-do-1/790473.antd