Tiết lộ kịch bản Mỹ liên minh với Nga để 'đồi đầu' Trung Quốc

Theo nhà báo người Nga Ivan Yakovina, nếu Trung Quốc giành được quyền kiểm soát Nga, phương Tây sẽ phải đối mặt với những khó khăn to lớn trong thế kỷ 21.

Trong những năm tới, Mỹ sẽ đối đầu với mối đe dọa về vị trí lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc. Tương lai của trật tự thế giới phụ thuộc vào kết quả của trận chiến này. Để củng cố vị thế trong cuộc chiến chống lại Bắc Kinh, Washington đang cố gắng đạt được sự thay đổi quyền lực ở Nga.

Năm 2021 được kỳ vọng sẽ chứng kiến thay đổi trong trật tự, các mối quan hệ quốc tế. (Ảnh minh họa)

Năm 2021 được kỳ vọng sẽ chứng kiến thay đổi trong trật tự, các mối quan hệ quốc tế. (Ảnh minh họa)

Nhà báo Ivan Yakovina chia sẻ với kênh truyền hình Ukraine 24, người Mỹ hy vọng rằng chính phủ dân chủ mới của Nga sẽ hợp tác với phương Tây và không hợp tác với Trung Quốc.

Theo ông Yakovina, Mỹ coi Trung Quốc, chứ không phải Nga là kẻ thù chính. Ngoại giao Mỹ sẽ cố gắng hết sức để vô hiệu hóa sự thống trị thế giới tiềm tàng của Bắc Kinh.

“Trên thực tế, hiện nay nhiều người đang quyết định thế giới sẽ như thế nào trong thế kỷ 21, Mỹ hay Trung Quốc sẽ thống trị. Không giống như mối đe dọa từ Nga có thể gọi là chiến thuật, mối đe dọa do Trung Quốc gây ra mang tính chiến lược, nghiêm trọng hơn nhiều. Để ngăn chặn họ, người Mỹ sẽ cần nhiều thời gian để dành cho ngoại giao”, ông Yakovina nhận định.

Theo nhà báo, trong bối cảnh đối đầu với Trung Quốc, Washington đặt ra cho mình nhiệm vụ thay đổi chính quyền ở Nga. Mỹ quan tâm đến việc thành lập một chính phủ dân chủ ở Nga với mục tiêu hợp tác nhiều hơn với phương Tây.

“Người Mỹ hy vọng rằng chính phủ dân chủ ở Moscow sẽ hợp tác với phương Tây và không hoàn toàn hợp tác với Trung Quốc như Tổng thống Putin đang làm”, nhà báo Yakovina lưu ý.

Ông Yakovina nói thêm rằng nếu Trung Quốc hoàn toàn có thể nắm quyền kiểm soát Nga, thì thế giới phương Tây sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt được chiến thắng trước ảnh hưởng của Bắc Kinh.

“Nếu Trung Quốc giành toàn quyền kiểm soát Nga, thì phương Tây sẽ rất khó đối phó trong thế kỷ 21. Do đó, Washington không nên quan tâm vụ chính trị gia đối lập Navalny đang ra sao, người Mỹ muốn có được một đồng minh chống lại chủ nghĩa toàn cầu”, ông Yakovina kết luận.

Trước đó, hôm 4/2, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mô tả Trung Quốc là “đối thủ sừng sỏ của Mỹ” và cam kết sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận gồm nhân quyền, sở hữu trí tuệ và chính sách kinh tế.

Tân Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông sẽ “trực tiếp đối mặt với những thách thức do Trung Quốc - đối thủ sừng sỏ nhất của Mỹ, đặt ra cho sự thịnh vượng, an ninh và giá trị dân chủ của Mỹ”.

“Nước Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc bằng sức mạnh, bằng cách xây dựng đất nước bền vững, hợp tác với các đồng minh và đối tác, làm mới vai trò của chúng tôi trong các thể chế quốc tế và giành lại sự tín nhiệm của cộng đồng”, Tổng thống Biden tiếp tục. Đường lối đối ngoại mà ông Biden vạch ra tương phản rõ nét với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Dù cam kết đối đầu với chính phủ Trung Quốc, ông Biden cho biết Mỹ sẵn lòng “hợp tác với Bắc Kinh nếu phù hợp với lợi ích của Washington”. Bình luận này dường như liên quan đến tham vọng của chính quyền ông Biden trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.

Bài phát biểu của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của ông liên tục phát tín hiệu cứng rắn với Trung Quốc. Ông Biden đến nay vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dù đã điện đàm với nhiều nguyên thủ trên thế giới.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính quyền của ông Biden muốn tập trung trước tiên vào việc khôi phục quan hệ với các đồng minh và chưa vội tiếp xúc với Trung Quốc.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nha-bao-nga-tiet-lo-kich-ban-my-lien-minh-voi-nga-de-doi-dau-trung-quoc-276867.html