Tiết lộ hồ sơ về mạng điệp viên Portland thời Chiến tranh lạnh

Câu chuyện về mạng điệp viên Portland hoạt động tại nước Anh sau Thế chiến thứ II mới được Cơ quan tình báo đối nội (MI-5) giải mật và tiết lộ vào giữa tháng 11 vừa qua.

Không giống như mọi vụ án gián điệp thời hậu chiến trước đó được MI-5 bóc trần, mạng lưới Portland không tập hợp những điệp viên KGB hay tình báo quân đội Nga GRU mang vỏ bọc những nhà ngoại giao để hoạt động bí mật mà đó là nhóm gián điệp sống cuộc đời bình thường ở Anh trong khi làm việc cho Nga.

Những điệp viên “không chính thức” này mang tên và quốc tịch giả nên rất khó hay gần như không thể phát hiện được.

Manh mối từ một báo cáo của “Sniper” - “Kẻ bắn tỉa”

Trên một con đường trong một khu dân cư yên tĩnh như bao nơi khác nằm ở vùng ngoại ô phía tây thủ đô London nước Anh, mọi người đều biết đến những người sống trong căn hộ số 45 đường Cranley Drive. Họ sống thân thiện với láng giềng và thường tổ chức các buổi tiệc tùng. Họ sở hữu một cửa hiệu bán sách cổ.

Nhưng căn nhà của họ không bình thường bởi vì nơi đó che giấu bí mật mạng lưới điệp viên Portland làm việc cho Cơ quan tình báo KGB của Liên Xô. Nhiệm vụ của mạng lưới là đánh cắp tài liệu mật bên trong trung tâm nghiên cứu cực kỳ nhạy cảm của Hải quân nước Anh, nơi chia sẻ hàng loạt bí mật quân sự với Mỹ. Thành viên Portland thậm chí còn liên kết với đội quân gián điệp của Nga ẩn mình trong lòng nước Mỹ để đánh cắp tài liệu về vũ khí hạt nhân.

Theo tài liệu của MI-5, “Mạng Portland” liên kết với một số điệp viên “không chính thức” khác tại Mỹ - bao gồm Rudolf Abel (người được đạo diễn Mỹ Steven Spielberg mô tả trong bộ phim “Bridge of Spies”). Một số lớn hồ sơ mật tiết lộ cho hay MI-5 may mắn phát hiện Mạng Portland nhờ CIA chia sẻ thông tin có giá trị từ Michael Goleniwski – một trong những chỉ huy của Cơ quan tình báo Ba Lan dưới mật danh “Sniper” (Kẻ bắn tỉa).

Điệp viên Gordon Lonsdale.

Tháng 8-1960, CIA nhận được thông tin từ “Kẻ bắn tỉa” cho biết tình báo Liên Xô đã nhận được nhiều hồ sơ tài liệu quan trọng về các kế hoạch thử nghiệm máy bay quân sự và các hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới của không quân Anh. Điệp viên nội gián này còn xác định là những hồ sơ tài liệu trên có xuất xứ từ căn cứ không quân Portland ở miền Nam nước Anh. Thông tin quan trọng này liền được CIA chuyển giao cho MI-5.

Sau một thời gian bí mật điều tra, MI-5 chú ý đến Harry Houghton, người Anh, 36 tuổi, từng tham gia Thế chiến thứ II trong không quân Anh, đã giải ngũ và lúc ấy đang làm chuyên viên ở Trung tâm Nghiên cứu vũ khí dưới nước (UDE) tại Portland thuộc hạt Dorset miền nam nước Anh. Với mức lương 800 bảng Anh/tháng nhưng Houghton không biết kiếm tiền ở đâu để thay xe hơi đời mới đến 4 lần, lại sở hữu một ngôi nhà rộng rãi và sang trọng.

Ngoài ra, Houghton còn nổi tiếng về tài ăn nhậu và chi tiêu rất thoải mái tại các nhà hàng và quán rượu ở Portland. MI-5 may mắn nhận được sự hợp tác bí mật của người vợ cũ của Houghton. Cô vợ cho biết, Houghton thường mang nhiều tài liệu mật từ UDE về nhà rồi đem chúng đến London vào mỗi cuối tuần và đôi khi trở về nhà cùng với số tiền lớn.

Không những để mắt đến Houghton mà MI-5 còn quan tâm đến cô nhân tình của Houghton tên Ethel Gee, một nữ quân nhân cấp bậc trung sĩ làm chung đơn vị với Houghton. Do tính chất công việc nên Gee dễ dàng tiếp xúc nhiều tài liệu nghiên cứu quân sự nhạy cảm của Hải quân Anh, trong đó bao gồm thông tin về công nghệ dưới nước của Mỹ. MI-5 để ý thấy cặp tình nhân này thường xuyên rời Portland đến thủ đô London vào cuối tuần để gặp gỡ một người đàn ông được xác định danh tính là Gordon Lonsdale, một doanh nhân người Canada.

Sau đó lại tới một cửa hàng bán sách cổ ở phía tây London gặp vợ chồng chủ cửa hàng cũng là người Canada tên là Peter và Helen. Tháng 7-1960, một nhóm sĩ quan MI-5 mặc thường phục theo dõi cặp đôi Houghton-Gee và phát hiện họ cùng đến London vào cuối tuần để gặp một người đàn ông được tin là Gordon Lonsdale. Người của tình báo tình báo Anh đã bí mật gắn thiết bị nghe lén trong căn hộ của Lonsdale ở London.

Khám phá trong “căn nhà của những bí mật”

MI-5 giám sát chặt chẽ mọi sự di chuyển của cặp đôi Houghton-Lonsdale trong suốt mùa hè năm 1960 và tiếp tục phát hiện thêm cặp vợ chồng bán sách cổ ở London là Peter và Helen Kroger. Ngày 7-1-1961, do không có quyền bắt giữ người như theo quy định của luật pháp Anh nên MI-5 đã phối hợp với Đơn vị đặc biệt của Cảnh sát Anh tiến hành bắt giữ Houghton, Gee và Lonsdale khi cả ba vừa ra khỏi một nhà hàng ở khu Picadilly của thủ đô London. Tiếp đến, cặp vợ chồng Kroger cũng bị bắt giữ ngay tại nhà của họ.

Tài liệu điều tra tuyệt mật của MI-5 về Mạng Portland.

Lục soát căn nhà hai vợ chồng, cảnh sát tìm thấy 7 hộ chiếu giả cùng với một số tài liệu đánh máy và cái bật lửa được thiết kế đặc biệt với ngăn nhỏ giấu bộ mã hóa truyền tín hiệu radio về cho KGB. Bằng chứng này cho thấy hai vợ chồng Kroger là đội hỗ trợ kỹ thuật radio cho Lonsdale. Khi lục soát túi xách của bà Kroger, cảnh sát tìm thấy các microdot (tài liệu thu nhỏ) mà bà đang cố gắng tiêu hủy.

Quan trọng nhất là khi kiểm tra ví của Helen Kroger, các nhân viên MI-5 tìm thấy một bức thư cuộn nhỏ nhét trong một ống son môi, viết bằng tiếng Nga, mang nội dung liên lạc giữa Gordon Lonsdale với gia đình ông ta đang sinh sống tại Moscow.

Vài hôm sau, MI-5 phát hiện thêm bộ thiết bị truyền radio tốc độ cao dùng để liên lạc với Moscow được giấu kỹ bên dưới sàn nhà của vợ chồng Kroger (sau đó được gọi là “căn nhà của những bí mật”). Căn cứ vào dấu vân tay vợ chồng Kroger được MI-5 gửi đến, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định danh tính thực của họ là Morris và Lona Cohen - cặp điệp viên ngầm quan trọng nhất của KGB trong thời Chiến tranh Lạnh.

Theo hồ sơ FBI, họ chào đời ở Mỹ và hoạt động cho KGB cùng với số điệp viên giỏi khác như William Fisher (sống với tên “Rudolf Abel”). Morris và Lona Cohen chuyển giao về cho KGB nhiều tài liệu xếp loại “tuyệt mật” về cuộc nghiên cứu nguyên tử của Mỹ thông qua 2 điệp viên khác là Julius và Ethel Rosenberg.

Theo điều tra của MI-5 thì chỉ trong vòng 6 năm, từ năm 1955 đến năm 1961, “Mạng lưới Portland” đã thu thập và đánh cắp được một số lượng lớn tài liệu, thông tin quan trọng về các chương trình chế tạo và thử nghiệm vũ khí mới của không quân Anh bao gồm việc chế tạo máy bay ném bom tầm xa Cougar-1, các hệ thống radar dẫn đường cho máy bay tiêm kích đánh chặn và các tên lửa không-đối-không, tên lửa phòng không... đã chuyển giao trót lọt về Liên Xô.

Tháng 3-1961, phiên tòa xét xử “Mạng Portland” diễn ra tại London. Lonsdale bị tuyên 25 năm tù giam, hai vợ chồng Koger 20 năm tù cho mỗi người, Houghton và Gee nhận bản án 15 năm tù cho mỗi người. Về sau, Hải quân Hoàng gia Anh đánh giá “Mạng lưới Portland” đã giúp cho Liên Xô chế tạo thành công thế hệ tàu ngầm mới hoạt động êm ái hơn dưới biển sâu nhờ đánh cắp được công nghệ định vị siêu âm dưới nước sử dụng cho chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Anh mang tên Dreadnought.

Những tình tiết ly kỳ về “Mạng lưới Portland” một thời không những làm tổn hao biết bao giấy mực của báo chí mà còn được dàn dựng thành kịch nói (vở kịch "Những con người hai mặt" - do Nhà hát Kịch London trình diễn vào năm 1986) và dựng thành phim truyền hình nhiều tập.

Hai vợ chồng Cohen được trả về cho Moscow năm 1969 trong một cuộc trao đổi điệp viên và được tặng thưởng Huân chương Sao vàng cao quý nhất của Liên Xô. Sau khi mất trong thập niên 1990, Morris Cohen được Tổng thống Nga Boris Yeltsin truy tặng danh hiệu “Anh hùng Liên bang Nga”. Còn Molody được giao trả trong cuộc trao đổi điệp viên năm 1964 và chết năm 1970 tại Nga.

Quang Hiếu-Trang Thuần (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tiet-lo-ho-so-ve-mang-diep-vien-portland-thoi-chien-tranh-lanh-469307/