Tiết lộ gây sốc của một người trong cuộc giấu tên sau vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang

Đồng ý đưa tên mình lên báo, rồi lại không đồng ý, và cuối cùng lại đồng ý..., có thể nói những chia sẻ dưới đây của một người trong cuộc - một người tham gia chấm thi THPT Quốc gia năm nay là kết quả của những suy nghĩ sâu sắc và nghiêm túc.

Mặc dù cuối cùng thầy giáo này đã đồng ý đưa tên thật của mình nhưng chúng tôi vẫn quyết định giấu tên thầy trước khi chuyển những trang báo vào máy in. Bởi những chia sẻ thẳng thắn của thầy không chỉ hé lộ phần nào những “góc khuất” của vụ án thi cử Hà Giang, mà còn vỡ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Phóng viên: Sự việc động trời xảy ra tại Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Hà Giang, điều gì làm thầy suy nghĩ nhất?

Thầy giáo: Tôi mới trở về nhà sau một thời gian được điều đi chấm thi. Tôi bất ngờ là quy trình đã được giám sát chặt chẽ như vậy, có cả Công an, thanh tra Sở, thanh tra Bộ cùng giám sát, thì hành vi của ông Lương rất khó trót lọt. Ông Lương phải được cả hệ thống “giúp sức”.

- Quy trình mà thầy nói là “chặt chẽ” gồm những bước cơ bản nào?

- Trước tiên, tổ chấm thi sẽ nhận bài thi từ hội đồng, sau khi nhận thì có một bộ phận kiểm đếm lại toàn bộ bài thi, kiểm tra về số lượng, xem những bài thi có bị rách, quăn queo hay không, nếu có bất thường, sẽ lập biên bản trước sự chứng kiến của thanh tra Bộ, thanh tra Sở. Sau đó, bộ phận rà soát sẽ bàn giao cho một nhóm để quét bài thi. Sau khi quét, toàn bộ dữ liệu đó được in ra đĩa để gửi về Bộ GD&ĐT.

Chúng tôi còn được giao kiểm tra trên phần mềm những bài thi bị lỗi, không nhận dạng được, nếu có, tôi sẽ rút bài gốc xem có đúng như vậy không, để sửa cho thí sinh. Nếu phát hiện thí sinh tô nhầm số báo danh, hoặc tô thiếu, chúng tôi sẽ sửa cho thí sinh, căn cứ vào bài gốc và phiếu thu bài.

Ở đây phần mềm sẽ lưu lại hết. Sau khi gửi đĩa dữ liệu cho Bộ, chúng tôi sẽ nhập đáp án từ Bộ gửi vào phần mềm và cho ra kết quả. Tôi nhắc lại, toàn bộ quy trình đó đều có sự giám sát của nhiều lực lượng, nếu làm đúng quy trình một cách trách nhiệm thì không thể xảy ra tiêu cực.

Tôi được biết, có Sở GD&ĐT, nhóm chấm thi trắc nghiệm sẽ ăn ở tại chỗ, nhưng có Sở chỉ làm việc trong giờ hành chính. Họ mở niêm phong phòng lưu trữ, làm xong lại niêm phong đưa vào kho, có người trực 24/24 giờ.

- Vậy theo thầy, ông Vũ Trọng Lương đã lợi dụng khâu nào để thực hiện hành vi phạm pháp?

- Tôi thấy có những thông tin rất mơ hồ. Ông Lương chỉ là thư ký hội đồng chấm thi, về nguyên tắc không được tiếp xúc với bài thi. Thư ký thì không được giữ chìa khóa nơi lưu trữ bài thi, mà do Tổ trưởng tổ chấm thi giữ. Vậy sao anh ấy lại mở khóa được? Như Sở mà tôi đến chấm thi, họ chứa bài thi ở một phòng họp trên tầng cao nhất, trong phòng đó còn có một cái kho phía trong, chỉ có một cửa ra vào.

Khi chấm xong, chúng tôi đưa hết bài thi, máy tính vào đó niêm phong và khóa lại, có công an trực 24/24 giờ, chìa khóa do tổ trưởng tổ chấm thi cầm. Nên tôi không hiểu làm sao mà ông Lương lại có chìa khóa, tự do mang bài thi về phòng, sửa xong lại mang trả lại trường chuyên Hà Giang.

- Tại nơi thầy tham gia chấm thi, có phát hiện bài thi bất thường hay không?

- Cũng có một số bất thường, ví dụ thí sinh ghi nhầm số báo danh, cả trên bài thi và phiếu thu bài. Trường hợp đó chúng tôi sẽ phải lập biên bản, xử lý. Còn số lượng bài bị lỗi do quá trình quét bài phát hiện ra thì rơi vào khoảng 7% số lượng bài của mỗi môn thi. Môn Toán và tiếng Anh có nhiều bài thi lỗi nhất.

Những bài lỗi đó, sẽ rút bài gốc ra và phiếu trả lời để kiểm tra lại, xem số báo danh có đúng không, rồi sửa trên phần mềm. Phần mềm sẽ lưu lại bài thi sửa cái gì.

- Quá trình chấm thi, thầy có thấy điều gì “lạ” trong việc tô đáp án của thí sinh hay không? Vì tôi nghe kể, có không ít thí sinh chọn cách tô đáp án thành một đường thẳng từ trên xuống dưới.

- Kiểu tô đó rất nhiều luôn. Hài lắm, có nhiều em tô hết cả 45 câu là đáp án A, những câu cuối mới tô B, C, D. Hoặc có em tô theo đường zic zắc, hoặc tô A, B, C, D, rồi lại lặp lại quy luật A, B, C, D. Tất cả các môn đều có hiện tượng đó.

Bài trắc nghiệm thường được sử dụng để đánh giá trên diện rộng.

- Cách tô đó nói lên điều gì, thưa thầy?

- Có thể các em không dùng kết quả môn đó để xét tốt nghiệp, nên chỉ cần tránh điểm liệt. Hoặc có thể các em không thuộc bài.

- Nhưng nếu cứ tô bừa bãi, liệu có tránh được điểm liệt hay không?

- Khả năng cao là tránh được điểm liệt. Tôi chưa quan tâm đến dữ liệu công bố điểm dưới 1 lắm, nhưng xác suất thi trắc nghiệm là 25%, các em tô bừa cũng dễ kiếm 1 điểm. Tôi phải nói thêm với chị là xác suất 25% chỉ của một câu, không phải của cả bài. Nếu là cả bài thi, xác suất sẽ giảm.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, bài thi trắc nghiệm thí sinh không có cơ hội sáng tạo, thui chột khả năng viết, diễn giải, thầy có đồng tình không?

- Bài trắc nghiệm thường được sử dụng để đánh giá trên diện rộng. Một số đồng nghiệp của tôi khi coi thi về nói, có nhiều em chơi cả buổi, đến khi gần hết giờ, các em mới khoanh trong vòng vài phút rồi nộp bài, thật đáng để suy nghĩ. Nhưng riêng tôi vẫn ủng hộ thi trắc nghiệm. Tôi tiếp cận thi trắc nghiệm cả 4 năm đại học. Với trắc nghiệm thì đánh giá được nhiều kiến thức hơn so với tự luận. Nhưng lại hạn chế khả năng sáng tạo.

- Trước đây thi tự luận, xuất hiện nhiều lời giải sáng tạo, độc đáo, buộc giáo viên phải thưởng điểm. Giờ thi trắc nghiệm, thì số lượng thí sinh khoanh bừa như thầy vừa nói sẽ rất nhiều, và thí sinh không có cơ hội để có lời giải độc đáo.

- Cái đó tôi thấy đúng.

- Vừa rồi dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về đề thi, thầy quan tâm nhất đến ý kiến nào?

- Đề Toán năm nay bị kêu nhiều, giáo sư toán không làm được trong 90 phút, nhưng có thí sinh vẫn được 10 điểm Toán, theo tôi nghĩ, nhiều khi học sinh học mẹo giải trắc nghiệm quen rồi thì giải rất nhanh. Nhưng các thầy quen theo lối nghiên cứu cũ thì sẽ làm chậm hơn so với thí sinh.

- Khi nhận nhiệm vụ tham gia chấm thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia, thầy có được Bộ tập huấn không?

- Tôi không được tập huấn, tôi chỉ được Bộ phát cho một tập tài liệu hướng dẫn. Không được tập huấn thì cũng bỡ ngỡ.

- Một số cán bộ được tham gia giám sát thi nói, vì không tập huấn nên phía địa phương họ sửa gì mình cũng khó biết…

- Tôi thấy việc sửa đáp án trước bao nhiêu con người là không thể. Vì như Sở tôi đến làm nhiệm vụ, họ chia các khu vực rất rõ ràng, một khu để kiểm đếm bài, một khu để quét bài. Khi tổ kiểm tra bài làm việc thì nhóm quét bài và nhóm chấm bài sẽ ngồi riêng. Tổ kiểm bài sẽ có đại diện công an, thanh tra Sở giám sát.

- Phiếu trả lời trắc nghiệm của chúng ta không có phách đúng không, thưa thầy?

- Đúng, trên phiếu có đầy đủ thông tin, số báo danh của thí sinh, và không rọc phách, dễ biết được thí sinh

- Theo thầy, làm phách cho bài thi trắc nghiệm có cần thiết không?

- Làm phách thì sẽ bịt đỡ được kẽ hở, nhưng lại tốn kém hơn, về thời gian, nhân lực vì cần thêm bộ phận rọc phách, cần thời gian làm phách. Quá trình làm phách có thể gây ra rách phách…

- Trở lại quy trình chấm thi tại Hà Giang, những khâu quan trọng đều không có lực lượng giám sát, theo thầy có sự thông đồng hay không?

- Làm rõ việc này đã có cơ quan điều tra. Nhưng việc hai thanh tra ủy quyền của ĐH Tân Trào vắng mặt, tôi cho là rất là nghiêm trọng. Thư ký của điểm thi lại có chìa khóa của Phòng lưu trữ cũng là vấn đề nghiêm trọng.

- Chìa khóa lọt vào tay thư ký thì sẽ liên quan đến trách nhiệm của ai?

- Tôi nghĩ sẽ liên quan đến cả tổ chấm thi đó, gần như họ không làm đúng theo quy trình Bộ đặt ra. Ở Sở tôi làm nhiệm vụ, khi chấm xong, thầy Trưởng điểm thi yêu cầu toàn bộ dữ liệu không được động vào, không được xem điểm cao, điểm thấp. Mọi người làm trách nhiệm và rất chuyên nghiệp.

- Nếu trong đợt tham gia chấm thi vừa rồi, thầy nhận được lời mời xin nâng điểm, với thù lao hậu hĩnh, có khi cả đời giáo viên không tích lũy được, thầy sẽ ứng xử ra sao?

- Tôi sẽ từ chối, vì đó còn là cả sự nghiệp của mình phía trước. Tôi không bao giờ chấp nhận lời mời như vậy. Ở trường tôi, tôi cũng làm thi khá nhiều, như tuyển sinh liên thông, sau đại học, thì thời gian đó, tôi tắt điện thoại. Kỳ thi tốt nghiệp, các thầy cô trong trường cũng nhờ, có khi nhờ xin số phách, nhưng tốt nhất là chặn ngay từ đầu. Tôi luôn ý thức bảo vệ mình từ xa, nên khi biết tôi tắt điện thoại, họ sẽ không nhắn tin.

- Nếu kỳ thi THPT quốc gia được thi trên máy, theo thầy con người có can thiệp được không?

- Tôi cho là rất khó can thiệp, vì còn phụ thuộc vào nền tảng công nghệ thông tin. Nhưng nếu bảo mật kém thì hacker vẫn có thể can thiệp được. Thi trên máy xong, các em đã biết điểm ngay, đây cũng là hướng chúng ta cần suy nghĩ để cải tiến kỳ thi.

- Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thầy băn khoăn điều gì nhất?

- Tôi băn khoăn nhất là khâu ra đề thi. Còn khâu coi thi, chấm thi, quy trình khá chặt chẽ, phụ thuộc khâu tổ chức thực hiện thôi. Khâu ra đề thi cần được chuẩn hóa, chuyên nghiệp hơn. Cần tổ chức cho học sinh làm thử đề thi, tôi nghe nói vừa rồi Ban đề thi không tổ chức “giải thử đề”, nên thành ra có câu hỏi quá đánh đố học sinh. Chúng ta cần phân biệt rõ giữa “đánh đố” và “phân hóa”, khác nhau đấy.

- Kỳ thi “2 trong 1” theo thầy có ổn không?

- Về lí thuyết, tôi cho là ổn, nhưng với điều kiện cách thức vận hành, tổ chức thực hiện phải đúng triệt để quy trình đã đề ra. Con người nếu họ cố ý gian lận thì phòng ngừa rất khó. Vì thế, mỗi người phải coi việc đi làm thi là danh dự của mình.

- Xin chân thành cảm ơn thầy!

Thu Phương (thực hiện)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/27cuthang__-tiet-lo-cua-mot-nguoi-trong-cuoc-giau-ten-sau-vu-be-boi-ha-giang-phieu-tra-loi-trac-nghiem-khong-co-phach-nen-de-nhan-dang-503420/