Tiết lộ đời tư trẻ em sẽ bị phạt tới 50 triệu đồng

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo mà Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến đó là quy định về việc: Vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin, về đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em sẽ bị phạt lên đến 50 triệu đồng.

Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có thể bị phạt tới 50 triệu đồng. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Không còn “vô tư” với đời tư của trẻ

Chị Minh Hằng - một công chức đang làm việc tại Hà Nội là người rất thích chia sẻ những thông tin của gia đình, con cái lên mạng xã hội. Thậm chí một số hình ảnh “xấu xí” của Hạnh - con gái chị đang là học sinh lớp 8 - cũng được chị quay clip, chụp hình lên mạng. “Thì nó là con mình chứ có phải con ai đâu mà ngại” - chị Hằng cho biết. Tuy nhiên khi được thông báo về việc sắp có một nghị định mà trẻ em có quyền khiếu kiện, thậm chí cả bố mẹ mình nếu cảm thấy bị tiết lộ đời sống cá nhân lên mạng, mức phạt có thể lên đến 50 triệu đồng thì chị Hằng rất bất ngờ: “Nếu vậy chúng tôi rất phải cân nhắc và chắc chắn nếu dùng hình ảnh của con mình cũng phải được chúng đồng ý” - chị Hằng chia sẻ.

Thực tế đây cũng là suy nghĩ của nhiều bố mẹ cho dù vào tháng 7.2017, Nghị định 56/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều Luật Trẻ em có hiệu lực đã quy định rất rõ ràng để bảo vệ đời sống riêng tư của các em. Theo đó, thì việc cha mẹ chụp ảnh con đưa lên trang mạng xã hội như Facebook có thể sẽ vi phạm pháp luật về việc đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em lên môi trường mạng.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 36, Nghị định 56/2017/NĐ-CP thì: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Điều 33, Nghị định 56/2017/NĐ-CP định nghĩa về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em như sau: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em... Theo luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường - Trưởng ban Phổ biến giáo dục pháp luật, Hội Luật gia TPHCM - các quy định áp dụng chủ yếu với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khác không hẳn là cha mẹ của trẻ em.

Liên quan đến việc này, Bộ TTTT cũng đã ra Thông tư 09 ngày 23.6.2017 quy định các sản phẩm truyền thông khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật: Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành; Đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.

Mặc dù đã quy định như vậy nhưng việc đưa ra chế tài, mức phạt vẫn chưa rõ ràng.

Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có thể bị phạt tới 50 triệu đồng. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Khung phạt cao nhất

Theo Dự thảo của Bộ LĐTBXH, nếu muốn đưa thông tin của trẻ lên mạng xã hội sẽ phải được trẻ đồng ý nếu như trẻ đã trên 7 tuổi; trẻ dưới 7 tuổi phải được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Cụ thể phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, nghị định này còn quy định những doanh nghiệp cung cấp trò chơi trên mạng nếu không có công cụ bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng nghiện thì có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 tháng cho tới nửa năm.

Đây là khung xử phạt hành chính cao nhất đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Trao đổi với PV Báo Lao động, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) - cho biết: “Dự thảo là quy định nối dài của những quy định trước đó về việc tiết lộ đời sống riêng tư của trẻ em là nhóm hành vi nghiêm cấm trong Luật Bảo vệ trẻ em. Quá trình lấy ý kiến sẽ tiến hành từ 16.3 đến hết ngày 16.5.2018”.

Trả lời câu hỏi của PV Lao Động về căn cứ đưa ra mức phạt tối đa 50 triệu đồng, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) - cho hay: Căn cứ xử phạt tối đa 50 triệu đồng chiếu theo Điều 24, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013. Theo đó, trong lĩnh vực trẻ em, mức phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng, đối với tập thể gấp đôi, mức 100 triệu đồng.

Chia sẻ băn khoăn về thực tiễn có không ít tiền lệ các quy định của luật đề ra hoành tráng nhưng quá trình thực hiện lại “đầu voi đuôi chuột”, ông Bốn thừa nhận Luật Trẻ em ban hành từ năm 2014, thực tế đến nay chưa xử lý được bao nhiêu. “Hiện chúng tôi đang tổng kết, nếu tồn tại do luật thì phải sửa luật, do thực hiện thì phải tổ chức lại thực hiện, chấn chỉnh, tăng cường tuyên truyền, giải thích, yêu cầu cơ quan quản lý đẩy mạnh các biện pháp. Nếu luật quy định mà không thực hiện được, không sát thực tế, vượt quá khả năng thực tế thì ta phải xem lại” - ông Bốn nhấn mạnh.

LÊ PHƯƠNG - MINH BẰNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/tiet-lo-doi-tu-tre-em-se-bi-phat-toi-50-trieu-dong-598059.ldo