Tiết lộ bí mật xây dựng kim tự tháp của người Ai Cập

Một phái đoàn nhà nghiên cứu Pháp và Anh mới đây phát hiện hệ thống vận chuyển các khối đá để xây dựng kim tự tháp thời kỳ triều đại Kheops. Sự phát hiện này cho phép các nhà khoa học giải nghĩa vì sao người Ai Cập cổ đại có thể vận chuyển những khối đá lớn bằng các thiết bị thô sơ lên vị trí cao như vậy.

Theo Le Figaro, nhóm các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Khảo cổ Phương Đông (Pháp) ở Cairo và Đại học Liverpool (Anh) đã phát hiện ra một hệ thống đường mà người Ai Cập cổ đại có thể đã sử dụng để vận chuyển đá xây dựng kim tự tháp. Tại một trong những mỏ đá gần Luxor, nơi người Ai Cập cổ đại khai thác đá Alabaster (một loại thạch cao được sử dụng để tạo ra tác phẩm điêu khắc, bát đĩa, những chiếc quách bằng đá, cũng như để ốp tường và lát sàn trong đền thờ), các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một đoạn đường dẫn có thể được sử dụng để vận chuyển các khối đá khổng lồ để xây kim tự tháp. Hệ thống bao gồm một đoạn đường nối trung tâm và sườn dốc với cầu thang và lỗ hổng ở hai bên. “Người Ai Cập có thể sử dụng các cọc gỗ quấn dây thừng chèn vào các lỗ hổng. Khối đá khổng lồ được cố định trên một chiếc xe giống như xe trượt tuyết bằng gỗ. Sau đó, các công nhân xây dựng kéo dây thừng và di chuyển các khối đá lên khỏi mỏ đá trên dốc khoảng 20 độ. Ước tính, con đường này có niên đại ít nhất là 4.500 năm”, nhà khoa học Yannis Gourdon nhận định.

Các kim tự tháp ở Ai Cập (ảnh: Getty)

Sự phát hiện trên đã củng cố những giả thiết trước đây của các nhà khoa học về việc người Ai Cập cổ đại sử dụng các hệ thống vận chuyển những khối đá nặng hàng tấn trong quá trình xây dựng Quần thể kim tự tháp Giza. Quần thể này bao phủ một khu vực rộng 55.000m2, bao gồm Đại Kim tự tháp Giza (còn gọi là Kim tự tháp Kheops hay Kim tự tháp Khufu được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại); Kim tự tháp Khafre (hay Kephren); Kim tự tháp Menkaure (hay Mykerinus), và một số công trình kim tự tháp cho vương phi và tượng nhân sư.

Trước đây, các nhà khoa học đã đưa ra ba kịch bản vận chuyển đá để xây dựng Đại Kim tự tháp Giza. Kịch bản thứ nhất là sử dụng hệ thống vận chuyển theo đường thẳng với độ nghiêng nhỏ có tỷ lệ từ 5 đến 10% và dài ít nhất một ki-lô-mét. Kịch bản thứ hai là một hệ thống đường dốc chạy xung quanh kim tự tháp (nhưng vẫn có những hạn chế kỹ thuật). Kịch bản cuối cùng là một hệ thống đường nằm bên trong Kim tự tháp. "Với sự khám phá trên, chúng tôi cho rằng, kịch bản thứ nhất đáng tin hơn cả”, ông Yannis Gourdon vui mừng nói. Tuy nhiên, ông Yannis Gourdon cũng không loại trừ khả năng khác do các nhà khảo cổ phát hiện những sườn dốc ở một số kim tự tháp khác.

Các nhà khoa học lâu nay vẫn dày công tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi, làm thế nào trong thời kỳ cổ xưa ấy, không có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại... con người lại có thể vận chuyển, chồng các khối đá để xây dựng các công trình vĩ đại như Kim tự tháp. Sau nhiều công sức tìm tòi, năm 2017, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được một cuộn giấy da cổ, là nhật ký làm việc của một đốc công thời xưa tên Merer - người chịu trách nhiệm quản lý một tổ gồm 40 công nhân lành nghề. Văn bản cổ này đã tiết lộ ít nhiều cách thức vận chuyển vật liệu của người Ai Cập cổ đại để xây dựng Đại Kim tự tháp Giza. Đại Kim tự tháp Giza chính là lăng mộ của Khufu-vị pharaoh thứ 2 của triều đại thứ 4 (cai trị Ai Cập từ năm 2609 trước Công nguyên tới năm 2584 trước Công nguyên). Tháp có độ cao ấn tượng 146,6m và là tháp lớn nhất trong tất cả các kim tự tháp ở Ai Cập. Công trình vĩ đại này được xây dựng từ 2,3 triệu khối đá, mỗi khối đá nặng từ 2 đến 30 tấn, có khối đá nặng 50 tấn. Giza được xây dựng trong 20 năm, sử dụng đá vôi địa phương ở Tora và đá granite lấy từ miền nam Ai Cập.

Văn bản cổ được tìm thấy cho biết, hàng ngàn lao động đã vận chuyển 170.000 tấn đá vôi dọc theo sông Nile bằng những chiếc thuyền gỗ, được níu với nhau bằng dây thừng. Hình ảnh chụp 3D cũng cho thấy những thuyền gỗ được chằng rất chặt bằng dây thừng và giúp chúng chịu được trọng lượng hơn 2 tấn của các tảng đá. Đá granite trong kim tự tháp được đào từ Aswan, cách đó hơn 800km và đá vôi chuyển từ Tura, cách đó 15km. Để vận chuyển những khối đá lớn xây dựng kim tự tháp Giza, người Ai Cập cổ đại đã biết lợi dụng sức nước, lực đẩy của nước. Ngoài dùng thuyền gỗ, người xưa còn sử dụng da dê và dây thừng làm thành phao nâng kéo các khối đá.

Đây là tài liệu trực tiếp đầu tiên nói về cách thức xây dựng kim tự tháp Giza. Nhà khảo cổ Mark Lehner cho biết, hiện các nhà nghiên cứu đã cho vẽ lại sơ đồ kênh đào và đây chính là hệ thống quan trọng nhất giúp đưa đá tới chân cao nguyên Giza.

PHƯƠNG LINH (theo Le Figaro, Le Monde)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tiet-lo-bi-mat-xay-dung-kim-tu-thap-cua-nguoi-ai-cap-555037