Tiết lộ bí mật cá nhân của trẻ em: Sẽ bị xử lý nặng

Sẽ phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với những hành vi như: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.

Đó là một trong những đề xuất nằm trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) soạn thảo, đang lấy ý kiến đóng góp đến 16/5.

Sẽ bị phạt nặng nếu tiết lộ thông tin, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên.

Sẽ bị phạt nặng nếu tiết lộ thông tin, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên.

Cụ thể, tại Điều 34 của Dự thảo, quy định chi tiết vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 40- 50 triệu đồng đối với một trong số các hành vi sau: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên. Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm tại điều này.

Phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng nếu bỏ, không chăm sóc con sau khi sinh

Tại Điều 22 của Dự thảo quy định về vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, sẽ xem xét phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình không chấp hành quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về việc hạn chế quyền của cha, mẹ; tách trẻ em khỏi cha, mẹ để bảo đảm an toàn và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Dự thảo nêu rõ: Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi quy định tại điều này. Buộc chấp hành quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có hành vi quy định.

Tại Điều 33 của Dự thảo này cũng quy định rõ: Vi phạm quy định về cấm cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em: Sẽ phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Phạt tiền đối với hành vi sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Không ghi chú về việc trẻ em không được sử dụng trên xuất bản phẩm, ấn phẩm, đồ chơi nếu xuất bản phẩm, ấn phẩm, đồ chơi có nội dung không phù hợp với trẻ em; không thông báo tuổi của trẻ em không được xem, nghe các chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh và các cuộc trình diễn nếu có nội dung không phù hợp với trẻ em; phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị.

Cũng theo Dự thảo, sẽ xem xét phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có một trong các hành vi vi phạm sau: Không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; không sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Đồng thời, không thực hiện yêu cầu xóa bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ trẻ em yêu cầu; không thiết lập cơ chế trực tuyến để tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại theo mức độ an toàn đối với trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em đối với các mạng thông tin…

Sẽ phạt tiền với mức từ 5-10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có một trong các hành vi vi phạm sau: Không có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em; đưa thông tin cá nhân của trẻ em lên mạng mà không có sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.

Theo Bộ LĐTBXH, ngày 29/10/1013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Nghị định được ban hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội; góp phần tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, và toàn thể nhân dân nói chung ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hạn chế tối đa vi phạm hành chính... Tuy nhiên, sau 3 năm thi hành Nghị định đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc và không bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể, hệ thống pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính đã có sự điều chỉnh, thay đổi. Một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực này làm cơ sở xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính mới được ban hành, sửa đổi bổ sung sau khi Nghị định số 144/2013/NĐ-CP được ban hành như Luật Việc làm (năm 2013), Luật giáo dục nghề nghiệp (năm 2014), Bộ luật hình sự (năm 2015)...

Luật trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2016 có nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ của đối tượng so với luật cũ. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung toàn diện các điều khoản quy định tại mục 2 Chương II Nghị định số 144/2013/NĐ-CP, để thống nhất quy định của Luật Trẻ em.

Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Bộ chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, qua báo cáo của các địa phương hầu hết cũng không tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em mà chủ yếu là ban hành các kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức liên quan khắc phục những thiếu sót, hạn chế hoặc chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật hình sự. Nguyên nhân của thực trạng này là xuất phát từ một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tiet-lo-bi-mat-ca-nhan-cua-tre-em-se-bi-xu-ly-nang-71104.html