Tiết kiệm quân nhân-hiệu quả lớn từ mô hình nhỏ

Trước đây, nhận được tiền phụ cấp hằng tháng, chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 574 (Quân khu 5) đều sử dụng 'trọn gói' cho tiêu dùng cá nhân, có người còn 'vung tay quá trán' tiêu xài hoang phí, thậm chí phải gọi điện cho người thân xin thêm tiền trả nợ trước khi xuất ngũ. Nhưng nay, hầu hết quân nhân của đơn vị đều có ý thức tiêu dùng hợp lý, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm.

Cứ đến ngày nhận phụ cấp, chiến sĩ lữ đoàn lại phấn khởi, khoe với nhau số tiền mình đã tiết kiệm được. Hạ sĩ Bnước Sưu (dân tộc Cơ Tu), đoàn viên Chi đoàn Đại đội công binh, quê xã Ba (Đông Giang, Quảng Nam), mỗi tháng nhận hơn 900.000 đồng phụ cấp, đã để dành 800.000 đồng. Hiện, Bnước Sưu đã tiết kiệm được hơn 12 triệu đồng. Cuối tháng 3 vừa qua, được nghỉ phép, Bnước Sưu rút toàn bộ số tiền trên về phụ giúp gia đình mua 1 bò mẹ và 1 con bê để phát triển kinh tế. Anh cho biết: “Ở đây điều kiện ăn ở, sinh hoạt được chăm lo chu đáo, mình chỉ mua vài thứ thiết yếu, như: Dầu gội đầu, kem đánh răng, xà phòng... phục vụ sinh hoạt cá nhân”.

Trao đổi kinh nghiệm tiết kiệm phụ cấp ở Đại đội 1, Tiểu đoàn Tăng 1, Lữ đoàn 574.

Trung sĩ, Tiểu đội trưởng Võ Minh Tú, Chi đoàn Đại đội 1, Tiểu đoàn Xe tăng 1, gia đình ở xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình Tú thuộc diện hộ nghèo, bố mất đã lâu, hai em còn nhỏ (một em học lớp 11, một em học lớp 3). Vì thế, trước khi nhập ngũ, Tú là lao động chính trong nhà. Để phụ giúp gia đình, hằng tháng Tú tiết kiệm 1.150.000 đồng. Đến nay, Tú đã dành dụm được hơn 15 triệu đồng, gửi về cho mẹ mở quán bán nước mía cải thiện cuộc sống.

Binh nhất Đào Quốc Cường, Chi đoàn Đại đội 2, Tiểu đoàn Thiết giáp 3 chia sẻ với chúng tôi rằng phong trào tiết kiệm ở đơn vị thực sự mang lại hiệu quả. “Đến nay, tôi đã hình thành thói quen chi tiêu phụ cấp một cách hợp lý, biết quý trọng sức lao động và tiết kiệm được khoản tiền hữu ích, khẳng định với gia đình về sự trưởng thành của mình sau thời gian học tập và rèn luyện trong quân ngũ”, Cường trải lòng.

Tham gia phong trào thực hành tiết kiệm do đoàn cơ sở đơn vị phát động, quân nhân có vợ và con nhỏ đều là những tấm gương tiêu biểu hướng cả tấm lòng về hậu phương xa xôi. Những phần kinh phí tiết kiệm đã giúp vợ con, gia đình trang trải khó khăn trước mắt. Đại tá Nguyễn Thanh Dũng, Chính ủy lữ đoàn cho biết: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuổi trẻ đơn vị triển khai nhiều phong trào, mô hình thi đua cụ thể, thiết thực, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đóng quân... mà còn góp phần giúp bộ đội sau khi xuất ngũ có chút vốn liếng để lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Tính ra, trong thời gian tại ngũ, mỗi chiến sĩ tiết kiệm được trên dưới 10 triệu đồng, cộng với các khoản trợ cấp khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chắc chắn sẽ góp lại thành khoản tiền đáng kể...”.

Là đơn vị thuộc “Binh chủng thép” làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, nhiều chiến sĩ của Lữ đoàn 574 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để vơi bớt gánh nặng cho gia đình, giúp quân nhân yên tâm công tác, nắm thông tin từ các lần đối thoại dân chủ, đoàn cơ sở tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn phát động Phong trào “Tiết kiệm phụ cấp vì ngày mai lập nghiệp” nhằm xây dựng ý thức thực hành tiết kiệm phụ cấp giúp người thân trong lúc ngặt nghèo và tích cóp một phần vốn làm ăn khi xuất ngũ trở về địa phương. Được tuyên truyền, giáo dục, thấy rõ ý nghĩa, tác dụng của phong trào, 100% cán bộ, đoàn viên đăng ký tham gia. Không chỉ có hạ sĩ quan-binh sĩ năm thứ nhất, thứ hai, mà ngay cả chiến sĩ mới cũng nhiệt tình hưởng ứng. Mỗi tháng, người ít cũng dành dụm được 200.000 đồng, người nhiều hơn 1 triệu đồng. Đến kỳ nhận phụ cấp, đoàn viên, thanh niên nộp tiền theo hạn mức đã đăng ký cho ban chấp hành chi đoàn. Các chi đoàn tổng hợp danh sách, số tiền cụ thể (có xác nhận của chỉ huy đơn vị) nộp về đoàn cơ sở. Đoàn cơ sở liên hệ với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trên địa bàn đóng quân, mở sổ tiết kiệm. Hằng tháng, ngân hàng gửi bảng kê thông báo số tiền tiết kiệm và tiền lãi đến từng quân nhân. Cá nhân có việc đột xuất cần sử dụng, đoàn cơ sở sẽ liên hệ với ngân hàng để rút tiền. Khi quân nhân xuất ngũ, ngân hàng trực tiếp bàn giao sổ tiết kiệm và tiền (cả gốc lẫn lãi) kèm theo. Quá trình thực hiện rất thuận tiện, nhanh chóng và an toàn.

Thượng úy Nguyễn Văn Thuyên, Trợ lý thanh niên, Phó bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 574 khẳng định: “Phong trào tạo ra hiệu quả kép: Hình thành kỹ năng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, biết chăm lo cho cuộc sống hiện tại, tương lai của gia đình quân nhân; đồng thời góp phần ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng vi phạm kỷ luật, nợ nần hàng quán, tiêu xài lãng phí".

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/tiet-kiem-quan-nhan-hieu-qua-lon-tu-mo-hinh-nho-538813