Tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp: Nhất cử nhiều lợi

Việc tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (TT, TKN) trong sản xuất nông nghiệp là một xu hướng sản xuất của một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến mang lại nhiều lợi ích về hiệu quả kinh tế lẫn môi trường. Thế nhưng việc ứng dụng hệ thống tưới TT, TKN không phải nông dân nào cũng nhận thức được và có khả năng về nguồn vốn để đầu tư.

Thoát nghèo nhờ tưới tiết kiệm nước

Cho đến tận bây giờ, ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú cũng chẳng thể ngờ vùng đất cát trắng, cằn khô như sa mạc ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận quê hương ông lại có thể canh tác được. 55ha đất cát của 64 thành viên HTX từ vài năm trở lại đây đã được phủ xanh bởi măng tây, cải trắng, lạc.

Ông Hùng Ky chia sẻ: "Nếu không có hệ thống thủy lợi của Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ HTX đầu tư hệ thống tưới TT, TKN thì phần lớn diện tích vùng đất cát bạc màu này đành phải để hoang hóa, chẳng thể sản xuất được, nói gì đến chuyện thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ấy thế mà nhờ được hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới TT, TKN, HTX chúng tôi đã sản xuất được. Không những thế, hệ thống tưới này còn giúp tiết kiệm ngày công lao động, tiết kiệm vật tư nông nghiệp, từ đó lợi nhuận của người dân được tăng lên".

 Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước vào sản xuất dưa lưới tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, tỉnh Hà Nam. Ảnh: NGHINH XUÂN

Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước vào sản xuất dưa lưới tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, tỉnh Hà Nam. Ảnh: NGHINH XUÂN

Gia đình chị La Thị Hoa, xã An Hải, trước đây là hộ nghèo, từ khi tham gia HTX, áp dụng tưới TKN, gia đình chị đã thoát nghèo. Tính riêng 2,5 sào măng tây, mỗi năm gia đình chị thu hoạch hơn 3 tấn, thu nhập 112 triệu đồng. Không chỉ gia đình chị Hoa, gia đình các chị: Báo Thị Úc, Kiều Thị Số, Thị Kỳ... ở cùng xã cũng vươn lên thoát nghèo nhờ trồng măng tây.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay diện tích cây trồng cạn có tưới TT, TKN trên cả nước đạt khoảng 529.000 ha, vượt 6% so với kế hoạch đề ra. Việc áp dụng tưới TT, TKN trên cây trồng cạn đến nay được áp dụng ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các vùng phát triển tưới TT, TKN cụ thể như: Đông Nam Bộ 181.000 ha, Tây Nguyên 142.000 ha, Đồng bằng sông Cửu Long 111.000 ha, Nam Trung Bộ 44.000 ha, Bắc Trung Bộ 9.000 ha. Công nghệ tưới phun mưa chiếm 82%, tưới nhỏ giọt chiếm 17%, nhà lưới, nhà kính chiếm 1%. Phần lớn công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ từ nước ngoài: Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tỷ lệ tưới TT, TKN cho cây trồng lâu năm chiếm 62% gồm các cây: Cà phê, chè, hồ tiêu; nhóm cây ăn quả: Cam, xoài, chuối, thanh long; nhóm cây hằng năm: Mía, ngô là 22%; rau, hoa chiếm 16%.

Ông Lương Văn Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Áp dụng tưới TT, TKN không chỉ giúp tiết kiệm nước, đất so với tưới truyền thống 10-80% mà còn giúp tăng năng suất cây trồng 10-50%, giảm chi phí nhân công lao động để tưới và chăm sóc 10-90%, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp 10-30%, thu nhập của người dân tăng 10-50%. Đồng thời, áp dụng tưới TT, TKN còn rất hiệu quả trong việc ứng phó với hạn hán, thiếu nước do tác động của biến đổi khí hậu. Việc áp dụng tưới TT, TKN cho cây trồng còn góp phần bảo vệ môi trường.

Mặc dù vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra nhưng TT, TKN chưa thu hút được sự vào cuộc mạnh mẽ của khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp, HTX. Số lượng doanh nghiệp quan tâm ứng dụng công nghệ tưới TT, TKN còn hạn chế; giá thành công nghệ, thiết bị tưới còn cao so với thu nhập của phần lớn người dân trong khi thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lại luôn biến động với nhiều rủi ro, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất ổn định, ông Lương Văn Anh thẳng thắn nhận xét.

Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ để nông dân

Được biết, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới TT, TKN đạt 700.000-800.000 ha, tương ứng khoảng 30% diện tích cây trồng cạn. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng nước tưới, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Lương Văn Anh cho biết, ngành thủy lợi sẽ tiếp tục nghiên cứu quy trình công nghệ tưới TT, TKN cho các cây trồng cạn chủ lực, có lợi thế, có thị trường theo vùng, miền; ban hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, ban hành các sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, các thiết kế mẫu, mô hình mẫu phục vụ phát triển tưới TT, TKN cho cây trồng chủ lực.

Để khuyến khích hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp áp dụng tưới TT, TKN thời gian tới rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn như nguồn vốn tín dụng để đầu tư hệ thống tưới TT, TKN, có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản được sản xuất từ việc áp dụng tưới TT, TKN. Việc khuyến khích, hỗ trợ áp dụng hệ thống tưới TT, TKN còn hỗ trợ thiết thực đối với ngành nông nghiệp phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Lợi ích từ việc ứng dụng tưới TT, TKN trong sản xuất nông nghiệp là rất rõ; đặc biệt là ở các vùng thường xuyên khô hạn, thiếu nước và trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các thành phần kinh tế; tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức; đồng thời tạo được cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân. Từ đó, người dân sẽ có sự quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống tưới TT, TKN, sử dụng hiệu quả nguồn nước.

NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiet-kiem-nuoc-trong-san-xuat-nong-nghiep-nhat-cu-nhieu-loi-683678