Tiết kiệm chục tỷ hay sức khỏe triệu người?

Trước ý kiến về việc nên bỏ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm vì chi phí cho việc này rất tốn kém và mất thời gian, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, không nên đánh đổi sức khỏe với bài toán kinh tế.

Một số chuyên gia cho rằng, công bố hợp quy an toàn thực phẩm (ATTP) gây tốn hàng chục tỷ đồng và mất hàng triệu công lao động nên cần bỏ quy định này. Hơn nữa, thực phẩm bao gói sẵn, nhập từ bên ngoài, ít có khả năng gây ngộ độc, các vụ ngộ độc chủ yếu là do thức ăn ở bếp ăn tập thể, đường phố nên sản phẩm này cũng không cần công bố hợp quy, trước khi được đưa ra thị trường. Việc cấp giấy chứng nhận trên, khiến doanh nghiệp dễ bị “làm khó”.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, có thể số tiền bỏ ra để chi phí cho các vấn đề liên quan trên là đúng nhưng nếu là bài toán kinh tế, phải tính hiệu quả của nó. Nếu hiệu quả là con số không thì đáng nói, còn nhờ có quy định về sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, do phải công bố hợp quy, là tránh được ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng thì chi như thế, thậm chí hơn, cũng nên làm. Bởi trước đây, có nghiên cứu khẳng định, chi 1 đồng về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, có thể tiết kiệm được 48 đồng cho điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Về ý kiến cho rằng sản phẩm bao gói sẵn không phải là “thủ phạm” chính gây ngộ độc thực phẩm mà chủ yếu do bếp ăn tập thể, TS Phong bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo ông Phong, ngộ độc từ bếp ăn tập thể, đường phố là ngộ độc cấp tính. Còn ngộ độc mạn tính vì thức ăn, có thể là do sản phẩm bao gói sẵn, vượt ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kim loại năng như chì, đồng… thì cũng rất nguy hiểm. Thức ăn chứa các chất trên, khi gây ngộ độc mạn tính, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, thậm chí giống nòi, dễ gây ra các bệnh nan y. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có trên 1.500 ca mắc ung thư mới, trong đó khoảng 35% số ca mắc liên quan đến ATTP.

Theo Cục ATTP, tại Việt Nam vẫn nên thực hiện tiền kiểm và hậu kiểm sản phẩm thực phẩm. Ảnh minh họa

Bởi thế, TS Phong cho rằng, cần thực hiện các thủ tục thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng điều này không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý. Trong vấn đề quản lý ATTP ở nước ta, vẫn cần thiết thực hiện 2 bước là tiền kiểm và hậu kiểm, chứ chưa thể áp dụng 1 hình thức hậu kiểm như một số quốc gia tiên tiến như Nhật, Singapore…

Nguyên nhân, theo ông Phong là ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của người dân còn hạn chế. Trong số hơn 500.000 cơ sở thực phẩm ở nước ta, 85% cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ. Vẫn còn tình trạng người dân trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng, 1 để bán và 1 để ăn; bơm tạp chất vào tôm; sử dụng chất vàng ô, có thể gây ung thư, để làm đẹp da gà, đẹp măng cho dễ bán. Hơn nữa, nguồn lực để thực hiện hậu kiểm rất hạn chế.

“Tại Nhật họ có 12.000 thanh tra chuyên ngành về ATTP, còn ở Việt Nam chỉ có vài trăm người. Hằng năm quốc gia này bỏ ra số tiền lớn để mua mẫu hậu kiểm, trong khi đó, kinh phí thực hiện ATTP ở Việt Nam hạn chế. Đến quý 3/2017, Cục ATTP mới được tạm ứng 1/3 số kinh phí hoạt động liên quan đến vấn đề ATTP của năm 2016”, TS Phong chia sẻ.

Minh Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/tiet-kiem-chuc-ty-hay-suc-khoe-trieu-nguoi-post31816.html