Tiết kiệm 7 năm thanh xuân, các bạn trẻ hứng thú với Giáo dục 9 +

'Cháu thấy học xong cấp III, nhiều bạn khi ra trường không có nghề nghiệp để làm, chính vì vậy cháu chọn học nghề luôn từ bây giờ, rút ngắn được 7 năm chú ạ '.

“Cháu thấy thi vào cấp III, học xong nhiều bạn khi ra trường vẫn không có nghề nghiệp để làm, chính vì vậy cháu chọn học nghề luôn từ bây giờ chú ạ.

Cháu cũng đã tìm hiểu về mô hình “đào tạo kép” 9 + và thấy cũng rất hay, chỉ trong 3 năm là cháu vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa cấp III, vừa có tay nghề giỏi.

Trong thời gian đó lại còn được học tiếng và giao tiếp hàng ngày với các thầy cô người nước ngoài, như vậy nhanh hơn tới 7 năm so với tốt nghiệp Đại học rồi mới quay lại học nghề, học tiếng.

Tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền của bố mẹ, hơn nữa cháu lại được chủ động vì có nghề trong tay và còn được làm nghề mình yêu thích.

Mong muốn của cháu là làm nghề chăm sóc sắc đẹp, cháu có dự định sẽ sang Canada hoặc Hàn Quốc để làm nghề, bên đó họ coi trọng nghề này và có thu nhập rất tốt”, cô bé Trần Thị Hồng Thắm - Trường Trung học cơ sở Lý Nam Đế, Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Chị Phạm Thu Hường và con gái Trần Thị Hồng Thắm - Trường Trung học cơ sở Lý Nam Đế. Ảnh: Tùng Dương.

Chị Phạm Thu Hường và con gái Trần Thị Hồng Thắm - Trường Trung học cơ sở Lý Nam Đế. Ảnh: Tùng Dương.

Xu hướng vừa học văn hóa vừa học nghề đang là một hướng đi được rất nhiều các bạn trẻ lựa chọn, với chung một suy nghĩ rất thực tế, hợp với sự phát triển của xã hội là được lựa chọn và làm nghề mà mình yêu thích.

Điều này cũng hợp với thực tế hiện nay rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học không có việc làm, rất nhiều em đã quay lại học nghề, mặc dù hơi muộn nhưng còn hơn là thất nghiệp.

Phụ huynh nghĩ gì?

Chị Phạm Thu Hường ở quận Từ Liêm chia sẻ: “Tôi và con gái đã đến tham quan Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long, tôi thấy đây là mô hình rất hay, các cháu không phải học sách vở nhiều mà được tiếp xúc với thực tế, chính điều đó khiến cho các cháu rất thích, mà đã thích thì các cháu sẽ tự học tập, gia đình không phải nhắc nhở.

Ngay như phần học ngoại ngữ, các cháu được tiếp xúc và nói chuyện hàng ngày nên kĩ năng nghe nói của các cháu tiến bộ trông thấy, rất khác với những buổi học ngoại ngữ trên lớp, khô cứng thiếu không khí sôi nổi. Học ngoại ngữ mà không thoải mái thì khó học lắm”.

Cùng chung quan điểm trên, anh Nguyễn Văn Hùng ở Hà Đông, Hà Nội cho biết: “ Tôi có đến trường tham quan mấy buổi rồi, các thầy cô rất nhiệt tình, giao tiếp gần gũi nên các cháu cũng cảm thấy không gò bó, hứng thú tự tin trong học tập.

Tôi thấy đào tạo nghề như thế cũng rất hay, các cháu vẫn học văn hóa bình thường mà lại còn có nghề trong tay, xã hội cũng cần phải có thợ chứ ai cũng làm nghiên cứu thì lấy ai làm thực hành. Như vậy cũng là cân đối cung cầu thực tế của xã hội thôi.

Học xong mà nhà trường lại còn bố trí hoặc giới thiệu việc làm luôn cho các cháu thì tôi thấy không còn gì bằng, nếu các cháu cứ đơn thuần học Đại học ra vẫn còn thất nghiệp, rồi lại phải đi học nghề từ đầu thì tôi thấy rất lãng phí cả kinh tế của gia đình cũng như công sức của các cháu.

Với mô hình học như thế này, các cháu có tay nghề và trong quá trình học lại được trải nghiệm nhiều ở trường và tại các doanh nghiệp, điều đó cũng làm cho các cháu tự lập hơn, tự hình thành định hướng nghề nghiệp cho tương lai”.

Nói chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Lan ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Theo tôi nên để các cháu tự quyết định học nghề hay học Đại học, các cháu cũng lớn, suy nghĩ cũng cập nhật hơn nên sự lựa chọn của các cháu cũng sát với thực tế.

Hơn nữa các cháu được làm những nghề mình thích thì sẽ dễ đạt được thành công hơn.

Tôi cũng khuyên cháu là con xem năng lực học của con đến đâu thì con cân nhắc, nếu cảm thấy không thích học cao hơn mà thích học nghề thì con cứ mạnh dạn, bố mẹ ủng hộ hoàn toàn.

Cháu nó cũng nói: “Mẹ ạ, bây giờ mà con học xong cấp 3, xong lại học Đại học thêm 4 năm nữa thì nó cũng phí. Mà vào Đại học xong con lại không thích ngành nghề đấy thì lại phải học nghề lại từ đầu.

Vậy nên mẹ cứ cho con học nghề mà con thích. Vì thế năm nay cháu không thi vào lớp 10 mà chọn học văn hóa kết hợp dạy nghề”.

Các em học sinh Việt Nam tìm hiểu du học và học nghề tại Đức. Ảnh: Tùng Dương.

Cũng theo chị Lan: “Các cháu đã lớn, mình nên tôn trọng quyết định của con chứ không nên áp đặt con phải thế này, phải thế kia.

Cháu nó cũng tự tìm hiểu rồi đưa tôi đến trường tham quan, cháu trình bày muốn học tiếng này, muốn học nghề kia, tôi thấy hợp lý và cũng hoàn toàn nhất trí.

Tôi cũng nói với cháu, đây là sự lựa chọn của con và mẹ thấy xu hướng này cũng tốt, vậy con cứ chọn và con phải tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, đây là tương lai của con chứ không phải tương lai của mẹ. Mẹ chỉ định hướng còn con là người quyết định.

Cháu nhà tôi chọn nghề Quản trị và điều hành du lịch, cháu nó thích nghề này từ nhỏ. Ý định sau 3 năm cháu có kiến thức tốt cộng với vốn ngoại ngữ đã được học trong trường, cháu sẽ mở một Công ty du lịch”.

Xu hướng Quốc tế

Giáo sư Andreas Stoffers - Giảng viên chuyên ngành Quản lý Quốc tế, tại Đại học SDI - Munich, đồng thời là Thành viên Ủy ban Kinh tế Đối ngoại, Phòng Thương mại Munich - Đức chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:

“Một điểm sáng của hệ thống Giáo dục Đức là “đào tạo nghề kép” bên ngoài các trường Đại học.

Ở Đức, những người trẻ tuổi có định hướng thực tiễn không cần phải học tại một trường Đại học để tạo dựng sự nghiệp.

Người ta chỉ cần đào tạo nghề trong lĩnh vực thủ công hoặc thương mại. Vì đây là "đào tạo kép", người học nghề học lý thuyết tại trường dạy nghề và thực hành tại các doanh nghiệp.

Khi học xong, họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ với trình độ và năng lực thực hành cao, thậm chí có thể kiếm nhiều tiền hơn so với sinh viên tốt nghiệp Đại học.

Bản thân tôi, một người quản lý 18 năm làm việc tại Deutsch Bank. Trong khu vực của tôi, hầu hết những người quản lý chi nhánh chỉ có bằng đào tạo nghề và không có bằng Đại học.

Nhưng họ làm việc rất tốt và cơ hội thăng tiến tại ngân hàng cũng tương tự như những người tốt nghiệp Đại học. Kết hợp nghiên cứu, lý thuyết, giáo dục và thực hành phù hợp: Đó là bí mật thành công của nền kinh tế Đức”.

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tiet-kiem-7-nam-thanh-xuan-cac-ban-tre-hung-thu-voi-giao-duc-9-post198579.gd