Tiết học đặc biệt và bài giảng ươm mầm cho tình yêu biên giới

Bên cột mốc 591, học trò Trường TH và THCS Hướng Việt (Quảng Trị) say sưa lắng nghe thầy giáo quân hàm xanh giới thiệu về chủ quyền biên giới.

 Giữa cái nắng oi nồng đầu tháng 4 của miền biên Quảng Trị, bên cột mốc biên cương 591 (ranh giới giữa hai nước Việt - Lào), những cô cậu học trò Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) say sưa lắng nghe thầy giáo quân hàm xanh giới thiệu về chủ quyền biên giới.

Giữa cái nắng oi nồng đầu tháng 4 của miền biên Quảng Trị, bên cột mốc biên cương 591 (ranh giới giữa hai nước Việt - Lào), những cô cậu học trò Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) say sưa lắng nghe thầy giáo quân hàm xanh giới thiệu về chủ quyền biên giới.

Lớp học ngay tại cột mốc

Con đường từ Đồn Biên phòng Hướng Lập vào cột mốc 591 tương đối đẹp và không quá khó đi, khắp dọc đường, nhiều loài hoa rừng mọc dại đang nở trắng. Chiếc xe bán tải vẫn đôi lúc lắc sang trái rồi lại nghiêng sang phải làm chúng tôi được một phen “uốn theo đường cong”. Xe dừng trước trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Phụ Tà Rùng. Vừa xuống xe, tôi đã nghe thấy tiếng xôn xao từ một góc rừng biên giới. Hỏi ra mới biết, những thanh âm đó truyền ra từ một lớp học đặc biệt… Âm thanh đó khiến tôi không tránh khỏi sự hào hứng và tò mò, tôi nhanh chóng vác "đồ nghề", lao về hướng của lớp học... Đó quả thật là một lớp học đặc biệt. Thầy giáo là bộ đội biên phòng và lớp học diễn ra ngay bên cạnh cột mốc, khu vực biên giới giữa Việt Nam với nước anh em Lào. Tiết học được cả thầy và trò gọi là “Tiết học biên giới”.

Hôm nay, Thiếu tá Phạm Quang Lưu, Phó trưởng Ðồn Biên phòng Hướng Lập trực tiếp giảng dạy các em học sinh về chủ quyền biên giới. Tiếng thầy giáo Lưu cất lên, “Các em có biết đây là gì không nào?”. “Dạ, là cột mốc biên giới ạ” - các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt đồng thanh trả lời. Thiếu tá Phạm Quang Lưu hào hứng giới thiệu với tất cả học sinh: “Đúng rồi! Đây là cột mốc biên giới số 591 trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào do Đồn Biên phòng Hướng Lập quản lý. Từ giữa tâm mốc về phía mặt có chữ Việt Nam là đất nước thân yêu của chúng ta; mặt có chữ Lào là phía nước bạn. Chúng ta chỉ bước nửa bước chân qua bên đó là đã vi phạm chủ quyền biên giới”.

Buổi học kết thúc sau khoảng 45 phút. Lúc này, tôi mới có cơ hội trò chuyện với Thiếu tá Lưu. Thiếu tá cho biết, “Tiết học biên giới” được xuất phát từ ý tưởng muốn nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật và để cho các em học sinh có cái nhìn tổng quát về thực tế. Chính vì vậy, trong những năm qua, đồn biên phòng đã triển khai mô hình tiết học biên giới với các trường học nằm trên địa bàn đóng quân của đơn vị. Có rất nhiều hoạt động khi triển khai mô hình “Tiết học biên giới” để truyền đạt những kiến thức cho học sinh. Ví dụ giảng bài ở lớp học thông qua phương tiện thông tin trực tuyến và trực tiếp; đưa học sinh ra thực địa tham quan cột mốc, thậm chí bố trí cho các em đi tuần tra cùng với bộ đội trên những đoạn đường biên thuận lợi.

Thiếu tá Phạm Quang Lưu cho biết, khi có tiết học biên giới ngoài thực địa cột mốc, cán bộ biên phòng thường chuẩn bị chương trình, giáo án kỹ càng. Với những nội dung liên quan đến vấn đề pháp lý, phải trang bị đầy đủ các kiến thức pháp luật cần thiết để giảng giải cho các em với nội dung chính xác theo các quy định của pháp luật. “Cách thức của chúng tôi là làm sao vận dụng kiến thức pháp luật, truyền đạt cho các em một cách nhẹ nhàng và dễ dàng tiếp thu. Anh em phải chuẩn bị rất công phu thông qua những bài giảng thực tế, giáo án điện tử, hình ảnh trực quan sinh động…”, thầy giáo quân hàm xanh chia sẻ.

Ươm mầm tình yêu biên giới

Nhiều năm nay, mô hình “Tiết học biên giới” đã được các đồn biên phòng ở Quảng Trị phối hợp với nhà trường trên địa bàn thực hiện có hiệu quả. Thông qua cách làm sáng tạo này, những người lính biên phòng đã trực tiếp tuyên truyền cho các em học sinh kiến thức cơ bản về chủ quyền, an ninh biên giới, từ đó, xây dựng ý thức trách nhiệm cho các em biết trân trọng, bảo vệ sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Lớp học diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, sự tương tác qua lại giữa thầy và trò khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi ấn tượng với em Hồ Trà My, cô bé người dân tộc Vân Kiều. Ngay từ lúc có mặt tại lớp học, tôi nhận thấy ở Trà My một sự hào hứng đặc biệt với những bài giảng của thầy giáo Lưu. Hồ Trà Mỹ nói to và rõng rạc sau khi kết thúc buổi học: “Chúng em đã biết đâu là ranh giới của nước bạn Lào, đâu là của Việt Nam”. Cô bé cũng cho biết, mình và các bạn đã phần nào hiểu được những hy sinh, vất vả của các chú bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc; rằng không nên tùy tiện qua lại hai bên, không kết hôn phạm pháp và từ nay các em sẽ không còn đi lạc đường nữa.

Em Hồ Trà My.

Đứng bên cột mốc 591, em Hồ Trà My chia sẻ: Thời gian qua, các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Lập đã được các thầy giáo quân hàm xanh giảng dạy về cách nhận biết đường biên giới; quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu; thăm nơi ăn, ở, sinh hoạt của các chiến sĩ biên phòng ở chốt kiểm soát phòng chống dịch. “Chúng em hiểu việc bảo vệ cột mốc là nhiệm vụ của mọi người, kể cả học sinh, thầy cô giáo, các chú bộ đội và mọi người dân Việt Nam”, Hồ Trà My nói.

Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Lập (mặc áo dài vàng).

Cùng tham gia lớp học ngay tại chân cột mốc biên giới, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hướng Việt cho biết, từ hơn 3 năm nay, nhà trường và đồn biên phòng đã cùng triển khai mô hình này. Những “Tiết học biên giới” giúp cô và trò hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến biên giới, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam với các nước láng giềng. Đặc biệt, việc triển khai mô hình lớp học thực tiễn sinh động giúp tạo hứng thú cho học sinh học tập, tìm hiểu về kiến thức lịch sử, địa lý hiệu quả. Bản thân các em học sinh khi tham gia chương trình rất hào hứng. “Không chỉ đưa học sinh đến thực địa tìm hiểu về cột mốc, cán bộ chiến sĩ biên phòng còn thường xuyên đến trường giảng dạy thêm cho các em kiến thức pháp luật, chủ quyền biên giới quốc gia, đấu tranh và phòng chống các tệ nạn xã hội; phòng, chống tội phạm ma túy, nạn mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới...”, cô Phụng nhấn mạnh.

Những tuyên truyền viên nhí

Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bô đội Biên phòng Quảng Trị - đánh giá, trong số các hoạt động phối hợp giữa bộ đội biên phòng với nhiều ban ngành thì chương trình cùng ngành giáo dục đạt kết quả rất tốt, tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, như vận động đưa trẻ đến trường, nâng bước em đến trường, con nuôi đồn biên phòng. Đặc biệt, từ tháng 12/2016, xuất phát từ sáng kiến của Đồn Biên phòng La Lay, mô hình “Tiết học biên giới” được nhân rộng. Ban đầu là giảng dạy tại các lớp để học sinh hiểu về quy định pháp luật, về Luật Biên giới cũng như các kiến thức về đường biên, cột mốc. Sau đó, mô hình phát triển hơn, Đồn Biên phòng cùng các thầy, cô giáo tổ chức cho học sinh lên thực địa để hình dung, dễ tiếp thu và chứng kiến ngay các hoạt động của Bộ đội biên phòng.

Nội dung các tiết học biên giới chủ yếu cung cấp thông tin về lịch sử cũng như mục đích, ý nghĩa của hệ thống đường biên, cột mốc trên địa bàn mà đơn vị quản lý; trách nhiệm và vai trò của quần chúng nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị nhấn mạnh: “Các em học sinh chính là những tuyên truyền viên ngay trong gia đình cũng như bản làng thông qua kiến thức đã được giảng dạy ở thực địa, sau này trở thành những công dân tốt, có ích và cùng với Bộ đội biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Hiện nay, tất cả các đồn biên phòng của tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện mô hình này”. Những bài học từ thực địa không chỉ giúp học sinh nắm bắt kiến thức về lịch sử mà còn góp phần hình thành lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giúp các em hiểu được giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ để từ đó tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiet-hoc-dac-biet-va-bai-giang-uom-mam-cho-tinh-yeu-bien-gioi-142185.html