'Tiết học biên cương'

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn được giao nhiệm vụ bảo vệ 23,292 km đường biên giới với 9 cột mốc, tiếp giáp với cụm bản Sốp Hào, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn quản lý một trạm cửa khẩu, 7 bản với 889 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 94%.

Các em học sinh Trường THCS Tén Tằn đến thăm Trạm Kiểm soát liên hợp số 2 bờ Nam sông Mã, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn.

Một ngày cuối năm, khi những cánh hoa đào đang e ấp chuẩn bị hé nở, báo hiệu một mùa xuân đến, thì ở một góc rừng biên giới Mường Lát, tiếng Thượng úy Lò Văn Hậu, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm soát cửa khẩu Tén Tằn vang vang: “Các em có biết đây là gì không nào?”. “Dạ, là cột mốc biên giới ạ!” – các em học sinh Trường THCS Tén Tằn cùng trả lời làm xôn xao cả một góc rừng già. Tiến lại gần cột mốc biên giới, Thượng úy Hậu vui vẻ giới thiệu: “Đúng rồi! Đây là cột mốc biên giới số 281 trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn quản lý. Từ giữa tâm mốc về phía mặt có chữ Việt Nam là đất nước thân yêu của chúng ta; mặt có chữ Lào là phía nước bạn. Chúng ta chỉ bước nửa bước chân qua bên đó là đã vi phạm chủ quyền biên giới”.

Nhìn các em nhỏ chăm chú lắng nghe, tỏ vẻ thích thú khi được mắt thấy, tay sờ cột mốc biên giới, chủ quyền lãnh thổ... Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, chia sẻ: Trong những năm qua cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn luôn đổi mới hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn. Qua công tác tuyên truyền đó chúng tôi thấy được các em học sinh trên địa bàn đơn vị phụ trách còn thiếu những kiến thức cơ bản liên quan đến đường biên, cột mốc. Từ thực tế đó, ngay từ đầu năm, đơn vị đã phối hợp với các trường học trên địa bàn triển khai hoạt động ngoại khóa “Tiết học biên cương” nhằm giới thiệu về công tác bảo vệ biên giới quốc gia, truyền đạt các kiến thức về biên giới, lãnh thổ, như: Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam; phổ biến các tác hại của ma túy và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; một số nội dung cơ bản trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới; quy chế, hiệp định biên giới; Luật Biên giới quốc gia; nạn mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

Qua đó, giúp các em hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhân dân vùng biên, các quy định của pháp luật khi ra vào khu vực biên giới, từ những kiến thức đó, các em học sinh sẽ nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, tích cực tham gia phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... Đặc biệt, thông qua “Tiết học biên cương”, các em học sinh hiểu biết thêm về công việc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, trở thành một “tuyên truyền viên” tích cực tuyên truyền đến gia đình và người thân của mình.

Đứng bên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, vừa nghe các chiến sĩ biên phòng giới thiệu về cột mốc, đường biên giới, em Lương Thị An, học sinh lớp 9A, Trường THCS Tén Tằn, hồ hởi cho biết: “Gia đình em ở bản biên giới. Hôm nay, chúng em được các chú bộ đội biên phòng giảng dạy về cách nhận biết đường biên giới trên bản đồ; trực tiếp tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, thủ tục giấy tờ bắt buộc khi người, phương tiện qua lại biên giới; tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới; đến thăm nơi ăn, ở sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chức năng đang ngày đêm chốt chặn kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19... Qua buổi học này, chúng em hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia. Từ đó, ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc...”.

Cùng hòa mình với niềm hứng khởi của các em học sinh với chương trình ngoại khóa “Tiết học biên cương”, thầy Cao Xuân Hợi, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tén Tằn chia sẻ: Việc đưa “Tiết học biên cương” vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh là rất cần thiết. Qua đó, giúp các em được trang bị những khái niệm, kiến thức về biên giới, lãnh thổ, về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với những kiến thức có được qua tiết học, các em còn là những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền trực tiếp đến gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư tại thôn, bản. Từ đó, người dân có sự tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên cương của Tổ quốc.

Thực tế cho thấy, mô hình “Tiết học biên cương” của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn đã trực tiếp giúp các em học sinh trên địa bàn biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu hơn về đường biên, mốc giới, quốc giới; xác định được trách nhiệm của bản thân và cộng đồng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Đây không chỉ là một biện pháp vận động quần chúng mà còn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để các em học sinh hiểu rõ hơn về cuộc sống, chiến đấu của những người lính biên phòng, từ đó nhân lên tình yêu biên cương Tổ quốc ở các em.

Bài và ảnh: Tiến Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/tiet-hoc-bien-cuong/131502.htm