Tiếp vụ lãnh đạo Công ty Vĩnh Cát bị tố lừa đảo: Kỳ lạ trung tâm hàn không biết cấp chứng chỉ cho những ai?

Vừa qua, báo Pháp luật Việt Nam có loạt bài viết phản ánh người lao động 'tố' bị lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Cát (gọi tắt là Công ty Vĩnh Cát) lừa đảo xuất khẩu lao động sang Slovakia.

Trung tâm hàn công nghệ cao Hà Nội

Trung tâm hàn công nghệ cao Hà Nội

Càng đi sâu vào tìm hiểu quy trình đưa người lao động đi nước ngoài của lãnh đạo công ty Vĩnh Cát thì càng nhiều điều bất ngờ. Nơi các lao động được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ nghề hàn lại phủ nhận hoàn toàn sự liên quan, thậm chí còn không lưu danh sách, thông tin của các học viên.

Người lao động được đào tạo ở đâu?

Theo thông tin người lao động cung cấp, phóng viên tìm đến Trung tâm Hàn công nghệ cao Hà Nội có địa chỉ tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội để tìm hiểu về việc liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ tay nghề hàn cho người lao động.

Phiếu thu tiền ghi rõ nội dung nộp tiền thi tuyển của Công ty Vĩnh Cát do học viên lưu giữ lại

Căn cứ trên tờ phiếu thu tiền mà người lao động còn lưu giữ được, Trung tâm hàn này đã thu số tiền 400.000 đồng của anh Bùi Văn Tùng vào ngày 29/10/2018 với lý do thu là “Nộp tiền thi tuyển Công ty Vĩnh Cát ngày 29/10”.

Khi phóng viên vào phòng làm việc của trung tâm, rất nhiều cán bộ ở đây khi nghe nhắc đến những cái tên “Vân, Hòa, Vĩnh Cát” thì đều tỏ ra quen thuộc, không mấy xa lạ. Thậm chí có người còn biết rõ bà Vân hiện đã chuyển công tác qua công ty khác.

Trung tâm Hàn phối hợp đào tạo với lãnh đạo Cty Vĩnh Cát bằng thỏa thuận miệng

Khi phóng viên đề cập đến việc muốn tìm hiểu về các học viên được đào tạo tại Trung tâm này để xuất khẩu lao động sang Slovakia, nhân viên tại Trung tâm này khẳng định Công ty Vĩnh Cát đào tạo thuê tại đây. Nhưng NLĐ chỉ được đào tạo 1-2 ngày là về, các học viên chỉ đến đây thi xong là về luôn. Trung tâm này khẳng định không có danh sách các học viên.

Chi tiết về quê quán, ngày tháng năm sinh của họ thì Trung tâm không lưu giữ. Thậm chí, Trung tâm này còn phối hợp đào tạo với Công ty Vĩnh Cát cũng không có hợp đồng mà “chỉ thỏa thuận miệng” với nhau.

Nhận được những câu trả lời rất chung chung, có phần thoái thác trách nhiệm như trên, phóng viên đề nghị được gặp Giám đốc hoặc người có thẩm quyền trả lời cung cấp thông tin, tuy nhiên các nhân viên từ chối và không đưa ra bất kỳ một lời giải thích nào.

Trong khi đó, các nhân viên của Trung tâm hướng dẫn phóng viên liên hệ với Công ty Vĩnh Cát để tìm hiểu và phía Trung tâm cũng nghe nhiều học viên phàn nàn về việc xuất khẩu lao động sang Slovakia xong không có việc làm, mức lương không được như lời hứa và thỏa thuận ban đầu.

Phương thức hoạt động của trung tâm này phối hợp với Vĩnh Cát theo hình thức "đếm đầu người – nộp tiền – thi tuyển – cấp chứng chỉ", chứ không trực tiếp quản lý những học viên này.

Trao đổi với phóng viên, một đại diện của Trung tâm Hàn khẳng định, tất cả những học viên do bên Vĩnh Cát dẫn đến đây thi thì hồ sơ của các học viên đó do Công ty Vĩnh Cát nắm giữ.

Đơn vị này chỉ chấm thi và cấp chứng chỉ chứ không lưu giữ các hồ sơ học viên, bởi bản thân công ty Vĩnh Cát cũng muốn giữ người lao động, sợ bên khác “tranh cướp” mất.

Giám đốc Trung tâm Hàn nói gì?

Sau khi về nước, người lao động liên lạc với Trung tâm Hàn công nghệ cao Hà Nội để xin cấp lại chứng chỉ hàn cho công việc mới.

Trao đổi với học viên, Giám đốc Trung tâm Hàn công nghệ cao Hà Nội cho biết, học viên sẽ phải bỏ thêm chi phí 1,5 triệu đồng và phải thi lại thì mới được cấp chứng chỉ. Đồng thời ông này cũng cho biết, “việc cấp chứng chỉ hàn cho các học viên xuất khẩu sang Slovakia chỉ là để chống đối cho học viên nộp vào công ty Vĩnh Cát thôi”. Đồng thời, phía công ty Vĩnh Cát cũng “chây ì” trong việc thanh toán chi phí đào tạo cho Trung tâm.

Học viên được người khác thi hộ để cấp chứng chỉ hàn tại Trung tâm này

Trao đổi với PLVN, trái ngược với những gì mà trung tâm này khẳng định về thời gian đào tạo, học viên M.Đ.D cho biết, anh “nhập học” tại Trung tâm Hàn công nghệ cao Hà Nội này từ ngày 20/10/2018, đến chiều 29/10 thi và sáng 30/10 thì về quê. Tức là, anh D học 10 ngày liền tại trung tâm và sau khi thi đã được cấp chứng chỉ.

Trong khi đó, học viên B.V.R thì có thời gian đào tạo tại trung tâm dài hơn là 3 tuần. Trong thời gian khoảng tháng 10/2018 đó, anh R ăn ở tại ký túc xá cạnh Trung tâm. Hầu hết người lao động đã được xuất khẩu lao động sang Slovakia đều được người khác thi hộ trong buổi thi tuyển để được cấp chứng chỉ hàn tại Trung tâm Hàn công nghệ cao Hà Nội.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/tiep-vu-lanh-dao-cong-ty-vinh-cat-bi-to-lua-dao-ky-la-trung-tam-han-khong-biet-cap-chung-chi-cho-nhung-ai-470004.html