Tiếp vụ doanh nghiệp bị bắt giữ tàu: Bảo Long kiện Tư lệnh Cảnh sát biển ra tòa

Không đồng tình với Quyết định xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát biển Vùng 2, công ty Bảo Long quyết định gửi đơn kiện Tư lệnh Cảnh sát biển ra tòa.

Sau gần 2 tháng điều tra, không ra được kết luận vi phạm đối với Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh Bảo Long (Công ty Bảo Long), Cảnh sát biển vùng 2 và Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (Bộ tư lệnh CSB) liên tiếp ra 2 văn bản đẩy trách nhiệm giải quyết hậu quả. Đến ngày 12/8/2019, Bộ tư lệnh CSB ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức các nhân trong vụ tàu Nam Vỹ 79. Hình thức xử phạt hành chính đối với Công ty Bảo Long gồm: phạt tiền 60 triệu đồng về hành vi bán hàng hóa là 2.552,07 tấn than cám 7C không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; Tình tiết tăng nặng sau khi vi phạm có hành vi che giấu vi phạm hành chính; Giao cho Bộ tư lệnh Vùng CSB 2 tổ chức thi hành quyết định.

2.548 tấn phụ phẩm sau chế biến than của công ty Bảo Long bị vùng Cảnh sát biển 2 tạm giữ

2.548 tấn phụ phẩm sau chế biến than của công ty Bảo Long bị vùng Cảnh sát biển 2 tạm giữ

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc công ty Bảo Long bức xúc: "2 tháng qua công ty quá khổ sở, họ hành chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Mọi hoạt động sản xuất thì bị ngừng trệ, công nhân không có việc làm, hàng hóa không bán được, không có tàu nào dám tới vận chuyển cho hàng hóa cho chúng tôi. Tôi đã cung cấp cho tổ công tác một số giấy tờ, tài liệu về hoạt động của công ty như: hóa đơn, chứng từ của lô hàng vận chuyển trên tàu Nam Vỹ 79, một số hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số than, xít đầu vào để chế biến ra sản phẩm đang bị tạm giữ trên tàu Nam Vỹ 79 và khẳng định mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Bảo Long đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Việc Bộ tư lệnh cho rằng số hàng hóa 2.552,07 tấn là than cám 7C là hoàn toàn sai, vì lô hàng là do Công ty Lộc An đặt mua, số lượng và chất lượng theo yêu cầu đặt hàng của phía Công ty Lộc An. Công ty Lộc An tham gia trực tiếp lấy mẫu để tôi gửi Quacontrol giám định, trực tiếp nắm kết quả giám định và theo dõi việc việc chuyển hàng xuống tàu Nam Vỹ 79. Đây là hàng đặt, chế biến theo yêu cầu của bên mua, không nằm trong hạng mục hàng hóa quy định tiêu chuẩn, chất lượng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Cơ quan vùng Cảnh sát biển 2 cho rằng việc vận chuyển lô hàng trên từ Công ty Bảo Long đến Công ty Lộc An là vi phạm hành chính là không có cơ sở. Với quyết định trên chúng tôi cho rằng Bộ tư lệnh CSB đã áp đặt và quy chụp cho doanh nghiệp, Công ty hoàn toàn không đồng ý".

Được biết, ngày 02/08/2019, Công ty Bảo Long đã gửi Đơn tố cáo tới Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Vụ Trung ương 1A (Vụ Quốc phòng-An ninh) UBKT Trung ương; UBKT Đảng Ủy quân sự Trung Ương… Tố cáo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Tư lệnh - BTL Cảnh sát biển Việt Nam.

Đơn tố cáo của Công ty Bảo Long nêu rõ: “ông Sơn trong quản lý điều hành đơn vị thuộc quyền, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa đường thủy nội địa, gây thiệt hại cho công dân. Để lại nhiều hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần cho doanh nghiệp".

Theo đó, hàng hóa đầu vào của Công ty Bảo Long mua của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh than. Giấy tờ về hàng hóa đi theo tàu vận chuyển vào Thừa Thiên Huế đã được lực lượng Cảnh sát biển thừa nhận có Hợp đồng mua bán, có Hợp đồng vận chuyển, có Hóa đơn Giá trị gia tăng, phiếu xuất kho, chứng thư kiểm định chất lượng hàng hóa,…Quá trình xác minh, cơ quan Cảnh sát biển xác nhận mọi việc thanh toán, đặt cọc mua lô hàng nói trên đều chuyển khoản qua ngân hàng…Thế nhưng, cơ quan này vẫn cố ép vào cái gọi là “hàng hóa không rõ nguồn gốc” mặc dù nguồn gốc rất rõ ràng, minh bạch!

"Đây chính là bằng chứng cụ thể về việc người đứng đầu cơ quan Cảnh sát biển không những không đồng hành cùng doanh nghiệp mà đang gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Công ty Bảo Long đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương và UBKT Đảng ủy Quân sự Trung ương kiểm tra, xem xét xử lý những sai phạm của ông Nguyễn Văn Sơn - Trung tướng - Tư lệnh - BTL Cảnh sát biển Việt Nam, đã chỉ đạo cấp dưới giữ trái phép phương tiện vận tải và hàng hóa trên tàu Nam Vỹ 79 ( HP 3555 ) ngày 16/6/2019. Buộc phải khắc phục hậu quả, bồi thường những thiệt hại đã gây ra”, ông Khoa chia sẻ thêm.

Với những đề nghị trên, Công ty Bảo Long chỉ với mong muốn được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một môi trường lành mạnh, minh bạch, tuân thủ mọi quy định của pháp luật, mọi chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước.

Được biết, Công ty Bảo Long đã gửi đơn kiện Tư lệnh Cảnh sát biển ra Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương để chờ phán quyết cuối cùng.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.

Thu Hà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tiep-vu-cong-ty-bao-long-bi-bat-giu-tau-doanh-nghiep-to-tu-lenh-canh-sat-bien-gay-kho-156266.html