Tiếp vụ 'chưa được bổ nhiệm đã ký tên 'Chủ tịch' tại biên bản giao đất': Có thể khởi tố hình sự vụ việc được không?

Nhận định về vụ việc, LS Trần Đức Phượng (Đoàn LS TP HCM) cho biết: 'Với vụ việc dấu hiệu giả mạo tài liệu này, cần xác định mức hậu quả của vụ việc để có mức xử lý tương xứng, tùy theo mức độ sẽ xử lý, kỷ luật cán bộ cho đến các mức xử lý pháp luật cao hơn về hành chính, hình sự'.

UBND huyện Kon Plông

UBND huyện Kon Plông

Mới đây, Báo PLVN đã có bài viết phản ánh về vụ việc liên quan đến ông Trương Ngọc Tuyền (hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó phòng NN&PTNT huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi “lạm quyền” trong biên bản giao đất trên thực địa.

Cụ thể, vào khoảng tháng 6/2008, ông Tuyền chưa được giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Đăk Long (huyện Kon Plông) nhưng vẫn sử dụng chữ ký, con dấu với chức danh Chủ tịch xã trong biên bản giao đất thực địa trên địa bàn xã.

Trong Biên bản giao đất thực địa đề ngày 5/6/2008 tại thửa đất 26.700m2 thuộc thôn Măng Đen, xã Đăk Long, có con dấu và chữ ký của ông Trương Ngọc Tuyền với chức danh Chủ tịch UBND xã Đăk Long. Tuy nhiên, thực tế tại thời điểm đó, ông Tuyền chưa công tác tại xã Đăk Long, cũng như chưa được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã này.

Nhằm làm sáng tỏ vụ việc trên, PV đã nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND huyện Kon Plông nhưng vẫn chưa thể có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo huyện này. Lý do được người đại diện UBND huyện đưa ra là cuối năm 2019 và đầu năm 2020 UBND huyện “bận nhiều việc quá nên chưa sắp xếp được lịch làm việc với PV”.

Biên bản bàn giao đất trên thực địa năm 2008

Đánh giá vụ việc trên, LS Trần Đức Phượng (Đoàn LS TP HCM) cho rằng: “Với những thông tin của vụ việc như bài viết đã phản ánh, có thể xác định có dấu hiệu của hành vi tạo giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước. Theo tôi, sai phạm này ở mức độ nghiêm trọng. Vì không đơn giản chỉ là việc “mạo danh” Chủ tịch UBND xã để ký trong biên bản giao đất trên thực địa, đây có thể chỉ là phần nổi trong số những vi phạm khác. Do đó, UBND tỉnh và cơ quan Thanh tra cần thanh, kiểm tra vụ việc để làm rõ vấn đề”.

“Trước hết là việc ông Trương Ngọc Tuyền chưa là Chủ tịch UBND xã nhưng lại có mặt trong buổi giao đất. Vậy con dấu trên văn bản có phải của UBND xã hay không, nếu là con dấu của UBND xã thì việc quản lý con dấu và khi đóng dấu được lưu trữ tại bộ phận văn thư ra sao? Trường hợp ông Trương Ngọc Tuyền không có trên thực địa (biên bản ghi ông Lê Ngọc Hoàng là người tham gia bàn giao) nhưng lại ký việc bàn giao, vậy vai trò của ông Hoàng trong vụ việc này ra sao cũng cần được làm rõ? Cũng như việc ông Nguyễn Hùng Dũng khi đó giữ chức vụ PGĐ Văn phòng ĐKQSDĐ cũng ký tên và đóng dấu vào một văn bản không đúng qui định của pháp luật tại thời điểm đó”.

“Ngoài ra, với thông tin này cần làm rõ có hay không việc bàn giao trên thực tế, tính pháp lý của Biên bản giao đất trên thực địa và những vấn đề liên quan. Thông thường những hồ sơ “có vấn đề” nên mới nảy sinh ra việc hợp thức hóa bằng việc chỉnh sửa, tạo ra các giấy tờ không đúng để tránh phát hiện các vấn đề sai trong hồ sơ. Không ít vụ việc mà chỉ với ít thông tin bất thường, vi phạm nhưng sau khi thanh, kiểm tra đã phát hiện ra những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

“Để làm rõ vụ việc, cần kiểm tra toàn bộ hồ sơ về việc cho thuê đất, nguồn gốc đất, có thông qua đấu giá việc cho thuê không, đăng ký dự án (nếu có), giá đất thuê”, LS Phượng nhấn mạnh: “Với vụ việc dấu hiệu giả mạo tài liệu này, cần xác định mức hậu quả của vụ việc để có mức xử lý tương xứng, tùy theo mức độ sẽ xử lý, kỷ luật cán bộ cho đến các mức xử lý pháp luật cao hơn về hành chính, hình sự”.

Nguyễn Luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/tiep-vu-chua-duoc-bo-nhiem-da-ky-ten-chu-tich-tai-bien-ban-giao-dat-co-the-khoi-to-hinh-su-vu-viec-duoc-khong-494820.html