Tiếp vụ bê bối xung quanh nghĩa trang liệt sỹ tạm ở Đồng Nai: 'Cuộc chiến' 26 năm âm thầm trên mảnh đất đau thương

Vì vướng câu chuyện tranh cãi giữa Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc và Đồng Nai, khu 'đắc địa' bao nhiêu năm nay vẫn là đất 'chết', không xây dựng công trình văn hóa lịch sử, mà doanh nghiệp cũng không được sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, chỉ có cỏ xanh bốn mùa hoang vu.

Trụ sở Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc, cũng chính là khu nghĩa trang tạm năm xưa

Trụ sở Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc, cũng chính là khu nghĩa trang tạm năm xưa

Chiến tranh đi qua. Khu đất nơi chôn cất các liệt sỹ ngã xuống năm xưa không ai ngờ hóa thành khu đất nằm ở vị trí đắc địa. Ở thị xã Long Khánh, không có khu đất nào rộng 3 ha mà ở vị trí trung tâm như vậy...

Đồng Nai thua kiện từ sơ thẩm đến phúc thẩm

Ông Mậu cho hay, tháng 3/2008, tỉnh Đồng Nai đơn phương ra tiếp một quyết định “thu hồi đất và bồi thường” cho Tân Lộc. “Quyết định áp đặt này tính toán tài sản trên đất chỉ là 2,4 tỷ đồng, không bồi thường về đất. Không có phương án di dời, mấy trăm công nhân vứt đi đâu thì vứt”, ông Mậu kể lại.

Tỉnh giao cho thị xã Long Khánh qua kiểm kê tài sản. Lần thứ nhất, Ban Quản lý dự án đến, ông Mậu tiếp, mời vào uống trà nhưng nói rõ ý kiến “không làm việc vì không đúng pháp luật, không đúng quy định”, không ký vào biên bản.

“Người ta làm tiếp lần hai, đông lắm, hàng chục người, có công an, dân phòng. Tôi chỉ đạo không tiếp, đóng cửa lại. Địa phương bẻ khóa, vào kiểm kê tiếp. Tôi mời một người quay phim tới quay, vừa mới giơ máy lên đã bị tịch thu”, ông Mậu kể. Ông Mậu sau đó gửi đơn kêu cứu khắp nơi từ tỉnh đến Thủ tướng.

Năm 2008, tỉnh ra quyết định thu hồi. Nghĩa là quy trình “ngược”, lẽ ra phải ra quyết định trước rồi mới kiểm kê. Tháng 9/2008 Tân Lộc khiếu nại các quyết định hành chính của tỉnh, sau đó gửi khiếu nại cho Thủ tướng.

“Bên Thanh tra Chính phủ trả lời nói đất đai của Tân Lộc hợp pháp, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Tổng Công ty và Bộ Nông nghiệp cũng có bao nhiêu văn bản. Thế nhưng tỉnh có giải quyết đâu, dù Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khi đó cũng có ý kiến”, ông Mậu kể.

Năm 2012, Tân Lộc khởi kiện Đồng Nai ra tòa, khởi kiện các quyết định hành chính thu hồi đất của tỉnh. Cùng thời điểm, tỉnh Đồng Nai đề nghị với Thanh tra Chính phủ ra quyết định thanh tra với nội dung quản lý sử đụng đất của Công ty Tân Lộc.

Ông Mậu kể: “Trước đó Đồng Nai đã ra quyết định thanh tra nhưng tôi không đồng ý vì họ đòi thanh tra toàn diện. Chúng tôi là công ty trực thuộc Bộ, thanh tra địa phương không được thanh tra toàn diện mà chỉ một chuyên ngành nào đó”.

“Bắt đầu vào thanh tra thì tòa án có quyết định thụ lý. Trong ngày bắt đầu vào thanh tra, tôi trình luôn văn bản thụ lý của tòa, đề nghị dừng thanh tra, vì theo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Tối cao thì một sự việc không thể cùng thời điểm có hai cơ quan làm. Họ nói miệng “nếu tòa đã thụ lý thì để tòa xử chứ thanh tra gì nữa”, nhưng sau đó vẫn cứ xuống công ty thanh tra”, ông Mậu nói

Giám đốc Phan Ngọc Mậu: Tôi tin vào pháp lý và đạo lý nên vẫn tiếp tục không “đầu hàng”.

Tân Lộc khiếu nại lên Tổng Thanh tra Chính phủ việc thanh tra này không đúng. Ông Mậu còn liệt kê thêm yếu tố thành viên trong Đoàn thanh tra không có cơ quan chủ quản của Tân Lộc là Bộ Nông nghiệp, còn UBND Đồng Nai lại có tới hai người tham gia, nên việc thanh tra không khách quan, không đúng pháp luật. Thanh tra sau đó có thông báo kết thúc thanh tra.

Ngày 8/8/2013, phiên xử sơ thẩm tuyên hủy hai quyết định của tỉnh Đồng Nai về thu hồi đất của Công ty Tân Lộc. Đồng Nai kháng cáo lên Tòa án Tối cao tại TP HCM. Ngày 25/10/2013, Tòa phúc thẩm mở phiên xử.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã nộp đơn xin rút toàn bộ kháng cáo. Tòa mở phiên xử hỏi mọi người về việc rút kháng cáo của Đồng Nai. Mọi người đồng ý nên tòa phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, công nhận bản án sơ thẩm có hiệu lực từ 25/10/2013. “Như vậy mình yên chí, thắng từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm. Đâu biết đâu...”, ông Mậu bỏ lửng câu nói.

“Phép vua thua lệ làng”

Ông Mậu tố cáo, sau khi thua kiện, Đồng Nai sử dụng các “độc chiêu” khác để o ép doanh nghiệp. Ngày 2/12/2013, Bộ Nông nghiệp ra quyết định cổ phần hóa Công ty Tân Lộc. Công ty làm nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty. “Nhưng tỉnh cứ trả lời “chờ kết luận Thanh tra Chính phủ”, dù tôi không biết kết luận thanh tra cái gì. Tỉnh không chấp hành bản án, không cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất cho công ty”, ông Mậu nói.

Ông Mậu rầu rầu lý giải: “Quyết định giao đất ngày trước cho công ty là không có thời hạn. Nhưng để cổ phần hóa, phù hợp với thời điểm bây giờ, buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mình có sổ đỏ mới làm dự án được, hoặc vay mượn, thế chấp ngân hàng để có tiền đầu tư. Sổ đỏ không liên quan đến việc cổ phần hóa nhưng công ty muốn cổ phần có sổ đỏ để sau này dễ đầu tư”.

Ngày 22/10/2015, công ty tổ chức đại hội cổ đông căn cứ theo quyết định của Bộ Nông nghiệp về thành lập Công ty Cổ phần Tân Lộc. Các thành viên đã đóng tiền. Đến tháng 11/2015, Công ty đi làm thủ tục chuyển sang công ty cổ phần, xin giấy phép đăng ký doanh nghiệp, làm con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nhận, coi như hợp lệ. “Có biên nhận, đóng tiền, họ hẹn 5 ngày sau đến nhận kết quả. Như vậy yên tâm rồi. Nhưng năm ngày sau tỉnh Đồng Nai chỉ đạo ngưng, không cấp giấy đăng ký kinh doanh cho Tân Lộc”, ông Mậu kể.

Lại thêm một “cuộc chiến” tố tụng mới. Công ty khiếu nại việc không cấp giấy này, sau đó tiếp tục kiện Đồng Nai ra tòa về hành vi hành chính không cấp giấy đăng ký kinh doanh cho Tân Lộc. “Tòa tỉnh thụ lý rồi lại ra quyết định đình chỉ. Công ty kháng cáo thì tòa cấp cao hủy quyết định đình chỉ của tòa tỉnh, yêu cầu thụ lý, xét xử lại. Đến nay, tòa tỉnh đã thụ lý nhưng chưa xử lại”, ông Mậu cho hay.

Theo ông Mậu, Đồng Nai còn liên tục có các hành vi khác gây khó dễ cho Tân Lộc, như liên tục thành lập đoàn thanh tra thanh tra công ty. “Năm 2017, có 3 đoàn thanh tra của tỉnh Đồng Nai thanh tra công ty dù theo quy định pháp luật, một năm không quá một đoàn thanh tra một đơn vị”, lời ông Mậu.

Khu đất địa thế đắc địa bao năm nay nhà xưởng xập xệ, cỏ mọc hoang, công ty có muốn xây dựng cũng không được. “Một số doanh nghiệp muốn liên kết với Tân Lộc vào hỏi thì địa phương bảo: “Ở chỗ này sắp thu rồi”, thì ai dám làm gì nữa. Công ty có tiền, muốn đầu tư xây dựng nhà xưởng thì cũng phải có giấy phép xây dựng. Công ty của Bộ nhưng muốn xây dựng phải xin giấy phép của chính quyền địa phương. Đến bản án của tòa địa phương còn không thực hiện, nói gì chuyện khác. “Phép vua thua lệ làng” là thế đấy, ông Mậu nói.

Ông Mậu đã có quyết định về hưu vào ngày 1/1/2016 nhưng chưa về hưu thật sự vì tỉnh chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty cổ phần. “Theo nguyên tắc, Bộ Nông nghiệp phải bàn giao Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc cho Công ty Cổ phần Tân Lộc thì lúc đó tôi mới hết trách nhiệm. Nhưng tỉnh không cấp nên tôi buộc phải tiếp tục điều hành”, ông Mậu cho hay.

“Các anh chị hỏi tôi có quyền lợi gì đây hay không ư? Tôi không “cố đấm ăn xôi” gì cả. Ở đây bao nhiêu năm, sống vì tình nghĩa là chính. Phải đối phó biết bao những cái bất công nên phải tiếp tục gắn bó đòi công lý cho xong rồi giao cho đơn vị nào đó thì giao. Giờ tôi bỏ cuộc, biết chắc là địa phương “xử lý trong phút mốt”.

“Mệt thì có mệt nhưng cái ý chí, thần kinh của mình thì rất là vững, không bị xao động, không bị tác động nào ảnh hưởng đến mình. Nhiều người, kể cả gia đình nói “làm để làm gì, thôi thì họ muốn giải thể, muốn thu hồi làm gì thì làm, mình là doanh nghiệp nhà nước, giao cho họ làm gì thì làm”. Nhưng tôi không đồng ý, mình đúng pháp luật thì mình không sợ. Tôi tin vào pháp lý và đạo lý nên vẫn tiếp tục không “đầu hàng”.

Cựu chiến binh Lê Văn Thách (SN 1937, Phó Chính trị viên Long Khánh, người quản trang nghĩa địa tạm năm xưa):

“Mảnh đất bao nhiêu năm vẫn như vậy, rồi Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc lận đận như vậy liệu có thể liên quan tới việc đây từng là nghĩa trang không? Tôi từng làm Phó Giám đốc nhà máy phân bón, từng tham gia giải phóng mặt bằng một nghĩa trang ở Long Bình Tân, Biên Hòa để xây nhà máy phân bón.

Bốc hài cốt rất sạch sẽ nhưng còn sót một ngôi mộ, khi đó nhà máy hoạt động, công nhân làm ca đêm, thường đem chất thải đổ trước cửa phân xưởng nơi có ngôi mộ bị sót. Cứ mỗi lần ra đổ lại có một công nhân như bị “lên đồng” khóc lóc. Công nhân sợ quá không dám làm ca đêm. Sau này tìm tới gia đình người chết còn sót mộ hỏi chuyện, bốc đi chỗ khác mới hết.

Chúng tôi khao khát muốn xây dựng một đền thờ ở đây. Công ty Tân Lộc hiện nay đã sẵn sàng hiến dăm bảy ngàn m2, vậy còn o ép gì họ nữa? Ai đó vì lợi ích nhóm, vì động cơ trục lợi, có lấy đất này cũng không có hậu. Nếu xây nhà chung cư cao ốc, quán xá trên mảnh đất này thì chắc chắn lụn bại ngay.

Theo tôi, xử lý vấn đề liên quan tới khu đất từng là nghĩa trang tạm này, nếu cần thu hồi thì phải đúng luật, đúng thẩm quyền, sòng phẳng hoán đổi hoặc bồi thường vì chỗ đất này ngày xưa công ty chắt bóp lắm mới mua được”.

Nhóm phóng viên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/hoi-am-don-thu/tiep-vu-be-boi-xung-quanh-nghia-trang-liet-sy-tam-o-dong-nai-cuoc-chien-26-nam-am-tham-tren-manh-dat-dau-thuong-405281.html