Tiếp tục xây dựng và triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, đầu giờ sáng 23/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13

Hệ thống cơ chế, chính sách được ban hành đồng bộ

Về kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản quy phạm trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nêu rõ: các bộ, ngành trung ương và địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ đã rà soát, xây dựng trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản làm cơ sở để quản lý, điều hành và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, hệ thống khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình đã hoàn thành và là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về cơ bản đã được ban hành một cách đồng bộ và hoàn thiện theo hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của giai đoạn trước, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của địa phương, trong đó, chú trọng phát triển về chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của chương trình, tăng cường phân cấp, trao quyền chủ động cho địa phương, nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng...

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, hướng dẫn của trung ương và chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để tạo cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tiếp tục được chú trọng với những đổi mới về phương pháp và cách thức nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã thực sự đi vào cuộc sống, thu hút được người dân và cộng đồng tham gia vào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.

Đồng thời, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, các cách làm hay, mô hình hiệu quả, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đến từng đối tượng thụ hưởng và toàn xã hội.

Công tác theo dõi, giám sát được triển khai đồng bộ từ trung ương đến cấp tỉnh và cơ sở thông qua việc chấp hành chế độ báo cáo; hướng dẫn triển khai thực hiện; các hoạt động kiểm tra của các bộ, ngành và địa phương. Công cụ để thực hiện theo dõi, đánh giá, giám sát các chương trình đã được hoàn thiện. Qua đó, kịp thời ghi nhận những điển hình tốt để nhân rộng, cũng như những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xây dựng và hoàn chỉnh dữ liệu theo dõi, giám sát các chương trình trên phạm vi toàn quốc…

Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới khoảng 820.964,1 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 24.167,1 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển là 13.460 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là 4.500 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.207,1 tỷ đồng, bằng 38% quy định tại Nghị quyết 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội;

- Ngân sách địa phương: 91.975 tỷ đồng, bằng 71% quy định tại Nghị quyết 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội, trong đó, riêng tổng vốn ngân sách đối ứng của 51 tỉnh, thành phố nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khoảng 46.865 tỷ đồng;

- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 96.093 tỷ đồng;

- Vốn tín dụng: 512.450 tỷ đồng;

- Vốn doanh nghiệp: 39.480 tỷ đồng;

- Cộng đồng và dân cư đóng góp: 56.799 tỷ đồng.

Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững khoảng 23.344,234 tỷ đồng; trong đó:

- Ngân sách trung ương: 21.597,557 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển là14.906,146 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.691,411 tỷ đồng, bằng 52% quy định tại Nghị quyết 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội;

- Ngân sách địa phương: 1.271,522 tỷ đồng ; bằng 26% quy định tại Nghị quyết 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội;

- Vốn huy động hợp pháp khác: 475,155 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước cân đối và nguồn vốn huy động khác để trực tiếp thực hiện chương trình, trong 2 năm 2016-2017, ngân sách nhà nước đã bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 30/6/2018 đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 30.239 tỷ đồng (19%) so với năm 2016.

Người dân tham gia tích cực hơn vào thực hiện các chương trình

Trong những năm vừa qua, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và các cuộc vận động hưởng ứng phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu hút được sự quan tâm của các đối tác phát triển, của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân để thực hiện công tác an sinh xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 6 năm 2018, đã huy động xã hội được khoảng 16.735 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội và giảm nghèo; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã vận động hơn 11.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân và người Việt Nam ở nước ngoài…; các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ nguồn vốn ODA với tổng mức vốn khoảng 3.820 tỷ đồng.

Về kết quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, báo cáo nêu rõ: cơ chế quản lý đầu tư xây dựng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được rút gọn, đơn giản hóa. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn. Để tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hơn nữa việc phân cấp, trao quyền chủ động cho các địa phương, nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình, ngày 13 tháng 09 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 09 năm 2015, số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 và số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016.

Về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới: Thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của chương trình, xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.

Bằng các giải pháp quyết liệt như ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, chỉ công nhận các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới khi không có nợ đọng xây dựng cơ bản, tính đến 30/9/2018, tổng số nợ đọng XDCB của các địa phương là 1.219,2 tỷ đồng (giảm 3.738,6 tỷ đồng so với tháng 01 năm 2018 và giảm khoảng 92% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 01 năm 2016).

Về những kết quả đạt được, theo báo cáo, hệ thống khung pháp lý quản lý, điều hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp trung ương đến cấp tỉnh đến nay cơ bản được hoàn thành, là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Công tác huy động nguồn lực đã được chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện chương trình. Hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát huy hiệu quả trong việc đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương; đồng thời đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ khâu lập kế hoạch, đến khâu tổ chức thực hiện và xây dựng hệ thống thông tin theo dõi, giám sát, đánh giá các chương trình.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới

- Xã đạt chuẩn nông thôn mới: Cả nước có 3.542 xã (39,7%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn), tăng 2.010 xã (22,5%) so với cuối năm 2015; Bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, tăng 1,37 tiêu chí so với cuối năm 2015; Còn 80 xã dưới 5 tiêu chí , giảm 246 xã so với cuối năm 2015 (Dự kiến đến hết năm 2018 còn dưới 60 xã, hoàn thành mục tiêu phấn đấu năm 2018).

- Huyện đạt chuẩn nông thôn mới: Có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 40 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2015 (Hoàn thành và vượt mục tiêu năm 2018 có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới).

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 100/2015/QH13 là từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung.

Các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020

Theo báo cáo, để hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020, các cấp ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực cho hai chương trình mục tiêu quốc gia; mở rộng triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững;

Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của các chương trình; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo ở cấp xã, huyện;

Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; triển khai các mô hình việc làm công gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các mô hình hợp tác, liên kết với giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp;

Đổi mới phương pháp tuyên truyền, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân; tổ chức lồng ghép các chương trình, hoạt động cụ thể trong tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở các cấp; thực hiện các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững;

Tiếp tục xây dựng và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án của các chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể:

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới: cần triển khai hiệu quả các Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đặc thù, Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn; đề án xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thí điểm mô hình bảo vệ môi trường tại các xã khó khăn, đề án “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch”, đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới”.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Đồng thời triển khai mạnh mẽ việc áp dụng chế độ thông tin báo cáo qua hệ thống thông tin điện tử để nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi cả nước.

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 là có khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đảm bảo chất lượng và bền vững.

Việt Hùng - Quốc Khánh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/tiep-tuc-xay-dung-va-trien-khai-dong-bo-hieu-qua-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1260479.html