Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị di sản

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục xây dựng trở thành đô thị di sản với định hướng 'Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường' tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” theo Kết luận 48-KL/TW và Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” theo Kết luận 48-KL/TW và Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị

Sáng 17/8, tại thành phố Huế diễn ra lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh TT-Huế (1989 - 2019). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh TT-Huế qua các thời kỳ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ trí thức, cùng đại diện các tầng lớp nhân dân trên địa bàn… đã về dự.

Văn nghệ chào mừng

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu điểm lại những nỗ lực vượt qua khó khăn ngày đầu mới tách tỉnh và nhiều thành tựu đạt được trong 30 năm qua. Ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính, theo đó, chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế.

Như vậy, kể từ ngày 01/7/1989, tỉnh TT-Huế chính thức được tái lập, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dựng xây và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Theo ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế, suốt 30 năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh TT-Huế đã đồng tâm nhất trí, vượt khó vươn lên tiếp tục đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và toàn diện

“30 năm đã qua kể từ ngày tái lập là 30 năm nỗ lực kiên trì và phấn đấu không ngừng nghỉ với nhiều thuận lợi đồng hành nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và chung sức xây dựng quê hương trong chặng đường đầu đổi mới vừa bước đầu đơm hoa, kết trái thì năm 1999, cơn đại hồng thủy đã cuốn đi biết bao thành quả. Chỉ trong phút chốc, nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà bị kéo lùi nhiều năm, có những việc phải làm lại từ đầu… Được sự chi viện và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chia sẻ và hỗ trợ giúp đỡ của cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đã đồng tâm nhất trí, vượt khó vươn lên tiếp tục đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và toàn diện, góp phần đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, ông Lê Trường Lưu xúc động nhớ lại.

Lần thứ hai trong 30 năm qua, TT-Huế vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất

Đến nay, nền kinh tế TT-Huế đã từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 - 2018 là 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần (theo giá so sánh 2010). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 gấp 81,6 lần so với năm 1990.

Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.800 tỷ đồng. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chiếm 55,7% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Du lịch phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả. Công tác thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu có thương hiệu đã bắt đầu tập trung về TT-Huế. Giai đoạn 2009 - 2018 đã thu hút 387 dự án với tổng vốn đăng ký 100 nghìn tỷ đồng.

Từ 1989 đến nay, tại TT-Huế đã thành lập mới nhiều thị trấn, thành lập 2 thị xã Hương Thủy và Hương Trà; thành phố Huế được công nhận là đô thị loại I từ năm 2001. Đặc biệt, đã tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối, chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng, ven biển.

Từ 1989 đến nay, nhiều tập thể và cá nhân của TT-Huế đã được Trung ương trao tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động các hạng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc…

Đặc biệt, ngày 27/12/2007, TT-Huế vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân hương Độc lập hạng Nhất. Năm 2019, thêm một lần nữa, TT-Huế được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những phấn đấu, nỗ lực của TT-Huế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TT-Huế luôn đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong 30 năm qua

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu bền bĩ của tỉnh TT-Huế trong quá trình xây dựng và phát triển. Đây là sự kế thừa và phát huy trách nhiệm của các thế hệ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương, đổi mới và bảo vệ đất nước.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị TT-Huế cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh TT-Huế, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Tiếp tục xây dựng TT-Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” theo Kết luận 48-KL/TW và Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước; Trung tâm Giáo dục - Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm Khoa học và Công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước.

Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác đối ngoại.

Tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chuẩn bị và chỉ đạo tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tiep-tuc-xay-dung-thua-thien-hue-tro-thanh-do-thi-di-san-1453668.tpo