'Tiếp tục xây dựng Hội Nông dân trong sạch vững mạnh'

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII đã trả lời phỏng vấn về những điểm mới trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII đọc diễn văn Bế mạc đại hội. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII đọc diễn văn Bế mạc đại hội. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Sau gần ba ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao trước toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam đã thành công tốt đẹp.

Ngay sau Phiên bế mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII đã trả lời phỏng vấn về những điểm mới trong Đại hội lần này; phương phướng, giải pháp trong thời gian tới nhằm xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

- Xin ông cho biết những điểm mới trong Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 -2023?

Ông Thào Xuân Sùng: Có thể thấy, Đại hội lần này đã quyết định nhiều vấn đề rất mới, sẽ tạo ra bước ngoặt trong hoạt động Hội và phong trào nông dân. Đó là lần đầu tiên Đại hội đại biểu nông dân toàn quốc có sự tham gia của 54 dân tộc anh em.

Trong Ban Chấp hành khóa mới đảm bảo cơ cấu đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số. Trong Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân lần thứ VII, hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân đã được bàn bạc, thảo luận và thống nhất nội hàm của Quỹ hỗ trợ nông dân sẽ được mở rộng.

Ngoài việc tích cực giải ngân vốn hỗ trợ nông dân về cây, con giống mới, Hội Nông dân còn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình hỗ trợ về mặt thông tin.

Bởi trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thông tin nhiều khi có vai trò quyết định đến hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.

Một bước tiến mới của Đại hội lần này là bầu Ủy ban Kiểm tra thay vì Ban Kiểm tra như các nhiệm kỳ trước. Điều này sẽ giúp nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát để hoạt động Hội ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.

Đặc biệt, lần đầu tiên, chế định xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh được quyết định. Đây cũng là yêu cầu của cán bộ Hội trong thời gian tới, làm cầu nối giữa nông dân với chính quyền, doanh nghiệp các nhà khoa học; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xác định: Bảo vệ quyền và lợi ích của nông dân được xác định là nhiệm vụ tối cao của Hội. Hội Nông dân các cấp phải tin, hiểu, gần, dựa vào nông dân, biết làm nông dân, có trách nhiệm với nông dân.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Đại hội, đối tượng kết nạp hội viên được mở rộng. Theo đó, học sinh học hết trung học phổ thông, là con em nông dân, đang tham gia sản xuất cùng bố mẹ có thể được kết nạp hội.

Đây cũng là lực lượng được ưu tiên đào tạo nghề để thực hiện mục tiêu trí thức hóa nông dân. Đây là một tư duy đột phá của Ban Chấp hành khóa mới. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng là đối tượng được kết nạp hội viên Hội Nông dân.

Ngay tại Đại hội này, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tổ chức Lễ tôn vinh lần thứ nhất 53 nhà khoa học của Nhà nông và sẽ được tổ chức thường niên trong tương lai.

- Xin ông cho biết những khó khăn nổi cộm của người nông dân hiện nay và Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân khóa mới sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ nông dân vượt qua?

Ông Thào Xuân Sùng: Những vấn đề bức xúc, khó khăn của nông dân, Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI thấy rất rõ và đã trình ra Đại hội. Người nông dân hiện nay có trình độ nghề, kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao còn rất thấp.

Còn khoảng 70% lao động nông thôn chưa được học nghề, số học nghề 3 tháng có chứng chỉ chưa được 5%. Hiện nay, giai cấp nông dân chiếm hơn 70% dân số nhưng con số thống kê mới nhất cho thấy, số nông dân được đào tạo nghề có chứng chỉ chỉ đạt 26%.

Nông dân Việt Nam vẫn chưa có được “ba biết”: Biết tính toán, biết xây dựng kế hoạch sản xuất, biết tiêu thụ, tiêu dùng hàng hóa do mình làm ra. Cho nên giải pháp ở đây là Nhà nước chủ trì phối hợp với các đoàn thể phải đẩy rất mạnh nhanh công tác tập huấn đào tạo nghề. Nhiệm kỳ tới, Hội nông dân sẽ tập trung rất cao cho công tác này.

Thời gian qua, hội viên nông dân chưa hài lòng về tổ chức của mình, nên trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Ban Chấp hành Trung ương Hội không chỉ quan tâm đến những vấn đề nông dân mong muốn mà những cán bộ chuyên trách của Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung giải quyết ba nhóm nhiệm vụ lớn.

Đầu tiên, là phải đổi mới toàn diện phong cách của cán bộ từ cơ quan Trung ương Hội đến các chi hội cơ sở. Hội Nông dân các cấp phải thực sự tin tưởng nông dân, gần nông dân, hiểu nông dân, dựa vào nông dân, biết làm nông dân và có trách nhiệm với nông dân.

Các cấp Hội phải đổi mới phương pháp tư vấn hỗ trợ, tổ chức dạy nghề cho nông dân từ phương pháp cũ thiên về lý thuyết hiện nay sang phương pháp tập huấn, hướng dẫn thực hành trên thực tế.

Người cán bộ nông dân phải hệ thống hóa quy trình tăng trưởng cụ thể của cây, vật nuôi, từ đó có những hỗ trợ cho nông dân hiểu sâu sắc hơn về điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương.

Hội Nông dân sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với Chính phủ, Nhà nước về tư vấn hỗ trợ dịch vụ và dạy nghề cho hội viên, từng bước giải quyết khó khăn cho nông dân.

- Thời gian tới Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ gì thưa ông?

Ông Thào Xuân Sùng: Trong nhiệm kỳ tới để phát huy được vai trò chủ thể của hội viên nông dân nói riêng và giai cấp nông dân nói chung, Hội phải triển khai tốt những nhiệm vụ trọng tâm đó là tiếp tục xây dựng Hội Nông dân trong sạch vững mạnh để phát huy được vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội, phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

Trong đó sẽ tập trung đào tạo tập huấn đội ngũ cán bộ Hội ở cấp cơ sở không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm cao mà còn có kiến thức canh tác nông nghiệp mà còn có kỹ năng vận động quần chúng.

Các cấp Hội sẽ hỗ trợ nông dân hội nhập sâu hơn nữa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt về nông sản thực phẩm. Hội Nông dân Việt Nam đã và đang ký với một loạt các tập đoàn, tổng công ty trong nước và nước ngoài, làm "bà đỡ" hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ “gõ cửa” các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để cùng ngồi lại lắng nghe, chia sẻ những khó khăn vướng mắc; kết nối chặt chẽ hơn với doanh nghiệp theo chỉ thị về liên kết 6 nhà (Nhà nông-Nhà nước-Nhà đầu tư-Nhà băng-Nhà khoa học-Nhà phân phối) của Thủ tướng Chính phủ để tìm ra các giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị nhất khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, xuất khẩu và xây dựng thương hiệu.

Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phối hợp với Chính phủ và chính quyền các cấp, mặt trận các đoàn thể để tiếp tục tham mưu cho Đảng ban hành các chủ trương chính sách ngang tầm và bao quát được nguyện vọng chính đáng của nông dân. Từ đó giải quyết cơ bản các điểm nghẽn về đất đai, vốn, kiến thức để nông dân đủ khả năng tham gia thị trường.../.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-xay-dung-hoi-nong-dan-trong-sach-vung-manh/541983.vnp