Tiếp tục tranh cãi việc dừng sử dụng thuốc trừ cỏ chứa Glyphosate

Ngay sau khi có thông tin phiên tòa thứ hai tại Mỹ phán quyết hoạt chất Glyphosate liên quan đến ung thư, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã yêu cầu các doanh nghiệp tạm thời chưa thực hiện ký kết các hợp đồng nhập khẩu, sản xuất với đối tác nước ngoài cho đến khi có quyết định quản lý hoạt chất trên tại Việt Nam.

Thế giới vẫn còn nhiều quan điểm

Theo Công văn số 682/BVTV-QLT, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường, hệ sinh thái theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật và có căn cứ báo cáo Bộ NNPTNT đề xuất các biện pháp hiệu quả để quản lý thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật báo cáo chi tiết về tình hình sản xuất, lưu trữ trong kho hoặc lưu thông, buôn bán trên thị trường đối với thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate của tổ chức cá nhân đứng tên đăng ký.

Đang có nhiều tranh cãi trong việc sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. Ảnh: Reuters.

Đang có nhiều tranh cãi trong việc sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. Ảnh: Reuters.

Đồng thời báo cáo tình hình nhập khẩu đồng thời các doanh nghiệp tạm thời chưa thực hiện ký kết các hợp đồng nhập khẩu, sản xuất với đối tác nước ngoài cho đến khi có quyết định quản lý hoạt chất trên tại Việt Nam.

Thực tế, cho đến thời điểm này vẫn đang có nhiều tranh cãi về việc sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. Tại Mỹ, bồi thẩm đoàn ở California ngày 19/3 kết luận rằng Roundup là một "yếu tố quan trọng" khiến Edwin Hardeman, 70 tuổi, bị ung thư hạch không Hodgkin sau khi dùng nó để xử lý cỏ dại ở vườn trong 25 năm.

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tranh luận gay gắt trong hai năm trước khi quyết định gia hạn giấy phép cho glyphosate thêm 5 năm vào năm 2017.

Cơ quan điều hành của EU, Ủy ban châu Âu, dẫn chứng việc hai cơ quan khoa học là Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) và Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECA) phê duyệt glyphosate và không phân loại chất đó là chất gây ung thư. Tuy nhiên, đánh giá của EFSA bị nghi ngờ sau khi truyền thông đưa tin rằng báo cáo của họ đã sao chép các phân tích trong một nghiên cứu của Monsanto.

Dù Argentina không có quy định về Glyphosate trên toàn quốc, nhưng lãnh đạo địa phương ở các thị trấn và thành phố của quốc gia này đã thông qua các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ dù nông dân thường phản đối các biện pháp này vì cho rằng chúng ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ.

Tháng 8/2018, một tòa án ở Brazil đình chỉ giấy phép các sản phẩm có chứa Glyphosate, vốn được sử dụng rộng rãi tại cường quốc nông nghiệp Mỹ Latin này. Tuy nhiên, một tòa án cấp cao hơn đã dỡ bỏ lệnh cấm một tháng sau đó.

Chính phủ Sri Lanka từng cấm nhập khẩu Glyphosate vào tháng 10/2015 do lo ngại hóa chất gây ra bệnh thận mãn tính. Sau khi các tổ chức nông nghiệp chỉ ra rằng không nghiên cứu nào cho thấy có liên quan giữa bệnh và chất này, lệnh cấm nhập khẩu được dỡ bỏ vào tháng 7/2018. Dù vậy, việc sử dụng nó vẫn bị hạn chế đối với các đồn điền chè và cao su.

Tháng 3/2015, Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Glyphosate là "có thể gây ung thư ở người" dựa trên nghiên cứu dịch tễ học, nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu in vitro (nghiên cứu đối với các vi sinh vật, tế bào, hoặc các phân tử sinh học trong ống nghiệm). Tuy nhiên, năm 2016, một ủy ban chung của WHO với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) về dư lượng thuốc trừ sâu đã ban hành một báo cáo nói rằng việc sử dụng công thức glyphosate không gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Số lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ sử dụng tại Việt Nam. Ảnh: TT.

"Dừng sử dụng glyphosate sẽ làm tăng chi phí sản xuất từ 1,36 đến 1,9 tỷ USD tại châu Á"

Kết quả được đưa ra theo nghiên cứu mới nhất được tiến hành bởi Tiến sỹ Graham Brookes, Viện PG Economics, Anh Quốc cho thấy, tại 7 quốc gia tại khu vực Châu Á. Những tác động chính bao gồm: chi phí trừ cỏ tăng, hiệu quả kiểm soát cỏ dại giảm sút, hạn chế khả năng nông dân tiếp cận đồng ruộng và năng suất cây trồng giảm.

Glyphosate được sử dụng rộng rãi để kiểm soát cỏ dại tại khu vực Châu Á và chỉ có rất ít hoạt chất khác có thể được lựa chọn là giải pháp thay thế để trừ cỏ với hiệu quả và tính năng tương tự. Nếu không có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm glyphosate, nông dân phải kết hợp sử dụng nhiều biện pháp và sản phẩm khác nhau hoặc làm cỏ bằng tay, bằng máy. Những phương pháp kiểm soát cỏ dại thay thế này có tác động đáng kể bao gồm giảm hiệu quả kiểm soát cỏ dại, tăng mức độ sâu bệnh, khiến nông dân khó đi lại trên các cánh đồng và chi phí kiểm soát cỏ dại cao hơn

Theo nghiên cứu này, chi phí kiểm soát cỏ dại hàng năng sẽ tăng ở cả 7 quốc gia vào khoảng từ 1,36 tỷ đến 1,9 tỷ USD. Ảnh: IT

Theo nghiên cứu này, chi phí kiểm soát cỏ dại hàng năng sẽ tăng ở cả 7 quốc gia vào khoảng từ 1,36 tỷ đến 1,9 tỷ USD. Đây là mức tăng chi phí đầu vào đáng kể và nếu tính cả mức tác động do giảm năng suất, nông dân ở các quốc gia bị hạn chế sử dụng glyphosate sẽ không có khả năng cạnh tranh với các mặt hàng nông sản trên thế giới.

Những lợi ích kinh tế và môi trường của việc trồng ngô và bông chống chịu Glyphosate ở Úc, Philippines và Việt Nam sẽ chắc chắn mất đi. Hệ quả của việc hạn chế sử dụng glyphosate sẽ bao gồm cả những lợi ích của kỹ thuật canh tác không cày bừa, làm đất bao gồm giảm xói mòn đất, tăng giữ nước, ẩm trong đất, giảm lượng phát thải carbon.

Tại Việt Nam Glyphosate hiện nay đang được sử dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp Việt Nam, có 3,22 triệu kg hoạt chất glyphosate đã được sử dụng vào năm 2012, tương đương với 36% tổng hoạt chất trừ cỏ đã được sử dụng tại Việt Nam. Glyphosate hiện chiếm 11% tổng ngân sách thuốc trừ cỏ và chiếm khoảng 34 triệu USD tổng ngân sách dành cho mua thuốc bảo vệ thực vật.

Tại Việt Nam Glyphosate hiện nay đang được sử dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp Việt Nam, có 3,22 triệu kg hoạt chất glyphosate đã được sử dụng vào năm 2012, tương đương với 36% tổng hoạt chất trừ cỏ đã được sử dụng tại Việt Nam. Ảnh: IT

Nếu Glyphosate không được phép sử dụng chi phí kiểm soát cỏ dại hàng năm có thể tăng tới 44 triệu USD. Thay thế Glyphosate với với lượng nhiều hơn các loại thuốc trừ cỏ khác, đặc biệt là paraquat và 2,4 D có thể gia tăng chi phí kiểm soát cỏ dại tới 44 triệu USD mỗi năm. Nông dân đang trồng các giống ngô chống chịu thuốc trừ cỏ mới được phê duyệt sẽ phải chuyển sang các giống ngô thường và doanh thu hàng năm sẽ giảm 39 USD/ha hoặc 2 triệu USD mỗi năm do chi phí kiểm soát cỏ dại lớn hơn và năng suất thấp hơn.

Trao đổi với Dân việt về những tác động được đề cập trong nghiên cứu từ việc ngừng sử dụng thuốc diệt cỏ chứ hoạt chất Glyphosate, ông Nguyễn Xuân Hồng – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thừa nhận: “Nếu như Việt Nam cấm hoạt chất Glyphosate, thì chúng ta sẽ khuyến cáo nông dân sử dụng các hoạt chất khác để thay thế, tuy nhiên chí phí sẽ cao hơn và hiệu quả diệt cỏ sẽ không bằng thuốc diệt cỏ chứ hoạt chất Glyphosate.

“Ở Việt Nam theo quan điểm của tôi, cần theo dõi chặt tình hình hoạt chất Glyphosate phản ứng như thế nào, các công trình nghiên cứu của các nước khác cũng như các tổ chức quốc tế là những tài liệu tham khảo rất giá trị để xem xét có nên loại bỏ hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thưc vật hay không. Nếu như chưa có hoạt chất nào thay thế Glyphosate tốt hơn thì cũng còn phải xem xét chứ không phải vì một thông tin nào đó mà vội vàng cấm ngay”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng

Theo ông Hồng, bắt đầu từ năm 2016 khi có thông tin của Viện Nghiên cứu Ung thư quốc tế về khả năng gây ung thư của hoạt chất Glyphosate trong thuốc diệt cỏ, ngay lập tức Cục Bảo vệ thực vật đã trình Bộ NN&PTNT ra văn bản tạm dừng đăng ký mới thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất này.

Đến bây giờ mặc dù có phán xét của Bồi thẩm đoàn Mỹ kết luận thuốc diệt cỏ glyphosate gây ung thư nhưng hiện nay còn trên 100 quốc gia, kể các các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc… cho phép sử dụng Glyphosate vì họ cân nhắc rất nhiều khía cạnh.

Cục Bảo vệ thực vật cần tăng cường hợp tác trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế đặc biệt là các tổ chức về sức khỏe, bảo vệ môi trường xem các tổ chức này khuyến cáo ứng xử với Glyphosate như thế nào để sau đó mình có những cơ sở nhất định tham mưu cho Bộ NN&PTNT có những quyết định phù hợp.

Ông Hồng thừa nhận: “Hiện nay có một số hoạt chất khác có thể thay thể được hoạt chất Glyphosate, tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả sử dụng không cao bằng Glyphosate, đồng thời giá thành đắt hơn”.

Trước đó trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cục đã báo cáo với Bộ NN&PTNT về tình hình nhập khẩu và kinh doanh các loại thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate để tiến tới cấm sử dụng tại Việt Nam. Hiện các loại thuốc trừ cỏ chứa Glyphosate cũng được nhập khẩu và bán khá phổ biến tại Việt Nam.

Để chuẩn bị cho việc loại bỏ Glyphosate khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật vừa có công văn gửi các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật về việc báo cáo tình hình sản xuất, buôn bán thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, nội dung trên nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Đồng thời để có căn cứ Báo cáo Bộ NN&PTNT đề xuất các biện pháp quản lý hiệu quả đối với thuốc trừ có có chứa hoạt chất Glyphosate.

Khánh Nguyên- Đình Thắng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tiep-tuc-tranh-cai-viec-dung-su-dung-thuoc-tru-co-chua-glyphosate-968100.html