Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân

Sau mỗi cuộc đối thoại, ngoài những kiến nghị có thể trả lời trực tiếp, cần tổng hợp tất cả các ý kiến của người dân, phân loại rồi giao các công chức chuyên môn giải quyết. Người chủ trì hội nghị đối thoại phải dẫn dắt, gợi mở các vấn đề mà tỉnh, huyện, xã đang tập trung chỉ đạo, những vấn đề nhân dân quan tâm, đặc biệt là giải quyết ngay tại hội nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền cơ sở...

Lãnh đạo xã Nga Liên (Nga Sơn) trong một buổi tiếp xúc, nắm bắt nguyện vọng cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhân dân.

Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; Quyết định số 1737-QĐ/TU ngày 11-11-2014 của Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, để kịp thời giải quyết bức xúc nảy sinh ở cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân. Thực hiện các quy định trên, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.

Những kết quả bước đầu

Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương đã nhận thức được hoạt động đối thoại là kênh quan trọng và trực tiếp giúp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nắm bắt nguyện vọng, lắng nghe người dân hiến kế phát triển kinh tế - xã hội; cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề bức xúc tồn đọng. Vì vậy, tại nhiều cuộc đối thoại, các vấn đề người dân chất vấn đã được lãnh đạo chính quyền các địa phương nhận trách nhiệm, giải trình và cam kết có giải pháp khắc phục.

Năm 2017 - năm đầu triển khai tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân, toàn tỉnh có 622/635 xã, phường, thị trấn (đạt 98%) tổ chức được hội nghị đối thoại; còn lại 13 xã không thể tổ chức được vì chưa kiện toàn được chức danh chủ tịch UBND hoặc chủ tịch UBND ốm. Tại các hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân, đã có 64.431 người tham dự với 6.259 ý kiến đối thoại, góp ý, tập trung một số nhóm vấn đề bức xúc trong cuộc sống như: Công tác cán bộ, về tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức xã; lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, đất đai, tài nguyên và môi trường, quy chế dân chủ, liên quan trực tiếp đến cuộc sống và quyền lợi của người dân, trong đó có 5.718 ý kiến được giải đáp trực tiếp tại hội nghị (đạt 80%); 541 ý kiến được nghiên cứu trả lời bằng văn bản theo thẩm quyền (chiếm 20%).

Các ý kiến phản ánh, góp ý, trao đổi của nhân dân đều được chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chủ trì lắng nghe, tiếp thu và trả lời trực tiếp tại hội nghị và trả lời bằng văn bản, cơ bản đã tháo gỡ được những vấn đề còn khúc mắc, băn khoăn trong nhân dân. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương. Kết thúc hội nghị đối thoại, ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn đã ban hành thông báo kết quả hội nghị đến các ban công tác mặt trận và cho nhân dân biết, làm cơ sở để nhân dân và mặt trận giám sát việc thực hiện những cam kết của chủ tịch UBND tại hội nghị.

Khắc phục tính hình thức, lúng túng trong giải quyết kiến nghị

Bên cạnh những kết quả nổi bật, thực tế, vẫn có một số cấp ủy đảng triển khai chưa tốt, chưa thực hiện một cách rộng khắp; các hoạt động tiếp xúc đối thoại có nơi còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ nội dung trong quy chế.

Đồng chí Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, cho rằng: Do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ chưa đầy đủ về chủ trương tổ chức hội nghị đối thoại, còn có tư tưởng sợ hội nghị đối thoại làm phức tạp tình hình cơ sở, do vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ theo kế hoạch. Ở một số nơi sự phối hợp giữa MTTQ với chính quyền còn hạn chế dẫn tới triển khai chậm, cán bộ còn tâm lý ngại đối thoại nên việc xây dựng kế hoạch chưa bảo đảm, thành phần tham gia đối thoại chủ yếu là cán bộ khối xóm, trưởng các chi hội đoàn thể, cán bộ, công chức, chưa có nhiều đại biểu là người dân tham gia. Việc đối thoại giữa lãnh đạo xã với người dân còn nặng tính phản ánh, tiếp xúc, chưa rõ tính đối thoại, chưa gợi mở được cho người dân tham gia chất vấn về những vấn đề liên quan đến cơ sở và trách nhiệm của chính quyền.

Người dân xã Nga Điền (Nga Sơn) phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Qua kiểm tra việc thực hiện quy chế người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền đối thoại với nhân dân cho thấy, công tác chuẩn bị, quy trình, cách thức tổ chức đối thoại trực tiếp ở mỗi địa phương, cơ sở còn khác nhau. Trên thực tế, có không ít người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền cấp cơ sở chưa đủ năng lực để điều hành hội nghị đối thoại với nhân dân, chưa dành nhiều thời gian cho đối thoại, còn nặng về báo cáo đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội. Một số cán bộ chủ chốt các địa phương chưa nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu tình hình cơ sở chưa đầy đủ, cho nên khi đối thoại với dân còn lúng túng, bị động, không đáp ứng được yêu cầu...

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Lộc Bùi Thị Cẩm Tú nhận xét, trên thực tế, một số địa phương chưa chú ý việc tuyên truyền, công khai nội dung, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ rộng rãi đến người dân. Ngược lại, có địa phương chưa quan tâm khâu chuẩn bị, việc lấy phiếu xin ý kiến của người dân, dự báo, nắm rõ tình hình tư tưởng nhân dân, nhất là những người sẽ tham gia hội nghị đối thoại, xảy ra hiện tượng để các thành phần không có tính xây dựng phát biểu, lôi kéo số đông người dân theo ý không tốt, phá hỏng mục đích ban đầu của hội nghị đối thoại. Bên cạnh đó, việc giải quyết các kiến nghị của người dân chưa rõ ràng, công khai, minh bạch; cách giải quyết, viện dẫn còn chung chung; các vấn đề kiến nghị chưa được giải quyết thấu đáo... cũng là một trong các nguyên nhân để người dân không “mặn mà” với các hội nghị đối thoại.

Để đối thoại trở thành nền nếp, hiệu quả thiết thực hơn

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại, đưa hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đi vào nền nếp, ngày 17-9-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 2543–QĐ/TU về Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quy chế quy định đối tượng, mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức và chế độ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện kết luận sau hội nghị đối thoại.

Theo kinh nghiệm của Chủ tịch UBND xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) Hà Văn Năng thì, trong hội nghị đối thoại phải thể hiện rõ sự trân trọng ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân, cụ thể là thông qua việc giải quyết các kiến nghị chính đáng. Sau mỗi cuộc đối thoại, ngoài những kiến nghị có thể trả lời trực tiếp, cần tổng hợp tất cả các ý kiến của người dân, phân loại rồi giao các công chức chuyên môn giải quyết. Người chủ trì hội nghị đối thoại phải dẫn dắt, gợi mở các vấn đề mà tỉnh, huyện, xã đang tập trung chỉ đạo, những vấn đề nhân dân quan tâm, đặc biệt là giải quyết ngay tại hội nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền cơ sở; công khai tiến độ, thời gian giải quyết, cơ quan giải quyết và người chịu trách nhiệm để nhân dân giám sát, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào cấp ủy đảng, chính quyền.

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Xương Lê Thị Sơn, nhấn mạnh: Người dân rất quan tâm việc sau đối thoại, chính quyền địa phương, các ngành chức năng có giám sát được cán bộ, công chức, cấp cơ sở giải quyết và công khai kết quả giải quyết kiến nghị của người dân như thế nào. Thực tế, một số địa phương đã có cơ chế làm rõ trách nhiệm và việc thực hiện trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kết luận sau tiếp xúc đối thoại; yêu cầu báo cáo định kỳ, công khai kết quả giải quyết sau đối thoại đến người dân. Tuy nhiên, để sự giám sát này thực sự hiệu quả cao, thiết thực, phải có sự phối hợp với tổ chức đoàn thể, có cơ chế để người dân được tham gia giám sát, kiểm tra. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên để người dân được biết việc chính quyền xử lý những cán bộ yếu chuyên môn, có sai phạm sau khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân.

Theo đồng chí Hoàng Khắc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XIII thì, để công tác đối thoại thực sự đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực hơn, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu rộng Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và của các cơ quan liên quan trong tham mưu, giải quyết kiến nghị của người dân, tránh tình trạng nể nang, né tránh. MTTQ, các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ, nắm bắt những bức xúc trong nhân dân và tăng cường giám sát thực hiện đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Các địa phương tiếp tục trao đổi thông tin, tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm tốt để tổ chức hoạt động đối thoại hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: Phan Nga

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tiep-tuc-thuc-hien-tot-quy-che-doi-thoai-giua-nguoi-dung-dau-cap-uy-chinh-quyen-voi-nhan-dan/105283.htm