Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng

Sáng 28-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức hội thảo khoa học: Kết quả công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020.

Sáng 28-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức hội thảo khoa học: Kết quả công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020.

Các đồng chí: Phan Ðình Trạc, Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Lê Thị Nga, Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư, đồng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, góp ý về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (năm 2013) đến nay và thống nhất nhận định: Về cơ bản, công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng đến nay, đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu; có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ nét, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong đó, kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã tạo bước đột phá; một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, tạo chuyển biến tích cực; tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm.

Phát biểu ý kiến tổng kết hội thảo, đồng chí Phan Ðình Trạc nêu rõ, hội thảo đã tập trung đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được của công tác PCTN, nêu lên những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; làm rõ hơn một số vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn, đề xuất mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp có tính chất đột phá, toàn diện, căn bản, lâu dài, không chỉ cho nhiệm kỳ Ðại hội XIII của Ðảng mà còn cho cả chặng đường dài tiếp theo trong cuộc đấu tranh PCTN.

Nhấn mạnh công tác PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa khó khăn, phức tạp, vừa cấp bách, lâu dài, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành phải tiến hành đồng bộ, kiên quyết, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, không có ngoại lệ, gắn PCTN với phòng, chống lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đồng chí Phan Ðình Trạc nêu rõ một số định hướng PCTN thời gian tới. Trong đó, tiếp tục tăng cường kiểm soát, giám sát hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn bằng các nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, công khai minh bạch. Nâng cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu, kiểm soát tài sản, thu nhập, nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Ðảng, thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát lẫn nhau giữa cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp và giám sát trong nội bộ các cơ quan, tổ chức. Chủ động phát hiện kịp thời, xử lý công bằng, nghiêm minh, công khai mọi hành vi tham nhũng để răn đe. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tham nhũng và PCTN, giáo dục liêm chính, nâng cao trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm, nói đi đôi với làm của người đứng đầu, xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, quy tắc đạo đức của người thực thi công vụ; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích. Ðồng chí lưu ý, các giải pháp PCTN phải phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc, tạo sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, sự vào cuộc tích cực của báo chí và phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên... từ đó, xây dựng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong cuộc đấu tranh PCTN.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinhtri/tiep-tuc-thuc-hien-quyet-liet-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-626171/