Tiếp tục thực hiện ở mức cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Chiều 26-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Chiều 26-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Tại cuộc họp, liên quan việc ghi nhận các trường hợp nhập cảnh trái phép dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tình hình nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới tây nam khá phức tạp, nguy cơ xảy ra đợt dịch thứ tư tại Việt Nam rất lớn. Do vậy, các địa phương chủ động tăng cường giám sát sàng lọc, giám sát trọng điểm để phát hiện càng nhanh, càng tốt các ca bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương phải chuẩn bị kịch bản về xét nghiệm, cách ly và điều trị. Xét nghiệm càng nhanh trên diện rộng, phong tỏa hẹp lại sẽ ít tác động tới kinh tế - xã hội và người dân. Các địa phương có trường hợp liên quan ca nhiễm mới được phát hiện cần mở rộng điều tra dịch tễ, thực hiện thần tốc truy vết, cách ly các trường hợp nhập cảnh cùng hai trường hợp nhập cảnh trái phép về nước mắc Covid-19; lập danh sách người tiếp xúc gần và có liên quan; tổ chức điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm theo quy định…

Ban Chỉ đạo và các chuyên gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; các cơ sở y tế, trường học, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các bộ, ngành tiếp tục đôn đốc các giải pháp kỹ thuật, sẵn sàng tạo điều kiện cho những đối tượng có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam sau khi đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Yêu cầu Bộ Y tế có phương án về cơ chế, địa điểm, thời gian cách ly, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với: Các chuyên gia, thương nhân đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19; người Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam đã được tiêm đầy đủ vắc-xin, có nhu cầu về nước; chuẩn bị phương án dài hạn trong việc đón người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam với mục đích giao lưu, đi du lịch… trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhưng bảo đảm an toàn...

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, lô vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được cung cấp qua COVAX Ficility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần. Việc khan hiếm vắc-xin đang là thách thức với các nước, trong đó có Việt Nam (không phải là nước ưu tiên vắc-xin vì đang kiểm soát tốt dịch bệnh). Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam lưu ý, những vắc-xin phòng Covid-19 nhập khẩu về Việt Nam phải là những vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp phép. Chỉ những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc-xin mới được thực hiện nhập khẩu các loại vắc-xin này. Việc tiêm vắc-xin phải được thực hiện tại các cơ sở y tế thuộc ngành y tế và đúng đối tượng theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP đã nêu.

Ban Chỉ đạo lưu ý, từ trước khi có vắc-xin, Việt Nam vẫn chống dịch tốt. Ðể tiêm vắc-xin đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì còn là một câu chuyện dài. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, ở mức cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch như đã làm từ trước đến nay.

Sáng 26-3, tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đến thăm và động viên lực lượng tham gia nghiên cứu, các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm mũi hai giai đoạn hai của vắc-xin Nano Covax. Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn các tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, phát triển. Mỗi tình nguyện viên đang trực tiếp đóng góp vào quá trình nghiên cứu, phát triển vắc-xin của Việt Nam để làm sao trong thời gian nhanh nhất có được vắc-xin phòng Covid-19 phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Ðồng thời, bày tỏ tin tưởng vào đội ngũ khoa học tham gia phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam; tiến tới về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trung tướng, GS, TS Ðỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: Giai đoạn một thử nghiệm vắc-xin Nano Covax rất an toàn, tạo ra kháng thể tốt, khả năng trung hòa vi-rút tốt, đã có kháng thể chống lại vi-rút biến chủng mới tại Anh (B117). Giai đoạn hai thử nghiệm vắc-xin với số lượng mẫu lớn hơn giai đoạn một (560 tình nguyện viên), tiếp tục thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm, nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể và khả năng diệt vi-rút của kháng thể đó. Dự kiến cuối tháng 4-2021, sẽ kết thúc mũi tiêm thứ hai của giai đoạn hai. Với tiến độ như hiện nay, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7-2021 có thể trình Hội đồng Ðạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thông qua giai đoạn ba, có thể cấp phép tiêm thử nghiệm trên diện rộng hơn. Ðến nay, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể nhưng vẫn bảo đảm tính khoa học an toàn, nhằm mục tiêu sớm có vắc-xin hiệu quả cho người Việt Nam.

Ngày 26-3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho cán bộ y tế tuyến cơ sở với 700 điểm cầu trong cả nước. Tại hội nghị, các chuyên gia về tiêm chủng cho rằng, mọi loại vắc-xin cả cũ và mới phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn cho nên cần thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn về khám sàng lọc, phân loại người tiêm. Các chuyên gia về hồi sức cũng đã có hướng dẫn rất kỹ với cán bộ y tế tuyến cơ sở trong việc xử trí các ca phản vệ sau tiêm.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vắc-xin phòng Covid-19 đang được sử dụng ở nước ta mặc dù có phản ứng không mong muốn, nhưng nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới. Một số nước châu Âu tạm dừng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, nhưng sau khi đánh giá lại, đã quay trở lại tiêm vắc-xin. Bộ Y tế xác định việc xử lý các ca phản ứng sau tiêm cao hơn một mức, cho nên có một số trường hợp sau tiêm vắc-xin chưa phải phản vệ độ 2 nhưng đã xử lý ngay. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương bảo đảm an toàn cao nhất cho người tiêm.

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 26-3, Việt Nam ghi nhận bảy trường hợp mắc Covid-19, trong đó có ba ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (2.582, 2.583 và 2.584) và bốn ca nhập cảnh trái phép cũng đã được cách ly. Cụ thể bốn ca nhập cảnh trái phép gồm: Người bệnh thứ 2.580 (nữ, 25 tuổi, ở Trà Ôn, Vĩnh Long), nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ngày 22-3 qua tàu cá tại Phú Quốc, sau đó di chuyển về TP Hồ Chí Minh bằng đường biển và đường bộ; ngày 24-3, đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện FV, TP Hồ Chí Minh, dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Người bệnh thứ 2.581 (nữ, 25 tuổi, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh), nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ngày 22-3 qua tàu cá tại Phú Quốc rồi cùng một người khác lên chuyến bay VJ458 di chuyển từ Phú Quốc về sân bay Nội Bài, sau đó đi xe riêng về Hải Phòng; ngày 24-3, đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng cho kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 (người đi cùng có kết quả âm tính). Người bệnh thứ 2.586 (nữ, 26 tuổi, ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), nhập cảnh trái phép tại Phú Quốc ngày 22-3, sau đó di chuyển từ Phú Quốc về sân bay Nội Bài và tiếp tục về TP Hải Phòng; kết quả xét nghiệm ngày 26-3 dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Người bệnh thứ 2.585 (nam, 44 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ngày 23-3, sau đó về Bình Dương; kết quả xét nghiệm ngày 25-3 dương tính với vi-rút SARS-CoV-2.

Trong ngày 26-3, nhiều địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phát đi thông báo yêu cầu những hành khách đi trên chuyến bay VJ458 từ Phú Quốc về Nội Bài ngày 22-3, hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 15 giờ, phải tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thông báo đến số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch: 0969.082.115 - 0949.396.115 để được tư vấn.

CDC tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại Thanh Hóa có một người làm việc ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân là F1 của ca bệnh xác định do cùng chuyến bay VJ458 và 14 trường hợp F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả âm tính lần một với vi-rút SARS-CoV-2. Ngoài đưa trường hợp F1 đến Trung tâm Y tế huyện cách ly tập trung, cơ quan chuyên môn đã thực hiện phun tiêu độc, khử trùng nơi làm việc cùng những nơi F1 này đã đến, hướng dẫn các trường hợp F2 cách ly tại nhà.

Tại TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã xác định tám trường hợp F1, 23 trường hợp F2 của BN 2.580, tất cả đã có kết quả âm tính lần một với vi-rút SARS-CoV-2. Riêng ca nhập cảnh trái phép tại Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đi cùng với nhóm nhập cảnh trái phép đã có kết quả xét nghiệm âm tính, khu nhà trọ ở hẻm 102 Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp được gỡ phong tỏa. CDC thành phố cũng đang tìm kiếm hai lái xe chở BN 2.580; đề nghị hai người này liên hệ khai báo với cơ quan y tế địa phương. Riêng các trường hợp sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, hãy gọi số điện thoại đường dây nóng của trung tâm y tế quận, huyện nơi cư trú để khai báo y tế và được hướng dẫn phòng bệnh theo quy định.

Ngày 26-3, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên dẫn đầu, đã kiểm tra công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ðoàn kiểm tra đề nghị thành phố tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; nhất là đẩy mạnh thực hiện thông điệp "5K + vắc-xin". Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép vào thành phố. Nếu có ca bệnh cần khoanh vùng diện hẹp, kịp thời dập dịch...

Tính đến 12 giờ ngày 26-3, cụm dân cư Văn Xá ở phường Ái Quốc, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) là cụm dân cư cuối cùng của Hải Dương được gỡ bỏ phong tỏa sau khi tất cả người dân trong vùng cách ly y tế có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần với vi-rút SARS-CoV-2. Tính đến ngày 26-3, tỉnh Hải Dương có 726 người mắc Covid-19 (đã điều trị khỏi 536 trường hợp); 17.557 trường hợp F1 cách ly tập trung; đã lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 gần 714 nghìn người. Trong cả đợt dịch vừa qua toàn tỉnh Hải Dương thực hiện phong tỏa hơn 80 khu (cụm) dân cư, hai xã cùng với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/tiep-tuc-thuc-hien-o-muc-cao-nhat-cac-bien-phap-phong-chong-dich-covid-19-639927/