Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

(MPI) – Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, cho đến nay, về cơ bản, việc sửa các Nghị định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ đã được ban hành.

Theo Báo cáo, Chính phủ yêu cầu các bộ phải hoàn thành Tài liệu hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP trong quý I năm 2019, tuy nhiên chỉ có một số ít bộ ban hành đầy đủ Tài liệu hướng dẫn đúng hạn gồm Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Tư pháp. Những bộ khác ban hành chậm hơn hoặc thậm chí chưa ban hành. Việc ban hành chậm hoặc chưa ban hành tài liệu hướng dẫn gây lúng túng và khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng Kế hoạch hành động. Điều này dẫn tới thực tế là các địa phương vẫn phải ban hành Kế hoạch hành động để đảm bảo đúng hạn, nhưng nội dung không sát với yêu cầu, kế hoạch được ban hành mang tính hình thức hơn là đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực thực thi.

Về thực hiện các cải cách cải thiện các chỉ số Môi trường kinh doanh theo Doing Business và việc cập nhật cải cách cho Ngân hàng Thế giới, trong tháng 5 năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trực tiếp trao đổi với nhóm chuyên gia Doing Business của Ngân hàng thế giới để cập nhật các nội dung cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam. Những nội dung cải cách của Việt Nam được nhóm chuyên gia đánh giá cao và sẽ được Ngân hàng Thế giới kiểm chứng lại trong quá trình điều tra và phân tích dữ liệu để đưa vào đánh giá, xếp hạng trong Doing Business 2020 (dự kiến công bố vào tháng 10/2019).

Về khởi sự kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các Phòng đăng ký kinh doanh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng gộp 04 bước thủ tục (gồm Đăng ký thành lập doanh nghiệp; Thông báo mẫu con dấu; Khắc dấu; Mở tài khoản ngân hàng) thành 01 bước thủ tục. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017, theo đó rút ngắn thời gian đăng ký tự in hóa đơn từ 10 ngày xuống còn 02 ngày. Đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực thi, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định. Theo đó, Khởi sự kinh doanh của Việt Nam từ 8 bước thủ tục và 17 ngày như hiện nay dự kiến được ghi nhận giảm xuống còn 5 bước thủ tục và 8 ngày.

Ngoài ra, tiếp tục nỗ lực cải cách chỉ số này, ngày 04/5/2019, Bộ Tài chính có Văn bản số 5116/BTC-CST kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc sửa Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài theo hướng cho phép miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên. Nếu thực hiện cải cách này sẽ tác động đáng kể tới việc tăng điểm số và cải thiện thứ hạng chỉ số của Việt Nam, thể hiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cấp phép xây dựng của Việt Nam từ 10 bước thủ tục và 166 ngày như hiện nay dự kiến được ghi nhận giảm xuống còn 10 bước thủ tục và 52 ngày. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận những cải cách của Việt Nam trong các quy định về Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng và Trách nhiệm pháp lý về các vấn đề khi công trình đưa vào sử dụng.

Về giao dịch thương mại qua biên giới, những năm qua, cải cách thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới (gồm thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành) luôn được Chính phủ quan tâm, chú trọng. Thủ tục hải quan đã có nhiều cải cách mạnh mẽ, theo thông lệ quốc tế tốt; quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được chú trọng cải cách hơn, song còn chậm và mức độ khác nhau giữa các bộ, ngành.

Nhìn chung, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã có một vài chuyển biến tích cực, song không đều và trong một số trường hợp vẫn mang tính hình thức hơn là cải cách thực chất. Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6/2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2019, nhiệm vụ này chưa có chuyển biến rõ ràng nào được ghi nhận.

Về cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành tại Phụ lục kèm theo Luật đầu tư. Theo đó, đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề; sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề để thống nhất với Luật thủy sản, Luật lâm nghiệp và Luật báo chí). Danh mục này ban hành kèm theo Luật đầu tư (đang dự thảo sửa đổi), dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nghiên cứu, đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019. Theo rà soát sơ bộ về chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh cho thấy số điều kiện kinh doanh cắt giảm thực chất, thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chưa đạt được kết quả như báo cáo của các bộ.

Thực hiện yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành có thể đề xuất, kiến nghị ban hành Nghị định sửa các Nghị định về điều kiện kinh doanh hoặc sửa riêng từng Nghị định liên quan. Cho đến nay, về cơ bản, những Nghị định sửa các Nghị định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ đã được ban hành.

Về tình hình và kết quả đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tính đến cuối tháng 12/2018, tỷ trọng thanh toán tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán đạt 11,49%. Hình thức sử dụng tiền mặt là phổ biến với 90% chi tiêu sử dụng tiền mặt, 99% cho mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền. Hiện nay, chưa có số liệu cập nhật về các chỉ tiêu này. Về thực hiện yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nội dung này đã được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm. Kế hoạch hành động của các địa phương đều chú trọng tới nội dung này.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết số 02, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành đầy đủ các Tài liệu hướng dẫn về nhóm chỉ số, chỉ số thành phần được giao và mẫu biểu báo cáo, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của các bộ trước ngày 15/6/2019. Đồng thời, gửi đường link các Tài liệu hướng dẫn và mẫu biểu báo cáo về Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp. Tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi.

Theo Báo cáo, trước ngày 10/6/2018, các bộ, ngành, địa phương phải gửi Báo cáo kết quả cải cách điều kiện kinh doanh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Báo cáo gồm một số nội dung như: (i) Kết quả cắt giảm (số điều kiện kinh doanh bãi bỏ, số điều kiện sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, số điều kiện bổ sung); (ii) Đường link đăng tải Danh mục điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm; (iii) Tài liệu hướng dẫn, tập huấn về nội dung cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh (nếu có) và kế hoạch hướng dẫn, tập huấn, giám sát việc thực thi; (iv) Đánh giá chất lượng thực thi các cải cách về điều kiện kinh doanh; (v) Kế hoạch tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh (nếu có); (vi) Chi tiết liên hệ của bộ phận đầu mối về cải cách điều kiện kinh doanh ở các bộ.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa…/.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43393&idcm=188