Tiếp tục thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội

Ngày 4-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.

Đại biểu QH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG KHÁNH

Đại biểu QH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG KHÁNH

Ngày 4-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.

Nghiêm túc rút kinh nghiệm việc biên soạn sách giáo khoa

Vấn đề sai sót trong sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được các đại biểu QH đặc biệt quan tâm và thảo luận sôi nổi. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) và một số đại biểu cho rằng, muốn biên soạn bộ SGK hoàn chỉnh, trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại làm theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ phá vỡ chỗ kia. Điều này bộc lộ rõ về quy trình, thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng. Do vậy, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm, quan điểm đúng đắn, đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là với trẻ em. Những lỗi sai trong SGK lớp 1 cần phải được giải quyết, xử lý triệt để ở từng cấp, từng bộ phận, không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.

Về nạn SGK giả, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho biết: Tình trạng sách lậu đã tồn tại trong nhiều năm qua, chưa được dẹp bỏ. Gần đây, ngày 16-9, lực lượng công an và quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ tại một cơ sở gần 60 nghìn cuốn, trong đó có cả SGK, sách tham khảo cùng 3,7 tấn bán thành phẩm đang bị in lậu. Xuất phát từ chính băn khoăn lo lắng của cử tri về việc người dân có nguy cơ mất tiền mua SGK giả, đại biểu đề xuất truy cứu trách nhiệm với hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo.

Tham gia giải trình trước các ý kiến của đại biểu QH về bộ SGK lớp 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong Luật Giáo dục (sửa đổi), Điều 32, khoản 3 quy định rất rõ, trách nhiệm trực tiếp ở đây là của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo là người chịu trách nhiệm về SGK ở tất cả các khâu. Trước đây, chúng ta làm một chương trình, một bộ sách, gần như không phân biệt. SGK sẽ không đạt chất lượng tốt nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục, nhất là nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công bố các bản thảo SGK để người dân sẽ góp ý, qua đó tiếp thu ý kiến đúng. Phó Thủ tướng cho biết, ngành giáo dục đã tiếp thu các ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm về các sai sót trong SGK lớp 1. Đồng thời, nghiêm túc rút kinh nghiệm để quá trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 sắp tới tránh được các sai sót.

Quyết tâm phục hồi kinh tế đất nước

Tại phiên họp, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 là nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm. Nhiều đại biểu khẳng định, năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân ta đã chung sức đồng lòng tập trung phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ như vừa qua ở một số tỉnh miền trung bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế nước ta. Vì vậy, kiến nghị QH, Chính phủ cần có những phương án, giải pháp cụ thể nhằm giảm thiệt hại từ đại dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới.

Nhất trí với nội dung các báo cáo về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) và một số đại biểu ủng hộ các giải pháp phục hồi kinh tế đất nước sau dịch bệnh và thiên tai. Đồng thời bày tỏ mong muốn QH, Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung gói hỗ trợ theo hướng tăng thêm cùng với các giải pháp khắc phục những thiệt hại sau thiên tai tại miền trung vừa qua. Nhiều đại biểu QH đề nghị QH, Chính phủ cần đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về nguyên nhân của tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Từ đó có cơ sở tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chiến lược quy hoạch vùng và đề ra các giải pháp nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo và ứng phó kịp thời để giảm nhẹ tác động, ảnh hưởng các loại thiên tai.

Tại phiên họp hôm qua, nhiều đại biểu tiếp tục thảo luận liên quan hoạt động của thủy điện trong bối cảnh các tỉnh miền trung vừa trải qua đợt lũ lụt, mưa bão lịch sử gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh làm rõ thêm một số nội dung về quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành thủy điện. Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có 429 thủy điện, công trình thủy điện quy mô khác nhau, đóng góp nguồn điện quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Ngoài những tác động tích cực thì thủy điện đang phát sinh những tác động tiêu cực đến môi trường: đất, nước, khí hậu và đời sống dân sinh. Vì vậy, QH, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và có nhiều chỉ đạo về việc quản lý phát triển cũng như vận hành các dự án thủy điện. Bên cạnh đó, hằng năm đều có các cuộc kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết 62/2013/QH13 của QH về các nội dung quan trọng, như quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác thủy điện. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, phải xác định đối phó với thiên tai, bão lũ là một vấn đề mới, đặt công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra các cảnh báo đầy đủ hơn, đưa ra các dự báo cho công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời khẳng định, Bộ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH, sẽ làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá các mặt hạn chế, siết chặt quản lý để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực và tiếp tục khai thác tốt các nguồn tài nguyên của đất nước.

Trong chiều 4-11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tham gia giải trình các vấn đề liên quan phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi. Đồng tình với các ý kiến của các đại biểu QH về thực trạng, những khó khăn trong đời sống và bất cập của chính sách cũng như một số giải pháp liên quan đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2003 của Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng khóa IX về công tác dân tộc và ban hành Kết luận số 65-KL/TW năm 2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết này trong tình hình mới. Theo tinh thần đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trình QH, được Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ QH và QH đồng tình. Trong lúc đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, đại dịch Covid-19 khiến nhiều chỉ tiêu thu không đạt nhưng T.Ư Đảng, QH, Chính phủ vẫn dành gần năm tỷ USD, tương đương 104 nghìn tỷ đồng từ ngân sách T.Ư để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn này.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tiep-tuc-thao-luan-cac-van-de-kinh-te-xa-hoi-623264/