Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động

Kết quả Điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy, người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, do vậy, các chính sách cần tiếp tục tập trung vào các đối tượng này nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Sáng 6/10, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2020.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Theo đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 tại thành phố Đà Nẵng đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động sau thời gian giãn cách toàn xã hội vào tháng 4/2020.

Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ phó Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, tình trạng thất nghiệp quý III đã có dấu hiệu giảm nhiệt so với quý II tại một số quốc gia trên thế giới, như Canada, Mỹ, Trung Quốc với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 năm 2020 tương ứng là 10,2%; 8,4%; 5,9%.

Trong nước, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là hơn 1,2 triệu người, giảm 63.000 người so với quý trước và tăng 148.200 người so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê còn cho biết, thu nhập của người lao động quý III năm 2020 đã cải thiện so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.

Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258.000 đồng so với quý trước và giảm 115.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2020 ở ba khu vực kinh tế được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19.

Tại họp báo, Phó giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Valentina Barcucci nhấn mạnh, thị trường lao động chưa thể quay trở lại như năm 2019, nhóm phụ nữ lao động phi chính thức vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ số thất nghiệp là chỉ số được quan tâm nhiều nhất khi thị trường lao động gặp phải “cú sốc” do dịch bệnh COVID-19 mang lại... Nữ Phó giám đốc ILO cho hay, có một thực tế là trong quý III/2020, nhiều lao động đã rời khỏi thị trường lao động vì lý do nào đó mà không trở lại làm việc nữa, vì thế, điều này lý giải cho việc mặc dù thống kê Việt Nam mất hơn 1 triệu lao động nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại không tăng nhiều. Và nó cũng lý giải cho tỷ lệ thất nghiệp không phải là chỉ số phản ánh toàn bộ bức tranh lao động việc làm. “Quan trọng là ở đây, chúng ta phải nhìn vào nhóm người đang có việc làm công việc họ có tốt hay không chất lượng công việc thế nào, việc làm phi chính thức, nhóm không tham gia vào thị trường lao động” – nữ Phó Tổng giám đốc ILO tại Việt Nam nói.

Đồng quan điểm này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: tỷ lệ thất nghiệp thành thị quý III là 4%, bình quân 9 tháng là 3,88% thấp hơn mục tiêu 4%, trong quý III. Dịch bùng phát nghiêm trọng, nhưng với sự ứng phó quyết liệt, hiệu quả, khoanh vùng, giãn cách hạn chế nên đã không ảnh hưởng nhiều tới lao động việc làm, minh chứng là quý III, đã bước đầu có khởi sắc, lao động tìm được nhiều việc hơn và chúng ta có thể kỳ vọng vào quý IV với thời điểm là Tết Nguyên đán, các hoạt động tiêu dùng đẩy mạnh, sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, người lao động nhiều việc làm hơn, thất nghiệp được kiểm soát nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt.

Ông Nguyễn Huy Minh, Vụ phó Vụ Thống kê dân số và lao động phân tích, một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề như hàng không, vận tải , cắt giảm lao động, tính đến thời điểm 10/9, có 2,4% được nghỉ việc trong đó có 5% giãn việc luân viên, 7,8% bị giảm lương hay một số ngành đặc biệt là vận tải có tới 99,5%, du lịch 43,2%, dịch vụ lưu trú 27,8% lao động giảm lương...

Theo ông Minh, tới đây, cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh gói hỗ trợ lần thứ 2 tháo gỡ khó khăn, cải cách quy trình thủ tục cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đề xuất hỗ trợ đào tạo tìm kiếm việc làm đóng góp vào phục hồi kinh tế trong thời gian tới...

Dự báo tình hình lao động việc làm quý IV, với nỗ lực kiểm soát của Chính phủ, tình hình kinh tế có khởi sắc hơn . Nếu với đà này, trong quý IV, thị trường phát triển sôi động nhất, mọi nguồn lực của nền kinh tế trong quý IV sẽ có nhiều tín hiệu khả quan.

Khi đó, thị trường lao động sẽ bảo đảm đà phục hồi. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, có 81% lạc quan tin tưởng rằng, trong quý IV lực lượng lao động tăng lên, lao động có việc sẽ tăng, tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm đi, các chỉ số chất lượng người lao động được cải thiện hơn.../.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/tiep-tuc-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-564998.html