Tiếp tục than khó việc quản lý vỉa hè

Ngày 20.7, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự lòng đường, vỉa hè 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Vỉa hè Q.1 nhiều nơi vẫn còn bị tái lấn chiếm, "đẩy" người đi bộ xuống lòng đường - Ảnh: Khả Hòa

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông, làm chết 304 người, bị thương 1.147 người (so với cùng kỳ năm 2018, giảm 115 vụ, giảm 39 người chết, giảm 68 người bị thương). Đa số các vụ tai nạn giao thông đều “dính” đến rượu bia.

“Quản” trật tự đô thị phải liên tục

Đề cập đến vấn đề trật tự đô thị, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND Q.1, cho biết quận đã tập trung chuyển hóa ở 10 tuyến đường và 4 địa điểm phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2019. Đó là các tuyến đường: Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải, Nguyễn Trung Trực, Đề Thám, Nguyễn Thái Bình… “Đối với lượng xe buýt, xe khách đậu, đỗ không đúng quy định, quận đã kiểm tra xử lý hơn 1.500 trường hợp. Ngoài ra, việc kiểm tra xử lý trật tự lòng lề đường thì quận, phường đã xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm. Riêng khu vực chợ đêm Bến Thành đã xử lý 95 vụ vi phạm”, ông Dũng thông tin. Ông Dũng thừa nhận có thời điểm làm rất mạnh nhưng vì những áp lực, sự đối phó của các hộ kinh doanh và các chủ phương tiện nên công tác đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè gặp khó khăn.

Liên quan đến vấn nạn “bát nháo” bến cóc, xe dù, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5, cho biết hiện nay có khoảng 100 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn. Tuy nhiên, các đơn vị lấy những vị trí này làm điểm trung chuyển, đón trả khách, bốc dỡ hàng hóa… “Khi mình siết việc này, họ đăng ký kinh doanh ở các tỉnh và chỉ lập văn phòng đại diện trên địa bàn để lách luật, khiến việc xử lý gặp khó khăn. Sắp tới, chúng tôi sẽ gắn camera tại các vị trí kinh doanh này để kiểm tra, giám sát”, ông Huy nêu một trong những giải pháp.

Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, chia sẻ những khó khăn đối với các quận, huyện trong việc quản lý lòng, lề đường; đồng thời cho rằng việc ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng lòng đường, vỉa hè bị tái lấn chiếm phức tạp để làm nơi kinh doanh, buôn bán mà chưa có biện pháp xử lý căn cơ, ông Phong đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, các sở, ban ngành phải quán triệt và triển khai các giải pháp cụ thể. Xác định “quản” trật tự đô thị là nhiệm vụ mang tính chất lâu dài, liên tục, ông Phong nhấn mạnh sẽ có những khen thưởng kịp thời cho các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt. Ngoài ra, sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình trạng lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Phải tính toán hiệu quả tiền lấy từ ngân sách

Nói về “số phận” các phương tiện giao thông công cộng đến nay vẫn “hẩm hiu”, mặc dù số tiền chi từ ngân sách hằng năm rất nhiều, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, mỗi năm trợ giá xe buýt vận từ 1.000 - 1.400 tỉ đồng. Theo ông Phong, đây là tiền lấy từ ngân sách, lấy từ người dân nên với trách nhiệm người quản lý, phải tính toán về hiệu quả.

Nói về tuyến buýt đường thủy, ông Phong nhận định đến thời điểm này, loại phương tiện này chủ yếu phục vụ du lịch. “Khoảng 750 khách di chuyển mỗi ngày, trong đó số khách đi lại thường xuyên chỉ khoảng 25 người; còn lại phần lớn là khách vãng lai, khách du lịch”, ông Phong dẫn chứng và yêu cầu các sở ngành sớm có giải pháp thúc đẩy loại phương tiện này, góp phần giảm tải giao thông trên bộ, chứ không đơn thuần là phục vụ du lịch.

Trác Rin

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tiep-tuc-than-kho-viec-quan-ly-via-he-1105743.html