Tiếp tục tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh yêu cầu này tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020, diễn ra tại Hà Nội ngày 23/9.

Đây là ngày hội tôn vinh, biểu dương gần 400 người, trong đó có các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, cơ sở giáo dục của cả nước trong 5 năm qua.

Nhiều đổi mới trong phong trào thi đua

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho hay, thời gian qua, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã chủ động phát động và tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua của ngành nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa được tích cực thực hiện; việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá người học ngày càng thực chất, hiệu quả hơn; đội tuyển học sinh tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích xuất sắc, luôn thuộc tốp 10 nước dẫn đầu.

Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng và bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thể chất cho học sinh, sinh viên luôn được chú trọng. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tốt; hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt được nhiều thành tựu mới…

Giai đoạn 2020-2025, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục phát động. Trong đó, tập trung thực hiện tốt phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong học tập, giảng dạy và quản lý giáo dục.

“Chúng ta đã có nhiều gương người tốt, việc tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường tốt cho các thầy cô đổi mới, sáng tạo; hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh; xây dựng môi trường nhà trường hạnh phúc. Tinh thần này cần lan tỏa trong ngành và từng bước lan tỏa trong xã hội. Đây là một trong những điểm nhấn, một đột phá trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại Đại hội, thay mặt Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Giáo dục, ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ GD&ĐT công bố quyết định khen thưởng cho tổng số 384 cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến, gồm: Khối các Sở GD&ĐT: 188 tập thể và cá nhân; Khối các trường thuộc bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 84 tập thể và cá nhân; Khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT: 102 tập thể và cá nhân. Có 24 tập thể, cá nhân (19 tập thể và 5 cá nhân), đại diện cho các điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục lên vị trí danh dự để nhận Bằng khen của Bộ trưởng.

Khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhiệt liệt biểu dương những thành tựu quan trọng, sự nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục, của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý tâm huyết, trách nhiệm và các em học sinh, sinh viên nỗ lực vượt khó, học tập tốt trong cả nước. Đồng thời, chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng tại Đại hội hôm nay.

“Kết quả các phong trào thi đua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp GD-ĐT; đồng thời cho thấy, ngành Giáo dục có quyết tâm và có nhiều đổi mới, đóng góp tích cực vào phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực, là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, góp phần vào thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới của đất nước ta” - Phó Chủ tịch nước nói.

Điểm lại một số kết quả ngành Giáo dục đã tích cực hưởng ứng, đạt được qua các phong trào thi đua, Phó Chủ tịch nước nêu rõ: Những thành quả nêu trên đã khẳng định, phong trào thi đua và công tác khen thưởng luôn được toàn ngành quan tâm, động viên kịp thời, tạo động lực thi đua trong đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng lưu ý, bên cạnh những thành tựu nêu trên, cần thẳng thắn nhìn nhận, ngành GD-ĐT nước ta còn một số tồn tại và khiếm khuyết.

Nhấn mạnh dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Chủ tịch nước, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tiến bộ vượt bậc của khoa học – công nghệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình số hóa, làm thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, kể cả trong phương thức quản trị của ngành, phương thức dạy - học, và sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc, thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác Hồ: Để vượt khó khăn gian khổ, để đi đến thắng lợi, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt.

Thống nhất với phương hướng và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo, Phó Chủ tịch nước đề nghị, các đồng chí, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên cần nêu quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển GD-ĐT, tham mưu xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân thực, phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của GD-ĐT đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung chương trình, phương thức, phương pháp GD-ĐT, chú trọng hơn nữa giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản trị nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh những tiêu cực trong ngành Giáo dục.

Đối với công tác thi đua khen thưởng, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, ngành Giáo dục cần tiếp tục tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua. Triển khai sâu rộng trong toàn ngành các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời gắn công tác thi đua khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Bộ GD&ĐT cần thường xuyên quan tâm, động viên, khen thưởng những cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích, nhất là thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất.

Phó Chủ tịch nước gợi ý, đẩy mạnh, làm tốt xã hội hóa đối với ngành Giáo dục và công tác thi đua – khen thưởng, cần tạo thêm nguồn lực, khuyến khích, động viên những tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; phấn đấu đưa phong trào thi đua và công tác khen thưởng lên một tầm cao mới, góp phần thiết thực vào sự nghiệp trồng người đầy vinh quang và cao cả./.

Vy Anh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/tiep-tuc-tao-suc-lan-toa-trong-cac-phong-trao-thi-dua-564150.html