Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm

Những năm qua, công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mại dâm (MD) trên địa bàn tỉnh thực hiện khá hiệu quả. Phát huy kết quả đạt được, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) nói chung và tệ nạn MD nói riêng.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lai Vung phối hợp tổ chức tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông và tệ nạn xã hội tại xã Vĩnh Thới

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lai Vung phối hợp tổ chức tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông và tệ nạn xã hội tại xã Vĩnh Thới

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.830 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD (cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán karaoke, massage, quán cà phê, tiệm cắt tóc, gội đầu thư giãn...), với trên 1.700 tiếp viên làm việc trong các cơ sở. Ngành chức năng chủ động phối hợp trong công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ và đấu tranh triệt xóa nhiều ổ nhóm hoạt động MD một cách triệt để, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật. Các địa phương trong tỉnh tăng cường thực hiện công tác phòng, chống TNXH, trong đó có MD. Ông Ngô Văn Lơ - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lai Vung cho biết: “Năm 2018, huyện có 3 xã khá phức tạp về TNXH (Tân Phước, Long Hậu và Phong Hòa). Nhờ chính quyền địa phương, Công an huyện và các ngành liên quan thực hiện nhiều biện pháp nên hiện nay, tình hình TNXH ở các xã được kiềm chế, đẩy lùi. Đặc biệt, tệ nạn MD trên địa bàn huyện kéo giảm cả về số đối tượng hoạt động và số vụ mua bán dâm”.

Để tiếp tục thực hiện tốt việc phòng, chống tệ nạn MD, năm nay, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống MD; phối hợp triển khai truyền thông tại xã, phường, thị trấn, địa bàn có tình hình phức tạp, khu vực tập trung nhiều trường học, khu trọ sinh viên, khu công nghiệp; xây dựng áp-phích tuyên truyền và sổ tay phòng, chống TNXH cho cán bộ cơ sở... Nhiều hoạt động phòng ngừa MD thực hiện thông qua lồng ghép những chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như: chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm ma túy, mua bán người.

Các ngành chức năng trong tỉnh phối hợp, thống nhất xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh MD; đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm, đường dây tổ chức hoạt động MD; xử lý kịp thời hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng sản phẩm văn hóa và tổ chức hoạt động văn hóa có nội dung đồi trụy, khiêu dâm. Đồng thời kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội về phòng, chống tệ nạn MD các cấp; tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên ở địa phương làm công tác phòng, chống MD.

Huyện Lai Vung là địa phương được UBND tỉnh chọn thực hiện mô hình “Hỗ trợ bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD”. Theo UBND huyện Lai Vung, việc triển khai mô hình nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ theo quy định của pháp luật về lao động, phù hợp với đặc thù công việc; góp phần hoạch định chính sách pháp luật và xây dựng những chương trình can thiệp giảm tác hại đối với người lao động làm việc ở cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Mô hình hoạt động gồm các nội dung: truyền thông, tọa đàm, đối thoại 3 bên (giữa cơ quan quản lý nhà nước, chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động) về đảm bảo quyền của người lao động; kết nối các dịch vụ nhằm hỗ trợ, bảo vệ, giảm hại và chuyển đổi công việc cho người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ...

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Đồng Tháp đang nỗ lực để tăng cường sự đồng thuận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm của toàn xã hội, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn MD trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận những dịch vụ xã hội, tạo cơ hội giúp đối tượng từng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng bền vững, chuyển đổi công việc phù hợp, ổn định cuộc sống.

N.AN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/tiep-tuc-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-te-nan-mai-dam-91828.aspx