Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống mua bán người

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống mua bán người đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trong nhiều lĩnh vực, từ việc hoạch định, triển khai chính sách, cho tới sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Đây là lời khẳng định của Trung tá Phạm Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng 5, Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an khi thông tin về kết quả công tác phòng, chống mua bán người tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 10/2020.

Chi đội Công an Biên phòng Cảng Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc) bàn giao nạn nhân bị mua bán được giải cứu cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh . (Ảnh: BĐBP tỉnh Quảng Ninh).

Chi đội Công an Biên phòng Cảng Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc) bàn giao nạn nhân bị mua bán được giải cứu cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh . (Ảnh: BĐBP tỉnh Quảng Ninh).

Cụ thể, đại diện Bộ Công an cho biết, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 236 vụ, bắt 308 đối tượng phạm tội mua bán người. Viện kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 118 vụ, với 203 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết, xét xử 145 vụ, với 255 bị cáo phạm các tội về mua bán người. Trong đó, 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, các cơ quan chức năng Việt Nam đang tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người (gọi tắt là Chương trình 130/CP) giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, với một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng ban, lãnh đạo Bộ Công an làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo vào 5 nội dung quan trọng là: Tăng cường công tác truyền thông; Đấu tranh trấn áp tội phạm mua bán người; Xác minh, tiếp nhận và hồi hương nạn nhân; Hoàn thiện hệ thống pháp luật; Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người…

Đề cao vai trò của truyền thông trong công tác phòng, chống mua bán người, Trung tá Phạm Mạnh Hùng đánh giá, trong thời gian qua, công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, nhất là các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7” đã được đẩy mạnh. Tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải, đưa gần 1.000 tin, bài, phóng sự; in trên 30.000 phong bì cấp phát miễn phí cho 25 địa phương biên giới. Tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”; Lễ mít- tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” tại tỉnh Lạng Sơn (năm 2019) và năm 2020 tại tỉnh Nghệ An; phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020, triển khai thực hiện có hiệu quả tại 110 xã biên giới; phát hành Bộ tài liệu tập huấn truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống mua bán người; xây dựng phóng sự về những mô hình truyền thông có hiệu quả về công tác phòng, chống mua bán người…

Thông tin về hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người, đại diện Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an đề cập tới một số hoạt động nổi bật như: Tham mưu Chính phủ ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người (tháng 11.2018)... Hiện, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định song phương giữa Việt Nam - Malaysia; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar về hợp tác phòng, chống mua bán người. Việt Nam cũng tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan về phòng, chống, mua bán người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và Thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn (GCRs) do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp; phòng chống di cư trái phép và buôn bán người; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Trung tá Phạm Mạnh Hùng nêu rõ, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình, Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Chương trình 130/CP giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, để thực hiện phòng, chống mua bán người hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng; Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; Triển khai hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người. Trước mắt là chuẩn bị nội dung, tài liệu tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 14 (SOM14) các nước khu vực Tiểu vùng sông Mê - Kông về phòng, chống mua bán người và đàm phán hiệu quả để tiến tới việc ký kết và triển khai Bản ghi nhớ về phòng, chống mua bán người với một số nước trong và ngoài khu vực./.

T.Lan

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/tiep-tuc-tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-mua-ban-nguoi-566863.html