Tiếp tục phấn đấu, giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra

Trong không khí chào mừng 71 năm Ngày Thành lập ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2016), PV Báo Thanh tra đã ghi nhận một số ý kiến tâm huyết của cán bộ thanh tra các bộ, ngành về những tồn tại, hạn chế cũng như những gửi gắm, kỳ vọng vào ngành Thanh tra trong những năm tới.

Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng

Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng: Nếu phát hiện chồng chéo thì tự nguyện rút

Tính đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai gần 70 cuộc thanh tra, đã ban hành hơn 60 kết luận. Nội dung các cuộc thanh tra tập trung vào các điểm nóng, được dư luận quan tâm như tranh chấp các dự án, đầu tư xây dựng công trình BOT... Qua thanh tra, đã giải quyết được các mâu thuẫn không đáng có.

Về công tác xử lý chồng chéo, theo quan điểm của Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ngành có liên quan, những việc, trường hợp Thanh tra Chính phủ đã làm thì các bộ, ngành không làm. Đây là sự tuân thủ nghiêm túc. Nếu có sự chồng chéo trong công tác thanh tra thì tự nguyện rút.

Tuy nhiên, để tránh xảy ra tình trạng chồng chéo trong nội bộ ngành, Thanh tra Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan thường xuyên tổ chức họp trao đổi. Kết quả rà soát, khẳng định, trong nội bộ ngành thời gian qua không có sự chồng chéo. Song, lại chồng chéo với ngành Kiểm toán. Có thể nói là khá nhiều. Điều này đã gây không ít khó khăn trong công tác thanh tra.

Mặc dù Luật Thanh tra cũng đã có quy định cụ thể, nhưng chỉ áp dụng với ngành Thanh tra và những gì chồng chéo trong thanh tra thì xử lý được. Còn với Kiểm toán thì không. Có thể nói các quy định pháp luật trong hoạt động kiểm toán còn chưa rõ, nên khi đưa khái niệm của thanh tra vào để nói thì không hợp lý.

Do vậy, đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì tổ chức làm việc với ngành Kiểm toán để giải bài toán chồng chéo nói trên góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Thanh tra và Kiểm toán ngày càng khăng khít, cụ thể hóa pháp luật kiểm toán, quy định đúng phạm vi hoạt động và trách nhiệm, tránh tình trạng đơn vị vào trước, đơn vị vào sau và kết quả không trùng khớp nhau.

Ngày 23/11 - Ngày Thành lập ngành Thanh tra đã đến, hy vọng với trách nhiệm của mình, từng cán bộ ngành Thanh tra sẽ nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành.

Ông Trần Văn Vượng- Chánh Thanh tra Bộ Tài chính: Không để tồn đọng, kéo dài

Trong 10 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện tốt việc triển khai các quy định của pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC).

Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp không để tồn đọng, kéo dài. Triển khai kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC. Đồng thời, chấn chỉnh và kiến nghị xử lý kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm trong tiếp dân, giải quyết KN,TC của công dân.

Ông Trần Văn Vượng- Chánh Thanh tra Bộ Tài chính

Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra tại hệ thống Thuế, Hải quan, Kho bạc, Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Duy trì, thực hiện tốt hoạt động của đường dây nóng, hòm thư điện tử và bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc, phản ánh, TC của người dân và đơn vị, tổ chức. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát đơn thư tại các đơn vị trực thuộc; rà soát các vụ việc KN,TC còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm.

Trong công tác thanh tra, việc phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành thời gian qua tương đối tốt, tình trạng chồng chéo trong nội bộ ngành Thanh tra gần như đã giải quyết. Đối với các bộ chuyên ngành như Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Xây dựng… cũng đã có phối hợp, thường xuyên trao đổi nắm tình hình.

Qua thanh tra, đã kiến nghị yêu cầu rà soát đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm. Đưa ra các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế, dự toán, đấu thầu và có các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tăng cường phối hợp với Kho bạc Nhà nước để hướng dẫn, phối hợp trong việc xác nhận số liệu giải ngân, vốn dư cuối kỳ của các dự án sử dụng vốn đầu tư của ngành làm căn cứ quyết toán vốn đầu tư xây dựng hàng năm, quyết toán dự án hoàn thành theo quy định...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu và tập huấn chuyên sâu công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KN,TC cho cán bộ, công chức thanh tra các bộ, ngành, địa phương; tổ chức tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Luật KN năm 2011 và Luật TC năm 2011 để kịp thời sửa đổi, bổ sung khắc phục những bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện các quy trình về tiếp công dân, giải quyết KN hành chính, giải quyết TC.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng Nguyễn Đình Được: Cần tăng tính độc lập cho cơ quan thanh tra

Trong những năm qua, ngành Thanh tra đã làm được nhiều việc, số liệu từ các báo cáo đã minh chứng cho điều này. Ngành Thanh tra Quốc phòng cũng góp phần không nhỏ vào kết quả chung của toàn ngành Thanh tra.

Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, theo tôi nghĩ, ngành Thanh tra cần phải có 2 khâu đột phá lớn. Đó là nêu gương và minh bạch. Nêu gương có nghĩa tự giúp mình, tự né tránh và tự gương mẫu. Còn minh bạch là trong kê khai tài sản thu nhập, minh bạch trong tất cả các hoạt động của mình.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng Nguyễn Đình Được

Trong hoạt động thanh tra, những năm qua cho thấy, một số vướng mắc giữa các bộ ngành đã từng bước được tháo gỡ. Những ưu điểm, nhược điểm cũng từng bước được điều chỉnh và rút kinh nghiệm.

Mặc dù, tình trạng chồng chéo trong toàn ngành Thanh tra hiện nay không còn nữa. Tuy nhiên, với ngành Kiểm toán vẫn còn nhiều. Mặt khác, mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước vẫn còn phụ thuộc, thậm chí hoàn toàn phụ thuộc. Có thể nói phụ thuộc từ khi xây dựng kế hoạch đến khi phê duyệt, ban hành kết luận và cả khi tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.

Như chúng ta đã biết, ngành Thanh tra đi làm, thành tích của mình càng lớn thì thành tích cơ quan, đơn vị được thanh tra càng giảm. Chẳng ai tự nhiên "cầm dao tay trái chặt tay phải", cũng không ai "cưa chân ghế" mình đang ngồi. Đây chính là điều bất cập cần được tháo gỡ.

Ngành Thanh tra đến nay đã được 71 năm, hy vọng, với chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, làm thế nào để thông qua vị trí của mình đề nghị thủ trưởng cơ quan hành chính các ngành, địa phương triển khai thực hiện xử lý sau thanh tra. Không thể để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không được triển khai thực hiện hoặc kiến nghị của ngành Thanh tra xong rồi… để đấy.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra cũng sớm kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, tăng tính độc lập cho các cơ quan thanh tra để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Phương Hiếu

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/tiep-tuc-phan-dau-giu-gin-va-phat-huy-truyen-thong-ve-vang-cua-nganh-thanh-tra_t114c1059n112340