Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững

Ngày 1-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Cùng dự, có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tình hình kinh tế hai tháng qua tiếp tục khởi sắc, đạt nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương (BNĐP), đơn vị, cơ quan liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội; đồng thời nhấn mạnh, chúng ta phải phát huy thành quả, tận dụng thành công này để phát triển đất nước.

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Bộ KH-ĐT sớm đánh giá lại quy mô kinh tế không chính thức, trên cơ sở đó các cơ quan chức năng rà soát, có chính sách phù hợp. Quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng chuẩn mực quốc tế, khách quan, có kiểm định độc lập của các tổ chức quốc tế. Bộ phải vận dụng các công cụ chính sách, ứng phó các bất lợi bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các rủi ro. Chúng ta phải biến nguy cơ thách thức thành thời cơ, chuẩn bị đón dòng đầu tư mới trong thời gian tới.

Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn. Theo Thủ tướng, đất nước ta chưa bao giờ có điều kiện phát triển thuận lợi như hiện nay. Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, từng BNĐP, cán bộ, công chức phải trăn trở, có trách nhiệm với công việc với tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, vượt lên chính mình để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019. Ngay trong tháng 3 này, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu... Bộ Tài chính tập trung các giải pháp thực hiện tốt chính sách tài khóa, nâng cao hiệu quả thị trường chứng khoán; hỗ trợ DN, chia sẻ gánh nặng huy động vốn và rủi ro với ngành ngân hàng. Các BNĐP chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút FDI. Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch.

Nhân Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa kết thúc, Bộ KH-ĐT lên chương trình kế hoạch để đẩy mạnh xúc tiến thu hút FDI nhất là của các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao. Bộ NN-PTNT tranh thủ thời tiết, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản; xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, không để phát sinh các ổ dịch. Tiêu hủy nhanh lợn bị dịch bệnh; vệ sinh, phun thuốc, khử trùng; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn dịch bệnh; kiểm soát chặt các cửa khẩu; có cơ chế hỗ trợ tiêu hủy lợn; xử lý nghiêm các địa phương dấu thông tin dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp phát động một chiến dịch toàn quốc ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi.

Các bộ, ngành chức năng phối hợp thực hiện mua tạm trữ lúa gạo để bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân; các DN kinh doanh gạo, nhất là tập đoàn, tổng công ty phải mua gạo đúng chỉ tiêu quy định; đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo, tái cơ cấu mạnh mẽ việc mua lúa gạo để tăng giá trị, giảm diện tích lúa ở mộ số vùng.

Bộ Công thương chỉ đạo phát triển các dự án công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn; giảm tỷ lệ gia công lắp ráp, nâng tỷ lệ chế biến sâu, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ; hoàn thành các công trình công nghiệp trọng điểm, khắc phục các dự án thua lỗ, khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực, do đó Bộ Công thương là cơ quan chủ trì cần vào cuộc mạnh mẽ, có chương trình hành động hiệu quả hơn nữa, đồng hành cùng DN để tận dụng lợi thế này.

Bộ KH-CN thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chỉ đạo, xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn ở các tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban; khẩn trương giám sát, đôn đốc các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, nhiệm vụ được giao của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, không để kéo dài; đôn đốc các địa phương làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các BNĐP phải phát triển mạnh hơn nữa lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ liên quan tài chính, công nghệ cao; Bộ VH-TT-DL chỉ đạo xúc tiến thu hút du lịch tại một số thị trường trọng điểm; phối hợp tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch hiệu quả. Bộ Giao thông vận tải triển khai sớm các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; các bộ, ngành làm tốt công tác xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, không để nợ đọng văn bản. Bộ Công an làm tốt công tác trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Đánh giá việc chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên, Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian rất gấp nhưng công tác chuẩn bị cho sự kiện được thực hiện rất tốt, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Vị thế, vai trò, công tác chuẩn bị, công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ, Triều Tiên cũng như dư luận xã hội, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Việc Việt Nam nỗ lực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối cho Hội nghị đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, thể hiện thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, là dịp tạo bước tiến mới trong quan hệ với Hoa Kỳ và Triều Tiên.

Đặc biệt, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế... Mặc dù hai bên chưa ký được thỏa thuận, nhưng theo Thủ tướng, đây là dịp hướng tới kết quả tích cực trong tương lai, trong việc thúc đẩy hòa bình tại bán đảo Triều Tiên.

AAAAAAAAAAA

Theo Bộ KH-ĐT, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (gồm cả FDI) tính đến ngày 20-2 ước đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so cùng kỳ năm 2018; giải ngân vốn FDI ước đạt khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 9,8%, là mức tăng cao nhất hai tháng đầu năm trong vòng ba năm trở lại đây cả về giá trị vầ tốc độ tăng.

Hai tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9%; kim ngạch nhập khẩu ước 36,76 tỷ USD, tăng 7,5%; nhập siêu ước 84,5 triệu USD.

Tin: THANH GIANG - Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39353202-tiep-tuc-on-dinh-kinh-te-vi-mo-kiem-soat-lam-phat-dua-nen-kinh-te-phat-trien-nhanh-ben-vung.html