Tiếp tục nội luật hóa nhằm thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Kế hoạch nêu rõ tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước; đánh giá tính tương thích giữa quy định tại các dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ quốc hội với Công ước ICCPR.

Thủ tướng Chính chính phủ vừa ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc.

Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện phù hợp trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc.

Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội và đảm an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình triển khai đảm bảo đúng tiến độ hiệu quả toàn diện và đồng bộ.

Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức thực hiện Kế hoạch phải bám sát và phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác quyền con người, phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và chương 8 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 đối với các quy định của công ước ICCPR, và khuyến nghị có liên quan đến công tác xây dựng pháp luật khi thực hiện cần tính đến lộ trình chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Việc tổ chức thực hiện Công ước và các kiến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các ngành các cấp, các bộ, ngành cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ chủ trì hoặc tham gia phối hợp thực hiện phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả.

Đồng thời bảo đảm quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan; kịp thời phản ánh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch.

Kế hoạch nêu rõ tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước; đánh giá tính tương thích giữa quy định tại các dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ quốc hội với Công ước ICCPR trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nêu trên;

Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm đảm bảo tính tương thích với các quy định của Công ước, bao gồm các quy định về hạn chế quyền chống phân biệt đối xử và các quy định khác;

Xây dựng báo cáo tổng thể đánh giá việc nội luật hóa các quy định của Công ước và pháp luật trong nước, xác định những quy định pháp luật chưa tương thích, chưa phù hợp với công ước và đề xuất, kiến nghị việc tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị; ban hành và thực hiện các kế hoạch chương trình hành động quốc gia để xóa bỏ định kiến phân biệt đối xử với phụ nữ nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực và xóa bỏ bạo lực giới và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó lưu ý nhóm người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, người nhiễm HIV AIDS./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tiep-tuc-noi-luat-hoa-nham-thuc-hien-cong-uoc-quoc-te-ve-cac-quyen-dan-su-va-chinh-tri-164266.html