Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu chống phân biệt chủng tộc

Tại phiên thảo luận cấp cao kỷ niệm 20 năm 'Tuyên bố Durban và Chương trình hành động' (DDPA) về chống phân biệt chủng tộc với chủ đề 'Bồi thường, công bằng chủng tộc và bình đẳng cho người gốc Phi', Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết cam kết tăng cường nỗ lực chống nạn phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới.

Người dân giơ cao bức chân dung công dân da màu George Floyd khi tham gia tuần hành sau phiên tòa kết án cựu cảnh sát Derek Chauvin, tại New York, Mỹ ngày 20/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Người dân giơ cao bức chân dung công dân da màu George Floyd khi tham gia tuần hành sau phiên tòa kết án cựu cảnh sát Derek Chauvin, tại New York, Mỹ ngày 20/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nội dung nghị quyết ghi nhận một số tiến bộ về chống phân biệt chủng tộc trên thế giới, song thừa nhận tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực và không khoan dung đối với người gốc Phi và nhiều nhóm sắc tộc khác đang gia tăng. Nghị quyết nhấn mạnh quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc “nỗ lực hơn nữa để đưa cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc trở thành ưu tiên cao hơn của các quốc gia”, đồng thời chỉ ra những tác động của chế độ nô lệ, chủ nghĩa thực dân và nạn diệt chủng, và kêu gọi “đền bù tương xứng” cho những người gốc Phi.

Phát biểu tại phiên thảo luận, được tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 76, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ: “Những người gốc Phi, các cộng đồng thiểu số, các sắc dân bản địa, người nhập cư, người tị nạn, người phải rời bỏ nhà cửa và nhiều nhóm khác đang phải đối mặt với sự thù hận, kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực”.

Tuyên bố DDPA đã được đồng thuận thông qua tại Hội nghị Thế giới chống phân biệt chủng tộc tổ chức ở Nam Phi năm 2001, với nội dung đề xuất các biện pháp cụ thể để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại và những hành động không khoan dung. Tuyên bố này cũng thể hiện cam kết vững chắc của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại phân biệt chủng tộc ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

DDPA thừa nhận không quốc gia nào có thể tuyên bố không có tình trạng phân biệt chủng tộc; nhấn mạnh rằng phân biệt chủng tộc là mối quan tâm toàn cầu và cần một nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này. Mặc dù DDPA không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng có giá trị đạo đức mạnh mẽ và là cơ sở cho các nỗ lực vận động trên toàn thế giới. DDPA cũng kêu gọi sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, truyền thông trong việc giải quyết vấn đề này.

Đến thời điểm hiện nay, DDPA đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho các nỗ lực toàn cầu chống lại và ngăn chặn tình trạng phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và các hành động không khoan dung. Tuyên bố này đã mang lại những lợi ích đáng kể trong việc thúc đẩy các quốc gia ban hành các văn bản pháp luật, xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia và các cơ chế giám sát và khiếu nại, đồng thời đẩy vấn đề phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung thành một vấn đề ưu tiên cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Theo số liệu thống kê, kể từ khi DDPA được thông qua, 42 quốc gia đã thông qua hoặc sửa đổi luật với nội dung cấm phân biệt chủng tộc; 35 quốc gia thành lập các cơ quan để chống phân biệt chủng tộc và thúc đẩy bình đẳng; 23 quốc gia và các tổ chức khu vực đã thông qua các chính sách quốc gia và khu vực chống phân biệt chủng tộc; 26 quốc gia khác đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, nâng tổng số quốc gia là thành viên của công ước này thành 182.

Gần đây nhất, ngày 31/8 vừa qua, LHQ đã tổ chức hoạt động vinh danh những đóng góp to lớn của cộng đồng người gốc Phi trong mọi lĩnh vực, đánh dấu lần đầu tiên có Ngày Quốc tế dành cho người gốc Phi. Trong thông điệp nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng Thư ký LHQ Guterres kêu gọi các quốc gia cam kết nhiều hơn để thúc đẩy sự bình đẳng, công lý và phẩm giá cho tất cả mọi người. Ông khẳng định: “Đây là sự thừa nhận muộn màng về những bất công sâu sắc và sự phân biệt đối xử mang tính hệ thống mà những người gốc Phi đã phải chịu đựng trong nhiều thế kỷ và tiếp tục phải đối mặt cho đến ngày nay”.

Trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ ngày 22/9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã khẳng định: “Để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, chúng ta phải chống lại sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và sự thống trị của một sắc tộc trong mỗi quốc gia”.

Dù thế giới đã chứng kiến một số thành công trong thúc đẩy bình đẳng chủng tộc, song vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Trong thời gian gần đây, một thực tế đang diễn ra là những ngôn từ kích động thù địch và các cuộc tấn công bạo lực có liên quan đến chủng tộc hoặc sắc tộc đang có xu hướng gia tăng. Sự phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến. Tình trạng các chính trị gia sử dụng vấn đề người di cư, người tị nạn, người xin tị nạn và những người có nguồn gốc dân tộc khác nhau để đạt được mục đích chính trị vẫn còn phổ biến. Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình và tạo ra một làn sóng kỳ thị, phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại đối với một số quốc gia và dân tộc.

Báo cáo năm 2021 của Cao ủy LHQ về nhân quyền Mary Robinson đã khẳng định sự tồn tại dai dẳng một cách có hệ thống của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nhấn mạnh sự cấp thiết phải cải cách các thể chế, luật pháp, chính sách và thực tiễn phân biệt đối xử để phá vỡ thực trạng này. Về nguyên nhân của vấn đề này, ngay tại thời điểm năm 2001, DDPA đã chỉ ra rằng “những trở ngại chính để vượt qua sự phân biệt chủng tộc và đạt được bình đẳng chủng tộc chủ yếu nằm ở việc thiếu ý chí chính trị, luật pháp yếu kém và thiếu các chiến lược thực hiện cũng như hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó bao gồm sự phổ biến của thái độ phân biệt chủng tộc và các định kiến tiêu cực”. Trên thực tế, sau 20 năm thực hiện DDPA, đây cũng vẫn là trở ngại lớn đối với vấn đề chống phân biệt chủng tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động ý chí chính trị và sự lãnh đạo ở tất cả các cấp là điều cần thiết để đạt được mục tiêu thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Durban và Chương trình hành động. Tại phiên thảo luận ngày 22/9, Tổng Thư ký LHQ Guterres đã kêu gọi các nước thành viên có những hành động cụ thể để hỗ trợ những nỗ lực này ở cấp quốc gia và cấp toàn cầu.

Ông tuyên bố: “Chúng ta phải đảo ngược hậu quả tiêu cực do tình trạng phân biệt đối xử gây ra qua nhiều thế hệ, bao gồm cả các khía cạnh kinh tế và xã hội, thông qua các cơ chế bồi thường công bằng”. Sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết nạn phân biệt chủng tộc. Ông nhấn mạnh cần khắc phục sự mất cân bằng về chính trị, kinh tế và cơ cấu; đảm bảo rằng mọi người đều cảm thấy được tôn trọng như một thành viên có giá trị của xã hội và “sát cánh cùng nhau như trong một gia đình với sự đa dạng về bản sắc, bình bẳng về nhân phẩm và đoàn kết cùng nhau”.

Cũng tại phiên thảo luận, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Abdulla Shahid khẳng định thế giới làm chưa đủ để giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc, không khoan dung và bài ngoại. Ông cho biết: “Tình trạng phân biệt chủng tộc gây ra bạo lực, di dời nhà cửa và bất bình đẳng. Vấn đề này tồn tại vì chính chúng ta cho phép nó tồn tại. Quan niệm phân biệt chủng tộc thâm nhập được vào xã hội vì chính chúng ta không thừa nhận sự đa dạng”. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “đảo ngược tình trạng phân biệt chủng tộc và không khoan dung” bằng cách thừa nhận những thất bại này và tìm kiếm sự bình đẳng về chủng tộc để “khép lại sự chia rẽ” và xây dựng khả năng phục hồi cho những người bị bỏ lại phía sau.

Quang Huy (Pv TTXVN tại LHQ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tiep-tuc-no-luc-thuc-hien-muc-tieu-chong-phan-biet-chung-toc-20210924153437456.htm