Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp trong thi hành án tín dụng, ngân hàng

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng của các cơ quan THADS. Do đó, 2 ngành Trung ương đã có chủ trương về việc tiếp tục duy trì thực hiện Quy chế này.

Ngày 18/3/2015, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước đã ký kết Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP về phối hợp trong công tác THADS. Với sự nỗ lực, tích cực chỉ đạo của 2 ngành Trung ương, Quy chế đã được triển khai thực hiện đồng bộ đến các địa phương. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nợ xấu, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch.

Đặc biệt, việc triển khai Quy chế đã tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong trách nhiệm tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng; tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án. Các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan THADS cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức và giải quyết vướng mắc trong thi hành án.

Đơn cử như tại Thái Nguyên, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên. Trên cơ sở Quy chế phối hợp liên Ngành số 01/QCLN/NHNNVN-BTP, năm vừa qua, Cục THADS tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh tổ chức Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng, ngân hàng với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan THADS, Chấp hành viên địa bàn có án tín dụng, ngân hàng và gần 20 tổ chức tín dụng có nợ xấu trên địa bàn tỉnh. Nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng đã được nêu lên, từ đó các cơ quan đã có nhiều giải pháp tháo gỡ kịp thời. Qua đó, nâng cao hiệu quả thi hành án trong lĩnh vực này, góp phần tích cực lành mạnh hóa nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay và khơi thông nguồn lực tài chính trên địa bàn tỉnh.

Còn tại Sóc Trăng, việc kiện toàn tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng và ban hành các quy chế phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn luôn được Cục THADS tỉnh chú trọng. Nhờ đó, việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng khá thuận lợi. Trong 5 năm qua, THADS hai cấp đã giải quyết xong gần 600 án tín dụng, ngân hàng với số tiền trên 650 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ thi hành đối với án này không cao và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ nên lãnh đạo các đơn vị THADS, ngân hàng thống nhất sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS đối với án tín dụng, ngân hàng.

Ngoài ra, thực hiện Quy chế số 01, Tổng cục THADS đã thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, làm việc tại nhiều địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thi hành án tại các tổ chức tín dụng bán nợ. Sau khi Công ty quản lý tài sản (VAMC) đưa ra các vụ việc có khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thi hành án tại 5 tổ chức tín dụng bán nợ, Lãnh đạo Tổng cục THADS đã yêu cầu Cục THADS TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Chi cục trưởng, Chấp hành viên phụ trách hồ sơ nghiêm túc thực hiện đúng quy định, đúng thời hạn theo yêu cầu và báo cáo kết quả về Tổng cục THADS. Bên cạnh đó, đề nghị VAMC cũng như các tổ chức tín dụng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án để nắm rõ thông tin, tiến độ giải quyết hồ sơ của cơ quan THADS.

Tuy có những chuyển biến đáng ghi nhận nhưng kết quả đạt được trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan THADS cũng như sự kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhiều vụ việc thi hành án chưa thể giải quyết dứt điểm; nhiều tài sản phải giảm giá nhiều lần vẫn không có người mua; trình tự, thủ tục xử lý tài sản còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ thi hành án…

Để phát huy những kết quả tích cực trên đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phối hợp trong THADS nói chung và công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng nói riêng, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương về tiệc tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP.

Theo đó, Bộ Tư pháp yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời tổ chức quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đội ngũ cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế số 01 cho đến khi có chủ trương tiếp theo. Cùng với đó, Tổng cục THADS cần chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị có liên quan kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các nội dung khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế này.

Bảo Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/tiep-tuc-nang-cao-hieu-qua-phoi-hop-trong-thi-hanh-an-tin-dung-ngan-hang-498764.html