Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các cụm thi đua

Năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam tặng 571 Kỷ niệm chương 'Vì sự nghiệp báo chí ViệtNam', 9 Cờ thi đua xuất sắc, 185 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Hoạt động Cụmthi đua Hội Nhà báo tỉnh, thành phố đã đi dần vào nề nếp, thực chất và hiệu quả.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trao cờ thi đua cho các tập thể Hội xuất sắc. Ảnh: Sơn Hải

Hoạt động Cụm thi đua đi dần vào nề nếp

Các cụm thi đua (CTĐ) được tổ chức phù hợp với đặc điểm từng vùng miền; thực hiện chế độ Cụm trưởng luân phiên; có các Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam được Trung ương Hội phân công phụ trách; hoạt động thống nhất theo Quy chế thi đua khen thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam.

Để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, hàng năm, các CTĐ đều tổ chức sinh hoạt, bổ sung hoàn thiện Quy chế hoạt động, các đơn vị thành viên đăng ký thi đua và ký kết giao ước thi đua. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra chéo, chấm điểm thi đua, bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng. Nội dung thi đua hướng vào trọng tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội theo chủ đề chung đã được lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam xác định; chú trọng công tác xây dựng tổ chức Hội, nâng cao chất lượng đội ngũ hội viên, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác kiểm tra, các hoạt động nghiệp vụ, văn hóa thể thao, xã hội từ thiện.

Có thể nhận thấy, hoạt động các CTĐ đã đi dần vào nề nếp. Phong trào thi đua có sức lan tỏa trong các cấp hội và hội viên. Việc bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng đi vào thực chất, không còn tình trạng khen thưởng tràn lan. Số hồ sơ thi đua, khen thưởng không bảo đảm quy định đã giảm nhiều so với trước.

Cả nước hiện có 10 Cụm thi đua (CTĐ) Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố:

CTĐ miền núi phía Bắc (6 đơn vị): Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên.

CTĐ miền núi Tây Bắc (6 đơn vị): Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

CTĐ dọc Đường 6 (5 đơn vị): Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, TP. Hà Nội.

CTĐ đồng bằng duyên hải Bắc Bộ (8 đơn vị): TP. Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh.

CTĐ Bắc miền Trung (6 đơn vị): Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa.

CTĐ Trung - Nam Trung Bộ (7 đơn vị): Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.

CTĐTây Nguyên (5 đơn vị): Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. CTĐ Đông Nam Bộ (7 đơn vị): TP. Hồ Chí Minh, Bà - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

CTĐ Bắc sông Hậu (6 đơn vị): Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

CTĐ Nam sông Hậu (7 đơn vị): Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các CTĐ cần điều hành việc đăng ký thi đua ngay từ đầu năm, với những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, cố gắng “định lượng hóa” để dễ kiểm tra, giám sát. Việc phát động phong trào thi đua trong các cấp Hội cần duy trì nề nếp, chú ý cả 2 hình thức thi đua thường xuyên và thi đua theo đợt. Việc ký kết giao ước thi đua cần tiến hành ở cả 2 cấp: Giữa các Chi hội cơ sở ở từng Hội địa phương và giữa các đơn vị thành viên trong CTĐ.

Công tác kiểm tra thi đua nên áp dụng cả 2 hình thức: Tự kiểm tra và kiểm tra chéo, với nội dung và tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Trong sơ kết, tổng kết, cần chú ý tôn vinh những điển hình tiên tiến, để cái hay, cái tốt được phổ biến, nhân rộng.

Kinh nghiệm cho thấy, đánh giá kết quả phong trào thi đua hàng năm ở CTĐ phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm do Hội Nhà báo Việt Nam phát động, nhất là việc tham gia Hội Báo toàn quốc, hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, tham gia Giải Báo chí quốc gia... Bởi, có trường hợp ở CTĐ suy tôn đơn vị điển hình đề nghị tặng cờ hoặc bằng khen, nhưng khi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đơn vị đó không đạt yêu cầu nên không chấp nhận đề nghị khen thưởng.

Trong trường hợp này, do nhận xét, đánh giá không chính xác nên CTĐ đã tự đánh mất chỉ tiêu cờ hoặc bằng khen của Cụm mình. Phải dựa vào Quy chế Thi đua - Khen thưởng để xét đề nghị các danh hiệu thi đua. Chẳng hạn, Quy chế quy định đơn vị đề nghị tặng cờ thi đua phải đạt tiêu chí 2 năm liên tiếp được tặng bằng khen. Nhưng có trường hợp chỉ mới 1 năm được tặng bằng khen, CTĐ vẫn đề nghị tặng cờ, và dĩ nhiên đề nghị này không được chấp nhận.

Quy chế quy định đơn vị được đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam tặng cờ hoặc bằng khen phải có xác nhận của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, thành phố, nhưng một số nơi lại gửi hồ sơ qua Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy xác nhận (trong khi Ban Tuyên giáo không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi đua khen thưởng). Vẫn còn một số CTĐ đề nghị tặng cờ và bằng khen vượt số lượng quy định; cá biệt có địa phương trực tiếp gửi hồ sơ đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam khen thưởng không qua khâu xét chọn tại CTĐ.

Với chủ đề năm 2018: “Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam”, hy vọng, hoạt động các CTĐ địa phương sẽ tiếp tục gặt hái nhiều kết quả mới, làm cho phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực./.

Hà Minh Đích

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cac-cum-thi-dua-n10093.html