Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo các điều kiện dạy và học trong năm học mới

Năm học 2020 – 2021, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nâng cao chất lượng giáo dục (GD), đánh giá chất lượng GD; triển khai chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông mới. Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh (HS) sau THCS. Đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của GD thường xuyên; tăng cường GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, GD thể chất cho HS, học viên, bảo đảm an toàn trường học.

Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Mỹ An 1 gặp gỡ, trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường về năm học mới trong ngày 8/9

Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Mỹ An 1 gặp gỡ, trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường về năm học mới trong ngày 8/9

Theo Sở GD&ĐT, chất lượng GD ngành học phổ thông của tỉnh năm học 2019 – 2020 có bước chuyển biến tích cực. Đối với cấp Tiểu học: môn Tiếng Việt có 97,80% HS được xếp loại “Hoàn thành” trở lên, tăng 0,03% so với năm học trước; môn Toán đạt 99,55%, tăng 0,17%. Cấp THCS xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên: 99,99%, tăng 0,03% so với năm học trước; xếp loại học lực từ Trung bình trở lên: 97,26%, tăng 0,23%. Cấp THPT xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên: 99,92%, tăng 0,06%; xếp loại học lực từ Trung bình trở lên: 99,01%, tăng 0,05%.

Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông mới được Sở GD&ĐT triển khai thực hiện đồng bộ với nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Sở GD&ĐT, phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT đã tăng cường truyền thông, trong đó tập trung truyền thông về những điểm mới của Chương trình GD phổ thông 2018 và việc chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 – 2021; rà soát, chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tổ chức tập huấn nhà giáo và cán bộ quản lý cốt cán, đại trà. Về cơ bản, các điều kiện triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông ở lớp 1 năm học 2020 - 2021 tại các địa phương trong tỉnh đảm bảo đúng tiến độ.

Trong năm học mới, các cơ sở GD THCS và THPT trong tỉnh xây dựng kế hoạch đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS bằng nhiều biện pháp: Tăng cường truyền thông, làm chuyển biến nhận thức cho HS sau tốt nghiệp THCS; đổi mới nội dung và hình thức định hướng nghề nghiệp cho HS. Đổi mới việc dạy nghề phổ thông trong các trường gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề truyền thống và tiềm năng phát triển của từng địa phương. Đối với GD thường xuyên, tỉnh triển khai thực hiện các biện pháp đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của GD thường xuyên, tập trung vào việc xây dựng xã hội học tập; khuyến học, khuyến tài.

Sở GD&ĐT có các văn bản chỉ đạo các đơn vị trường tăng cường GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, GD thể chất cho HS, học viên, bảo đảm an toàn trường học. Các đơn vị trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy học chính khóa đạo đức (môn Đạo đức cấp Tiểu học, Giáo dục công dân cấp THCS và THPT). Phối hợp tổ chức các hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và lồng ghép, tích hợp trong dạy học chính khóa để GD lối sống, kỹ năng sống cho HS, học viên. Đối với giáo dục thể chất, bên cạnh chỉ đạo triển khai dạy học môn thể dục chính khóa, Sở GD&ĐT, phối hợp các sở, ngành tổ chức nhiều hoạt động để phát triển thể dục thể thao học đường: Tổ chức các Câu lạc bộ thể dục thể thao trường học; khuyến khích HS tập luyện thể thao tự chọn; phối hợp với ngành thể dục thể thao tổ chức các lớp trọng điểm tại cơ sở.

Đến ngày 7/9, tại các đơn vị trường trong toàn tỉnh, Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm các ngành học, cấp học đã tổ chức gặp gỡ phụ huynh HS, HS để trực tiếp thông tin các nội dung mới, cần nắm trong năm học mới. Đồng thời tiếp nhận các ý kiến đóng góp của phụ huynh HS phản hồi về công tác quản lý, công tác giảng dạy của đội ngũ giáo viên bộ môn, giảng dạy năng khiếu, thu phí đầu năm học, những định hướng của nhà trường trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Cường ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết: “Năm học 2020 – 2021, con gái tôi học lớp 5, ngày 6/9, Hiệu trưởng và giáo viên có mời vào trường để họp và thông báo các chương trình học trong năm mới. Trong đó có việc đổi sách giáo khoa đối với HS lớp 1. Chúng tôi cũng trao đổi ý kiến với Hiệu trưởng nhà trường từ cách quản lý lớp học, trường học sao cho sạch, đẹp, an toàn cho các em. Về chương trình học sao cho các em vừa học văn hóa vừa học năng khiếu. Thầy Hiệu trưởng cũng khuyến khích phụ huynh sẽ cùng với nhà trường quản lý, tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động năng khiếu do nhà trường tổ chức...”.

Trong năm học mới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương, Sở GD&ĐT tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho người học bằng nhiều biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Triển khai áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, chất lượng cao (dạy học STEM, dạy học ngoại ngữ có sự tham gia của giáo viên người nước ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế về GD&ĐT,...). Khuyến khích đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý nâng cao năng lực thực hiện các mô hình, giáo trình tiên tiến; năng lực ứng dụng, thực hành cho HS... Đồng thời tiếp tục khảo sát, thực hiện sắp xếp các cơ sở GD và tinh giản biên chế; đảm bảo số lượng giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

C.PHƯƠNG

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/giao-duc/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dam-bao-cac-dieu-kien-day-va-hoc-trong-nam-hoc-moi-93115.aspx