Tiếp tục lắng nghe góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm

Chiều 8-3, hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp báo công bố các thông tin liên quan dự thảo TCVN về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đang gây nhiều tranh cãi gần đây.

Phó Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại họp báo.

Phó Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại họp báo.

"Dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm dựa trên đề tài nghiên cứu 10 năm"

TS Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, dựa trên kết quả đề tài nghiên cứu 10 năm (do Bộ Thủy sản trước đây thực hiện) và kế hoạch khoa học công nghệ năm 2017 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (nay là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) được giao nhiệm vụ biên soạn Dự thảo TCVN Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm từ đầu năm 2017.

Qua hai năm triển khai thực hiện, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã hoàn hiện toàn bộ hồ sơ Dự thảo bảo đảm đầy đủ trình tự xây dựng TCVN đó là Biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia. Cục đã thực hiện khảo sát tại các vùng miền: Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa – Nghệ An), Bắc Bộ (Quảng Ninh – Hải Phòng – Nam Định), Nam Trung Bộ (Khánh Hòa – Bình Thuận). Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã tổ chức 5 hội nghị, hội thảo và gửi dự thảo xin ý kiến rộng rãi tới các cơ quan quản lý Nhà nước, các chyên gia của các Viện, Trường Đại học, các đơn vị kiểm nghiệm; đặc biệt là đông đảo các hiệp hội, doanh nghiệp.

TS Đào Trọng Hiếu cho hay, mục đích xây dựng dự thảo là đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nhận diện, phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm.

“Đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mực giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng”, TS Hiếu khẳng định.

Tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng

Tại cuộc họp báo, rất nhiều ý kiến băn khoăn liệu khi dự thảo tiêu chuẩn ra đời có làm khó nước mắm truyền thống khi đưa ra nhiều nội dung quy định nghiêm ngặt. Đồng thời, tiêu chuẩn này cũng chưa phân biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng, mục đích của tiêu chuẩn này không phân biệt nước mắm tiêu chuẩn hay nước mắm truyền thống mà có thể hiểu tiêu chuẩn này là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, qua đó để phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng sản phẩm.

Người sản xuất nước mắm có thể dựa vào tiêu chuẩn này để nhận biết một cách dễ dàng hơn về các mối nguy có thể xuất hiện ở các công đoạn sản xuất của mình để có phương án hạn chế các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra nhằm đáp ứng được các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm.

Theo phản ánh của một số chuyên gia, thực tế cũng có một số nơi đã sử dụng đến cá nuôi để sản xuất nước mắm và trong dự thảo TCVN này có khuyến cáo rằng trường hợp sử dụng cá từ nguồn nuôi trồng thủy sản thì nên kiểm tra các chỉ tiêu này, nhằm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; còn trường hợp sử dụng cá đánh bắt tự nhiên ngoài biển thì không khuyến cáo kiểm tra các chỉ tiêu đó.

“Cần phân biệt rõ ràng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã quy định rõ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) là khuyến khích áp dụng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới là văn bản bắt buộc áp dụng. Do đó, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành QCVN là một việc độc lập với việc xây dựng và ban hành TCVN. Các yêu cầu và cách thể hiện của QCVN nếu có cũng sẽ không thể như quy định của dự thảo TCVN này”, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.

Tiếp tục lấy ý kiến

Theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trong trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan tổ chức xây dựng TCVN về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm thì Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thâm định và công bố tiêu chuẩn này trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Việc ban hành Tiêu chuẩn nhằm mang lại thuận lợi cho các bên liên quan trong đó có cả người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà quản lý. Tiêu chuẩn cũng là công cụ giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nhanh chóng nắm bắt các tiến bộ khoa học, thực hành sản xuất tốt và mang lại các sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng cho xã hội.

Tuy nhiên, hiện tại có nhiều ý kiến góp ý của các câu lạc bộ nước mắm truyền thống, trong đó VASEP yêu cầu rất cụ thể về các nội dung của tiêu chuẩn và các khuyến nghị sửa đổi.

Vì thế, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (cơ quan thẩm định) phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (cơ quan biên soạn) với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo.

THẢO LÊ - THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/39434602-tiep-tuc-lang-nghe-gop-y-cho-du-thao-tieu-chuan-san-xuat-nuoc-mam.html